'Phao cứu sinh' gặp nhiều gian khó

Mặc dù được trông cậy là “phao cứu sinh” của nền kinh tế thế giới, song các thị trường mới nổi cũng trải qua một năm 2013 khá nhọc nhằn. Có vẻ như các nhà đầu tư bấy lâu vẫn đặt lòng tin vào các nền kinh tế mới nổi giờ đây cũng trở nên e ngại, khi tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi chậm lại, thị trường bấp bênh và bất ổn xã hội và cả nguy cơ xảy ra làn sóng thoái lui vốn.            

Lãnh đạo của 5 nền kinh tế mới nổi BRICs.


Có thể kéo lên, cũng có thể đẩy kinh tế thế giới đi xuống   

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hồi tháng 11/2013 đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 đi 0,5% xuống còn 2,7% với lý do các nền kinh tế mới nổi (EME) tăng trưởng chậm lại. Báo cáo hàng năm về Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 (WESP) của Liên hợp quốc (LHQ) công bố giữa tháng 12 vừa qua nhận định kinh tế thế giới sẽ cải thiện trong năm 2014, song vẫn đi trên con đường khá "gập ghềnh", dự đoán sẽ tăng trưởng 3% năm 2014 và 3,3% năm 2015, cao hơn mức tăng trưởng ước khoảng 2,1% năm 2013.      

Theo OECD, số phận của nền kinh tế thế giới hiện bị “cột chặt” vào các thị trường mới nổi. Nếu như trong giai đoạn đầu của phục hồi, EME có thể mang lại động lực tăng trưởng cho các nền kinh tế phát triển, song giờ đây môi trường toàn cầu lại có thể trở thành những chiếc loa phóng đại hay trung gian truyền đi những cú sốc tiêu cực từ EME.      

Ngân hàng trung ương châu Âu mới đây cảnh báo rằng nên theo sát bất kỳ sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn nào ở các EME trong bối cảnh những tác động của cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng euro vẫn dai dẳng.     

Trong nhiều năm, nhóm các EME tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới BRIC, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc , Nam Phi, và các thị trường mới nổi khác là những “ngôi sao” thực sự của kinh tế thế giới và được ví như các “vì sao cứu tinh” khi giúp đưa kinh tế thế giới thoát khỏi cuộc Đại suy thoái. Tốc độ và độ bền tăng trưởng của các EME này đã bù đắp cho sự tăng trưởng trì trệ của kinh tế thế giới và kho dự trữ ngoại tệ dồi dào của họ được rót vào trái phiếu của các nước phương Tây. Hơn thế, “cơn khát” hàng hóa của các thị trường mới nổi cũng mang lại nhiều lợi nhuận cho các công ty phương Tây. Tuy nhiên, “bức tranh màu hồng” đã chuyển gam trong năm 2013.           

Tiềm ẩn không ít rủi ro  
 

Trong năm 2013, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của nhiều thị trường mới nổi đã sụt giảm mạnh. Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Nga đã chậm lại từ 3,4% trong năm 2012 xuống 1,5% năm 2013, của Nam Phi từ 2,5% xuống 2%, của Mexico từ 3,6% xuống 1,2% và của Thái Lan từ 6,5% xuống 3,1%.      

 Chris Weafer, đối tác của công ty tư vấn Macro Advisory in Moskva, cho rằng các nhà đầu tư giờ đây đã để mắt hơn tới những rủi ro từ các thị trường mới nổi.      

Điểm đáng lưu tâm nhất là Trung Quốc. Nền kinh tế này tăng trưởng ước khoảng 7,5-7,6% năm 2013, tuy chỉ thấp hơn 0,1-0,2% so với năm trước, song đây là bước thụt lùi lớn so với mức tăng trưởng 9,3% năm 2011 và mức tăng hai con số trong phần lớn thập niên trước đó. Nền kinh tế này trước mắt không có cách nào để trở lại đà tăng trưởng 8-9% như các nhà đầu tư mong đợi.      

Nền kinh tế Trung Quốc năm 2013 cũng có bước thụt lùi khi tăng trưởng ước khoảng 7,5-7,6% năm 2013, thấp hơn 0,1-0,2% so với năm trướcvà mức tăng trưởng 9,3% năm 2011.


Ngân hàng Tây Ban Nha BBVA cảnh báo sự điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc và cả của các EME khác là nhân tố rủi ro cho kinh tế thế giới. Nhiều nước đang ngày càng phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc là động lực lớn đằng sau nhu cầu hàng hóa toàn cầu và cũng là động lực tăng trưởng không nhỏ cho ngay cả các nước cách xa về mặt địa lý nhưng giàu tài nguyên như Brazil và Australia. Ngân hàng này cho rằng “sẽ không có một Trung Quốc thứ hai sau Trung Quốc”, tức là sẽ không có một siêu cường nào tăng trưởng ở mức hai con số khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trưởng chậm lại.     

Trong năm 2013, nhiều EME bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự bất ổn trên các thị trường tiền tệ trước các tuyên bố “xa gần” của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc cắt giảm và tiến tới rút lại chương trình kích thích kinh tế, cụ thể là chương trình nới lỏng định lượng, mà Mỹ bấy lâu duy trì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Làn sóng rút vốn và hệ quả là nhiều đồng tiền chủ chốt ở châu Á, như rupee của Ấn Độ, rupiah của Indonesia hay baht Thái Lan, đã mất giá mạnh trong năm nay (mà đỉnh điểm hồi giữa tháng 8) trong bối cảnh FED “bóng gió” đề cập đến khả năng này.     

Chương trình mua trái phiếu đồng hành với lãi suất gần bằng không đã dẫn dòng chảy vốn lớn vào các nền kinh tế mới nổi. Chỉ trong một năm từ năm 2009 đến 2010, dòng vốn đầu tư đổ vào Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đã tăng từ 22,5 tỷ USD lên 58,3 tỷ USD. Vì vậy, thông báo rút lại chương trình này đã không tránh khỏi gây hỗn loạn trên các thị trường mới nổi, do các nhà đầu tư rút tiền để phòng trường hợp lãi suất ở Mỹ cao hơn, qua đó gây ảnh hưởng lớn tới giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái.     

Bên cạnh đó, những bất ổn xã hội cũng là rủi ro lớn. Những cuộc biểu tình bạo động trong những năm gần đây, như diễn ra tại Confederations Cup ở Brazil và trong ngành khai mỏ của Nam Phi trong năm 2012, khiến các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn trước những bất ổn xã hội tại các thị trường mới nổi.   

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, Mark Carney, mới đây cảnh báo khu vực ngân hàng không chính thức, hay còn gọi là khu vực ngân hàng "bóng tối", ở các thị trường mới nổi đang là mối nguy lớn nhất đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, do một lượng lớn tài sản đang được chuyển sang khu vực ngân hàng không chính thức này khi các quy định đối với ngành ngân hàng bị thắt chặt để tránh cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 tái diễn. Khu vực ngân hàng “bóng tối” nắm giữ một lượng tài sản vô cùng lớn, ước tính lên tới 67.000 tỷ USD trong năm 2011. Nguy cơ này cũng đặt ngành ngân hàng thế giới trước thách thức phải đặt ưu tiên cải cách cách thức quản lý khu vực ngân hàng lên hàng đầu.   

Năm 2014, triển vọng có tích cực hơn? 
  

Theo đánh giá mới nhất của Ủy ban kinh tế xã hội khu vực châu Á - TBD (ESCAP), các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á năm 2014 sẽ mất thêm một năm tăng trưởng chậm do những yếu kém trong cơ cấu nội tại cũng như bất bình đẳng gia tăng. ESCAP cho rằng quyết định cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu của FED từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD/tháng từ tháng 1/2014 có thể khiến các nước như Malaysia, Philipines, Nga và Thái Lan mất đi 1,2-1,3% tăng trưởng năm 2014.  

Các nền kinh tế lớn ở như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đã tăng trưởng chậm lại trong năm 2013. Kinh tế Trung Quốc ước tăng 7,5% năm 2013 và dự báo tăng trưởng 7,3% năm 2014, trong khi kkinh tế Ấn Độ dự báo tăng 6% năm 2014 sau khi tăng ở mức tương đối thấp là 5% trong hai năm qua.   

Báo cáo gần đây của nhiều tổ chức lớn kể cả LHQ không ngừng cảnh báo những rủi ro xuất phát từ việc FED rút lại chương trình nới lỏng định lượng. Trong báo cáo WESP mới công bố, LHQ nhận định động thái này có thể dẫn tới sự gia tăng mạnh về lãi suất trong dài hạn, đồng thời cũng không loại trừ khả năng bán tháo cổ phiếu, thoái lui vốn khỏi các thị trường mới nổi và tiền tệ mất giá mạnh như hồi tháng 8/2013. Các EME cũng sẽ đối mặt với nhiều cứ sốc bên ngoài hơn với quyết định nói trên của FED.

Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde, từng cảnh báo các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới không nên rút các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế quá sớm, bởi việc dừng chính sách nới lỏng tiền tệ này sẽ làm chậm đà tăng trưởng của các EME, qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.  

Bất chấp những khó khăn trong năm 2013 và những rủi ro vẫn tiềm ẩn, song các chuyên gia cho rằng dẫu sao các thị trường mới nổi vẫn là động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế thế giới. Không nghi ngờ rằng các nền kinh tế này sẽ tiếp tục tăng trưởng. Có lẽ đúng như một số nhà phân tích nhận định: “Đây là một nhân tố rủi ro, nhưng cũng là cơ hội duy nhất chúng ta có”.       


Như Mai
  Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới vào  2028
Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới vào 2028

Bất chấp Ấn Độ đang trải qua thời kỳ khó khăn về kinh tế, tăng trưởng giảm sút, thâm hụt tài chính, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai cao, lạm phát gia tăng, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), có trụ sở tại London, vẫn đưa ra nhận định lạc quan về kinh tế Ấn Độ trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN