Nông nghiệp luôn là hậu phương vững chắc của đất nước

Trong suốt chiều dài lịch sử, nông nghiệp và nông thôn luôn là hậu phương vững chắc của đất nước. Nhân dịp 66 năm ngày Quốc khánh, phóng viên Tin Tức đã có dịp trao đổi với ông Lê Huy Ngọ (ảnh), Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình Nông thôn mới, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nền nông nghiệp Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng.

Trong suốt chiều dài các cuộc kháng chiến giành độc lập và giai đoạn xây dựng đất nước, ngành nông nghiệp đã có những đóng góp gì, thưa ông?

Có thể khẳng định nước ta là một nước nông nghiệp, nền văn hóa của chúng ta xuất phát từ lúa nước. Quá trình phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam gắn liền với sự phát triển của đất nước, mỗi thời kỳ ngành nông nghiệp lại có nhiệm vụ khác nhưng nhìn chung là đơn vị quản lý các lĩnh vực nông sản như: nông, lâm, ngư nghiệp...

Những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng, Bộ Canh nông ra đời khi đất nước vừa trải qua một nạn đói khủng khiếp, kèm với đó là lũ lụt, mất mùa. Hơn 2 triệu người đã thiệt mạng trong trận đói lịch sử này. Và cho đến hôm nay, sau 66 năm hình thành và phát triển cùng đất nước, chúng ta đã trở thành một nền nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn. Giá trị xuất khẩu lên tới hàng chục tỷ đô la.

Có thể chia sự phát triển của ngành nông nghiệp thành 3 giai đoạn chính.

Giai đoạn thứ nhất là sau khi đất nước giành được độc lập, đi lên từ nạn đói. Trong giai đoạn mới, tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến và xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sản xuất nông nghiệp không những đảm bảo lương thực cho đất nước mà nông dân còn trở thành lực lượng quân chủ lực trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Giai đoạn hai, khi đất nước tiến hành cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, nông thôn trở thành hậu phương lớn, đảm bảo cho cuộc chiến tranh vĩ đại với tầm vóc lớn hơn. Các khẩu hiệu như: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, chi viện tất cả cho tiền tuyến”, “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Dỡ nhà dỡ cửa thông xe thông đường”… đều được nông dân hưởng ứng như lực lượng chính.

Như vậy, từ chỗ thiếu ăn, thiếu đói, chúng ta từng bước có lương thực, thực phẩm. Mặc dù, lúc đó vẫn còn phải chia nhau từng lạng gạo, từng lạng thịt nhưng đất nước đã dựa cả vào đó để giành thắng lợi.

Giai đoạn thứ 3, sau khi đất nước thống nhất, chúng ta nhận ra sự ưu việt của một nền nông nghiệp nhiệt đới, với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó... ngành nông nghiệp đã giành được những thành tựu to lớn. Việt Nam từ một nước thiếu đói trầm trọng đã trở thành cường quốc nông nghiệp. Đây là đỉnh cao của nền nông nghiệp Việt Nam, phát triển toàn diện cả về sản xuất, nông thôn và giai cấp nông dân.

Đâu là nguyên nhân xuyên suốt của những thành công này, thưa ông?

Có được như ngày hôm nay, đầu tiên phải nói tới truyền thống yêu nước của giai cấp nông dân Việt Nam, truyền thống yêu quê hương, yêu đồng ruộng.
Thứ hai là Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách kịp thời. Cũng có giai đoạn khó khăn, nhưng Đảng đã kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm và trên cơ sở sáng kiến của nông dân để đưa ra các chính sách phù hợp như: cải cách ruộng đất, chia ruộng cho người nghèo, đổi mới cơ chế quản lý bằng cách khoán hay để nông dân tự lựa chọn thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết nối nền nông nghiệp Việt Nam với thế giới... Tất cả những chính sách đó đã dần dần đưa nền nông nghiệp của chúng ta “cất cánh”.

Thứ ba, dù Việt Nam vẫn còn nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới nông dân bằng các chính sách, sự đầu tư..., từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật như công trình thủy lợi, vật nuôi, chế biến, nông lâm sản, đội ngũ kỹ thuật, mở rộng quan hệ hợp tác. Tất cả các yếu tố đó đã đem lại kết quả như ngày hôm nay.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thưa ông, chúng ta nên làm gì để thực hiện thành công chương trình này?

Để tiếp tục thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng, Chính phủ đang thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới tại 11 xã trên toàn quốc. Mục đích của chương trình là làm thay đổi diện mạo của nông thôn Việt Nam trong thời kỳ mới theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên cơ sở hạ tầng hiện đại, thay đổi đời sống của người nông dân cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trong giai đoạn này, khâu khó khăn nhất là tìm ra nguồn lực để xây dựng chương trình. Bên cạnh đó, là định hướng nông nghiệp đi vào sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng nông thôn mới có hạ tầng hiện đại, quy hoạch toàn diện, căn bản lâu dài.

Cuối cùng là thay đổi nhận thức của người dân. Thông qua chương trình nông thôn mới, nông thôn được quy hoạch để thay đổi nhận thức của người dân, hài hòa từng gia đình với cộng đồng, có trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hữu Vinh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN