Quyết liệt kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng cả năm ở mức 18%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng gần đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt. CPI tháng 8 tăng 0,93% so với tháng 9, tháng 9 chỉ tăng 0,82% so với tháng 8. Nhưng mức tăng cao trong những tháng đầu năm đã kéo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 16,63% với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, để đạt được mục tiêu kiềm chế CPI cả năm 2011 là 18%, ba tháng cuối năm, mỗi tháng CPI chỉ “được phép” tăng khoảng 0,45%. Đây là một thách thức khá lớn trong điều hành thị trường trong nước.

Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo mới nhất về thị trường của Bộ Công Thương, trong tháng 9 giá thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn hơi và thịt gà đã giảm 5 - 13% so với tháng 8 và giảm khoảng 15 - 21% so với giá đỉnh điểm hồi tháng 7/2011. Các đàn lợn đã đến kỳ xuất chuồng kết hợp với doanh nghiệp chế biến thực phẩm đẩy mạnh nhập khẩu thịt đã tạo nên nguồn cung thực phẩm dồi dào, góp phần hạ nhiệt giá thực phẩm. Cùng với giá thực phẩm, giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng có xu hướng ổn định và tiếp tục giảm như giá xi măng, xăng dầu, giá gas, giá đường…

Khách chọn mua hàng thực phẩm tại một cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Các chuyên gia thị trường đánh giá, giá thực phẩm giảm mạnh trong thời gian này đã tạo tâm lý yên tâm về đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm trong những tháng cuối năm và dịp Tết. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp, địa phương tích cực tham gia các chương trình bình ổn giá, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi... cũng góp phần kiềm chế giá cả ở nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, theo Tổ điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa tháng 10 còn có các yếu tố hỗ trợ làm giảm giá như: Giá hàng hóa thế giới đang có xu hướng giảm khi đồng USD tăng giá, làm hạn chế đà tăng giá của nhiều mặt hàng nhập khẩu; nguồn cung một số hàng nông sản, thực phẩm trong nước đang được cải thiện giúp giá thực phẩm “hạ nhiệt”, nhất là nguồn cung lương thực khá bảo đảm. Giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu cũng được dự báo không có biến động đột xuất nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến yếu tố đầu vào của sản xuất trong những tháng cuối năm...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước quyết liệt thực hiện mục tiêu đưa lãi suất huy động VND tại các ngân hàng thương mại về mức 14%/năm, từ đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết sẽ điều hành tỷ giá ngoại tệ không tăng quá 1%. Các chuyên gia kinh tế nhận xét, việc giảm lãi suất cho vay góp phần giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp được coi là yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.

Đề phòng yếu tố bất lợi

Bên cạnh các yếu tố tích cực kể trên, thị trường cuối năm vẫn còn có khả năng chịu tác động của một số yếu tố gây tăng giá. Đó là: Nhu cầu một số mặt hàng tăng vào cuối năm; thời tiết mùa mưa bão, dịch bệnh có thể tái phát, lương dự kiến tăng vào đầu tháng 10. Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính lưu ý: Bộ Y tế đang dự kiến tăng viện phí gấp hàng chục lần; do đó cần lường trước khả năng việc thực hiện mức viện phí mới có thể tác động rất lớn đến CPI, giống như việc tăng học phí đã từng tác động mạnh đến CPI năm ngoái.

Tổ điều hành thị trường trong nước đánh giá, năm nay có thể kiềm chế CPI ở mức 18% nhưng biện pháp và thực hiện phải rất quyết liệt. Để bình ổn thị trường trong nước những tháng cuối năm, Tổ điều hành thị trường trong nước đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP.

Tổ điều hành cũng đã kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng cho thị trường, trong đó tập trung vào ổn định thị trường lương thực, thực phẩm. Do thời tiết đang chuyển dần sang mùa lạnh, là điều kiện dễ phát tán bệnh cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, các địa phương chủ động xây dựng biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực, thực phẩm để đưa ra các giải pháp điều hành thị trường phù hợp. Để nguồn cung phân bón trong nước đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, không để giá tăng bất hợp lý do mất cân đối cung cầu khi vào vụ đông, Tổ điều hành đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các doanh nghiệp kinh doanh phân bón vay vốn và tiếp cận ngoại tệ để nhập khẩu và dự trữ phân bón chuẩn bị cho vụ đông – xuân, không để giá phân bón tăng tác động đến hoạt động sản xuất lương thực của bà con nông dân…

T.Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN