Nhà máy bán đường rẻ, người tiêu dùng mua đắt

Do việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá bán đường của các nhà máy hiện đang thấp hơn rất nhiều so với mức giá năm 2012. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là người tiêu dùng vẫn phải “oằn” lưng hoặc dè xẻn khi mua vì giá đường ngoài thị trường vẫn không hề giảm tương ứng.

 

Giá giảm vì tồn kho


Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến tháng 5/2013, lượng đường tồn kho đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay, đạt gần 580.000 tấn. Với con số trên, lượng tồn kho đã đạt mức đỉnh điểm và từ đây đến hết tháng 8/2013 khi mùa vụ khai thác, sản xuất mía đường mới bắt đầu, các doanh nghiệp khó có thể tiêu thụ hết lượng đường tồn kho này.


Đóng bao đường thành phẩm tại Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

“Trung bình mỗi tháng, cả nước chỉ tiêu thụ khoảng 100.000 tấn. Trong khi đó, do chêch lệch giá trong nước và các nước trong khu vực, tại các tỉnh biên giới Tây Nam vẫn còn hiện tượng nhập lậu đường vào nội địa. Thực tế này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giải phóng lượng đường tồn kho”, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết.


Vụ mùa 2012 - 2013, diện tích mía cả nước đạt hơn 300.000 ha, tăng khoảng 16.700 ha so với vụ trước. Tính từ đầu niên vụ đến nay, toàn ngành đã ép được hơn 16 triệu tấn mía, cho sản lượng gần 1,5 triệu tấn đường. Hiện hầu hết các nhà máy đường đã kết thúc vụ sản xuất và dự tính vụ mía đường năm nay, cả nước sẽ sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường.


Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, sau khi cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước, lượng đường hàng hóa năm nay sẽ dư gần 200.000 tấn. Đó là chưa tính đến lượng đường mà các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu theo hạn ngạch, đường lậu tràn về theo đường tiểu ngạch…


Khâu phân phối lũng đoạn thị trường


Do việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá bán đường của các nhà máy đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với năm 2012. Hiện tại nhiều nhà máy, giá bán đường chỉ dao động ở mức 16.500 - 17.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức thấp nhất. Trước đó, vào thời điểm tháng 3/2013, giá đường bán buôn tại kho các nhà máy đã xuống ở mức 13.000 - 13.500 đồng/kg.


“Với giá bán tại nhà máy như trên, cộng thêm chi phí vận chuyển, khi đến tay người tiêu dùng, giá đường ở mức 19.000 - 19.500 đồng/kg là nhà bán lẻ đã có lời. Tuy nhiên, giá đường từ nhà bán sỉ hoặc bán lẻ thứ cấp trên thị trường hiện vẫn giữ mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”, chị Nguyễn Thị Thu - chủ một cửa hàng bán tạp hóa ở chợ Tân Định, TP Hồ Chí Minh, cho hay.


Khảo sát của phóng viên Báo Tin tức tại các siêu thị, chợ truyền thống… trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, giá đường tinh luyện vẫn ở mức 21.000 - 23.000 đồng/kg, đường tinh luyện Biên Hòa là 22.000 đồng/kg… Do giá cao, sức tiêu thụ mặt hàng này rất chậm.


Theo các chuyên gia kinh tế, đối tượng hưởng phần lớn mức chênh lệch giữa giá bán buôn và bán lẻ là các nhà phân phối. Hiện nhiều nhà phân phối đã xây dựng hệ thống đại lý chuyên bao thầu đầu ra cho tất cả nhà máy đường, đồng thời thâu tóm toàn bộ hệ thống tiêu thụ, lũng đoạn giá đường trong nước, khiến cả người tiêu dùng lẫn nhà nông phải gánh chịu thiệt thòi.


“Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị rà soát, kiểm tra hệ thống phân phối đường; kiểm soát chuỗi phân phối, bảo đảm giá đường trên thị trường tương ứng với giá bán của nhà máy nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã yêu cầu Ban chỉ đạo 127 Trung ương phải khẩn trương báo cáo tình hình buôn lậu đường và hoạt động tạm nhập tái xuất đường thời gian qua; kết hợp với các bộ ngành chức năng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những bất hợp lý trong phát triển ngành mía đường”, ông Hải cho biết.


Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN