Ngành da giày Việt Nam và bài toán khó trong mùa COVID - Bài cuối: Chủ động đón đầu

Các doanh nghiệp trong ngành da giày đang nỗ lực kiên trì để có thể vượt qua được khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra.

Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành cũng phải chủ động chuẩn bị các nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước mới có thể đón đầu được thời cơ, định vị được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu.

Chú thích ảnh
Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN

Kiên trì vượt qua thách thức

Trước thách thức các doanh nghiệp phải tồn tại được để từ đó có cơ hội phát triển sau đại dịch COVID-19, bên cạnh những sự hỗ trợ kịp thời từ phía Chính phủ, các doanh nghiệp da giày, túi xách Việt Nam và Hiệp hội Lefaso đã chủ động, kiên trì và có nhiều nỗ lực để cùng nhau tồn tại, vượt qua khó khăn.

Theo ông Diệp Thành Kiệt “sự tồn tại trên mang nhiều ý nghĩa. Vì ngành da giày, túi xách vẫn là ngành phải sử dụng nhiều nhân công và cũng là một trong những ngành lớn tạo ra nhiều công ăn việc làm. Cho nên sự tồn tại của doanh nghiệp thì cũng đồng nghĩa là sự tồn tại của người lao động và có việc cho người lao động”.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Gia định cho biết để cầm cự “công ty đã phải tìm các nguồn hàng ở các thị trường nhỏ lẻ khác để bù vào các thị trường chính như EU và Mỹ bị mất đi hoặc giảm sút, kể cả chuyển sang sản xuất các mặt hàng tiêu dùng khác phục vụ trong nước”.

Ngoài ra, công ty còn tăng cường thay đổi công nghệ, triệt để ứng dụng công nghệ trực tuyến từ khâu thiết kế đến khâu liên lạc với nước ngoài; tinh giản biên chế phù hợp với đơn hàng mới; tích cực làm các mẫu mã mới để chào hàng cho mùa hàng năm 2021.

Về phía hiệp hội, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết hiệp hội đã làm tốt công tác truyền thông, giúp dư luận hiểu rõ việc tạm dừng các đơn hàng của đối tác nước ngoài thực chất là quá trình tái sắp xếp đơn hàng, không phải là hủy đơn. Việc này đã góp phần trấn an dư luận, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, công nhân và xã hội không bị hoang mang, giữ được lòng tin.

Ngoài ra, hiệp hội còn kiến nghị với Chính phủ nới lỏng các điều kiện để doanh nghiệp và người lao động trong ngành có cơ hội được hưởng 2 gói cứu trợ theo Quyết định 15 của Thủ tướng; đồng thời hiệp hội đã cùng với Hội Da giày, một số hiệp hội khác, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra Tuyên bố chung về tình hình khó khăn của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến người lao động như thế nào, để qua đó các tổ chức NGO và những khách hàng lớn ở EU hoặc các hiệp hội lớn của EU có những sự hỗ trợ cần thiết.

“Chúng tôi nêu rõ những hỗ trợ này là hỗ trợ thẳng cho người lao động Việt Nam và một số doanh nghiệp nhỏ”, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso thông tin thêm.

Ông Kiệt cho rằng “các doanh nghiệp cần có sự kiên trì với khách hàng của mình để họ có những hỗ trợ nhất định trong việc thanh toán”. Vì đấy là những điều kiện để giúp cho doanh nghiệp có thể tồn tại, không những có thể hồi phục mà còn phát triển sau khi dịch qua đi.

Những giải pháp đón đầu 

Để nắm bắt được cơ hội chuyển dịch chuỗi cung ứng, thu hút đầu tư, tăng trưởng đơn hàng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, giới chuyên gia và các doanh nghiệp trong ngành da giày, túi xách đều cho rằng nhất thiết các doanh nghiệp phải có kế hoạch phục hồi và xác lập chiến lược kinh doanh phù hợp ngay từ bây giờ; cần làm chủ khâu phát triển sản phẩm, kiểm soát được chuỗi cung nguyên liệu; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp qua ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao trình độ đội ngũ lao động và cán bộ quản lý; chủ động chuẩn bị các nguồn lực tài chính cho giai đoạn mới.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso: “Về nguyên lý, khi chúng ta đã mở toang thị trường thì gốc rễ vấn đề của chúng ta là phải sản xuất ra sản phẩm cùng loại có giá thành tối thiểu phải bằng với các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới. Vì không có lý do gì các chuỗi cung ứng, các thương hiệu phải mua của ta với giá thành đắt hơn của các nhà cung ứng khác”.

Ông Thuấn dẫn chứng ở Công ty Pou Chen, toàn bộ chi phí vật tư trong sản xuất giày chỉ chiếm 42% và chi phí lao động trực tiếp chỉ chiếm 22%. Còn tại Công ty Hua Song, họ có chiến lược rất rõ ràng và họ điều hành 24/24 toàn bộ công ty trên trung tâm dữ liệu.

Như vậy, theo ông Thuấn, “bài toán lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là không có được trung tâm thì ít nhất cũng phải có một phòng nghiên cứu phát triển để tạo nên cơ sở dữ liệu gốc ban đầu làm nền tảng, dần dần từng bước xây dựng cơ sở big data và dần dần làm sao chúng ta kiểm soát được toàn bộ dữ liệu thông tin giá thành và các yếu tố khác trong bộ chỉ số đó, tối thiểu phải bằng 85 – 90% các doanh nghiệp cùng ngành”.

Theo ông Alexander Christopher Falter, đại diện của thương hiệu ECCO tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt “cần học hỏi để không chỉ là cơ sở lắp ráp mà còn thiết kế, phải mua nguyên vật liệu trong nước. Các bạn cần phải học cách làm những đơn hàng nhỏ. Nếu các bạn muốn tăng giá trị gia tăng thì các bạn hãy làm những lô hàng có số lượng nhỏ hơn nhưng có giá trị cao hơn”.

Còn theo ông Sibojyoti Chatterjee, đại diện thương hiệu Bata tại Việt Nam thì “một lĩnh vực mà Việt Nam thực sự có thể tạo ra sự khác biệt đó là tạo ra thị trường cũng như các cơ sở, các trung tâm cung cấp nguyên phụ liệu. Việt Nam cần tiếp cận công nghệ 4.0, lồng ghép các công nghệ của thế hệ tiếp theo trong quá trình xây dựng các hạ tầng, khu công nghiệp hay các thị trường. Vì nó sẽ giúp cho Việt Nam thích ứng, đi tắt và đón đầu các quốc gia phát triển hơn về ngành này như là Trung Quốc”.

Trong khi đó, về phía hiệp hội, ông Thuấn cho biết hiệp hội đã phối hợp với Đại sứ quán Ý – nước là xứ sở của thời trang, xứ sở của thiết kế - thành lập trung tâm hợp tác thiết kế và tổ chức nhiều khóa đào tạo để nâng cao năng lực thiết kế cho doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian tới, hiệp hội sẽ tiếp tục kết nối với Ý để có thêm các chương trình đào tạo thiết kế nâng cao, cũng như kết nối với công ty Wallmart để mở các lớp hoặc các buổi hội thảo để chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh.

Đối với thách thức phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng từng doanh nghiệp sẽ không thể làm được, nên về phía hiệp hội “chúng tôi đã đặt ra những bài toán, đặc biệt là làm việc với các thương hiệu lớn để trên cơ sở đó họ thấy rằng Việt Nam sẽ làm được những phân khúc có giá sản phẩm cao và họ sẽ dần dần chuyển hướng thay vì chỉ định các nhà cung ứng nguyên phụ liệu ở các nước khác, đặc biệt là ở Trung Quốc thì họ sẽ chuyển dần để cho các doanh nghiệp việt nam có thể sản xuất được các nguyên phụ liệu đúng theo yêu cầu của họ”.

Ông Kiệt thông tin: “Đối với ngành túi xách Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa da cao cấp đã trên 20% trong khi trước đây 5 năm là bằng 0. Những phụ liệu như hardware, phụ kiện đính trên những sản phẩm túi xách cao cấp thì trước đây 5 năm chúng ta chỉ bằng 0 hoặc vài %, nhưng hiện nay chúng ta đã nâng lên gần 50%. Đây là đà tiền để chúng ta mạnh dạn tin tưởng”.

Tuy nhiên, theo ông Kiệt, để đón đầu được hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng thời trang, hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành nói riêng cũng như các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành thời trang nói chung rất cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm hạn chế đến mức tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu phải đóng cửa; dùng vai trò, uy tín và các chính sách để bảo lãnh, khuyến khích các thương hiệu lớn di chuyển sang Việt Nam, kết hợp chuyển dịch khâu phát triển sản phẩm và chỉ định vật tư cho các nhà cung ứng Việt Nam.

Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như điều chỉnh Nghị định 111/2015 theo hướng mở hơn, cũng như có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu chiến lược.

Đồng thời, nắm bắt những nguyện vọng, yêu cầu của các thương hiệu lớn trong việc định vị Việt Nam vào chuỗi cung ứng cũng như những yêu cầu của các thương hiệu này đối với ngành công nghiệp phụ trợ; nghiên cứu, xây dựng mô hình điểm Trung tâm công nghiệp thời trang dựa trên cơ sở các mô hình trung tâm công nghiệp thời trang đang hoạt động hiệu quả tại Đông Quảng, Tuyền Châu,… của Trung Quốc, để có thể hoạt động quanh năm không chỉ cho da giày, túi xách mà còn cả các ngành khác trong ngành công nghiệp thời trang nói chung.

Trung Nguyên
Ngành da giày Việt Nam và bài toán khó trong mùa COVID - Bài 1: Cơ hội và thách thức
Ngành da giày Việt Nam và bài toán khó trong mùa COVID - Bài 1: Cơ hội và thách thức

EVFTA được kỳ vọng sẽ là động lực củng cố, thúc đẩy và mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho ngành da giày, túi xách Việt Nam, trong thời điểm dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN