Năm yếu tố quyết định 'số phận' của kinh tế thế giới 2015

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động khó lường, nhật báo “The Guardian” (Anh) có bài phân tích thú vị về năm yếu tố quyết định “số phận” của kinh tế thế giới trong năm 2015.

Theo tác giả bài báo, nền kinh tế toàn cầu đang trong thế “nghìn cân treo sợi tóc”, có thể tiến tới phục hồi vững chắc hay suy thoái trở lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg.


Trên cơ sở phân tích và nhận định về các khu vực và nền kinh tế có ảnh hưởng lớn, tác giả bài báo đã đưa ra năm yếu tố mang tính quyết định như sau:

1. Con gấu Nga bị thương

Việc giá dầu sụt giảm một nửa, lệnh trừng phạt của phương Tây và sự suy sụp của đồng ruble đã khiến cho nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng 11/2014 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thậm chí ngay từ trước khi đồng ruble tụt giá mạnh trong những tuần lễ trước Giáng sinh 2014, ngân hàng trung ương Nga đã dự báo nền kinh tế nước này sẽ suy giảm tới 4,8% năm 2015 nếu giá dầu, vốn chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Nga, không tăng lên từ mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm qua.

Chuyên gia Neil Shearing của tổ chức Capital Economics có trụ sở tại London nhấn mạnh rằng, nước Nga đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái sâu và mức độ trầm trọng tới đâu sẽ phụ thuộc vào triển vọng của giá dầu và liệu phương Tây có dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga hay không.

Kinh tế Nga nằm trong nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và lại nắm giữ công nghệ tên lửa hàng đầu nên “sức khỏe” của nền kinh tế này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Các nhà phân tích chính trị cho rằng việc kinh tế Nga suy thoái có thể sẽ thúc đẩy Tổng thống Vladimir Putin có những động thái quyết liệt hơn ở nước ngoài.

Giới đầu tư cũng lo ngại Nga sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền, thúc đẩy các nhà đầu tư toàn cầu “chạy” khỏi các thị trường đang nổi khác. Những thị trường này vốn đã chịu tác động bởi việc các quỹ đầu tư đang chuyển về Mỹ khi đồng “bạc xanh” tăng giá trước dự báo lãi suất có thể sẽ tăng cao hơn.

2. Giá dầu giảm quá nửa


Giá dầu thô vẫn tiếp tục trượt giảm mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu như vào thời điểm tháng 7/2014, giá một thùng dầu thô Brent Biển Bắc là 115USD, thì nay con số này chỉ còn dưới 50 USD.

Sự sụt giảm mạnh của giá dầu có lợi cho tăng trưởng toàn cầu vì nó giúp cho người tiêu dùng có thêm tiền để chi cho những khoản mục khác và doanh nghiệp cũng cắt giảm được chi phí.

Tuy nhiên, nó lại tạo ra sức ép lên ngân sách của những nước phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ như Nga, Venezuela và Iran, những nước chỉ có thể cân đối thu-chi ngân sách khi giá dầu từ 100 USD/thùng trở lên.

Chuyên gia quản lý quỹ hàng đầu của Anh, Neil Woodford, đã cảnh báo rằng giá dầu sụt giảm có thể gây ra sự rối loạn trên thị trường trái phiếu toàn cầu khi mà các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ không thể trả được các khoản nợ khổng lồ.

Từ mức gần như bằng không 5 năm trước đây, lượng trái phiếu do các công ty khai thác dầu đá phiến giờ đây chiếm tới 15% trong tổng số trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm thấp nhưng cho lãi cao tại Mỹ.

Nếu các công ty khai thác dầu đá phiến mất khả năng thanh toán số nợ trị giá 200 tỷ USD này, thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các thị trường trái phiếu có lãi cao tạo ra hiện tượng xấu tới các thị trường trái phiếu lãi suất cao giống như tình trạng sụp đổ thị trường thế chấp dưới chuẩn.

3. Diễn biến kinh tế Trung Quốc

Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong năm 2015 trong bối cảnh nền kinh tế này đang trải qua những bước điều chỉnh cơ cấu cấp thiết thì câu hỏi đặt ra là liệu nó sẽ chậm lại tới đâu?

Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới dưới nhiều góc độ khác nhau như: Hàng hóa xuất sang Trung Quốc, đầu tư từ Trung Quốc, giá dầu và các hàng hóa khác, cùng các mối đe dọa giảm phát.

Một số nhà quan sát Trung Quốc đang đánh cược rằng Trung Quốc “hạ cánh an toàn” trong năm 2015. Theo Goldman Sachs, dự kiến tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ, từ mức 7,4% trong năm 2014 xuống còn 7% trong năm 2015, do tín dụng thắt chặt hơn và thị trường nhà đất tiếp tục điều chỉnh.

"Tuy nhiên, chúng ta thấy có ít nguy cơ giảm phát mạnh do các nhà hoạch định chính sách luôn sẵn sàng ứng phó nhanh chóng nếu tăng trưởng hay lạm phát giảm đáng kể," các nhà phân tích của Goldman nhấn mạnh.

Sự kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ có những động thái tiếp theo để thúc đẩy kinh tế đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng gần 50% trong năm 2014, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong số các thị trường chứng khoán chủ chốt trên thế giới.

4. Mỹ: Đầu tàu của thế giới

Sau khi hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái, kinh tế Mỹ đã hồi phục trong năm 2014. Mặc dù thị trường nhà ở vẫn trì trệ, giá dầu đang giảm mạnh, nhưng chỉ số c ông nghiệp trung bình Dow Jones vẫn tăng 8,5% và lần đầu tiên “leo” lên trên mức 18.000 điểm .

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm và xuống còn 5,8% trong tháng 11/2014. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng tới 5% trong quý 3 năm ngoái - tốc độ tăng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây .

Các nhà kinh tế cho rằng nước Mỹ hiện đang có động lực để tiến xa hơn nữa trong năm 2015 này. Tăng trưởng sẽ cao hơn trong năm 2015 do mức lương cao hơn thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn, cũng như xây dựng và đầu tư nhiều hơn. Tuy sự sụt giảm mạnh của giá dầu sẽ khiến sản xuất năng lượng chậm lại, nhưng ngành này vẫn tạo ra lợi nhuận ròng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong đó có tình trạng trì trệ ở châu Âu và châu Á cũng như nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế Nga. Như nhà phân tích và bình luận cấp cao Roy Insana của CNBC đã nói: "Kinh tế thế giới đang tăng chậm lại trong khi nước Mỹ lại đang tiến lên mạnh mẽ. Điều đó có thể sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ.”

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm nay như thế nào cũng sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed – ngân hàng trung ương) xác định thời điểm nâng lãi suất, hiện đang ở mức thấp kỷ lục, và điều này sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, tiền tệ và chi phí vay trên toàn thế giới.

5. Eurozone đối mặt với rủi ro


Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) liên tục chìm đắm trong khủng hoảng và có đầy đủ lý do cho thấy khủng hoảng sẽ tiếp diễn trong năm 2015.

Với mức tăng trưởng chỉ là 0,2% trong quý III năm 2014 và lạm phát ở mức 0,3% trong tháng 11 /2014, sự phục hồi của Eurozone đã không thể diễn ra. Hy Lạp và Tây Ban Nha vẫn đang bị mắc kẹt trong giảm phát và người ta lo ngại rằng tình trạng này sẽ lây lan sang các nước khác trong khu vực - giá cả sẽ tiếp tục giảm; doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tiếp tục trì hoãn chưa chi tiêu để đợi giá giảm thêm nữa. Giá dầu giảm lại càng làm vòng xoáy giảm phát sâu thêm.

Các biện pháp được công bố trong năm 2014 đều không mang lại tác động mong muốn, ví dụ như việc yêu cầu các ngân hàng trong khu vực phải nộp phí gửi tiền tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm khuyến khích việc cho vay.
Giờ thì ECB đã phải tung ra vũ khí cuối cùng là chương trình mua trái phiếu chính phủ hay còn gọi là nới lỏng định lượng (QE), theo cách làm của Fed. Đức đã phản đối kịch liệt biện pháp này nhưng số liệu kinh tế ảm đạm của năm 2015 có thể đã khiến ECB không thể chần chừ được nữa.

Thêm vào đó nữa là những rối ren chính trị ở Hy Lạp. Chiến thắng vang dội của đảng cánh tả cấp tiến Syriza trong cuộc bầu cử ngày 25/1 đã khiến người ta lo ngại rằng đảng này sẽ lật ngược chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ tiền nhiệm, theo quy định của các chủ nợ quốc tế, đưa tới khả năng nước này có thể phải rời khỏi Eurozone. Điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng thêm sức ép và sự bất ổn cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.


Mỹ Bình (P/v TTXVN tại Singapore)

Nga hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2015
Nga hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2015

Nga đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2015 và ước tính GDP sẽ giảm 3% trong năm nay nếu giá dầu ở mức 50 USD/1 thùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN