Năm nay xuất khẩu có thể đạt 150 tỷ USD

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 11, Việt Nam đạt mức xuất siêu xấp xỉ 2,1 tỷ USD. Trong những tháng cuối năm, mặc dù các doanh nghiệp phải đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, nhiên liệu để phục vụ sản xuất nhưng mức xuất siêu cả năm 2014 vẫn có thể đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu là nhờ hoạt động xuất khẩu đang thuận lợi.

Công nghiệp chế biến xuất khẩu dẫn đầu

Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 137 tỷ USD, tăng 16,5 tỷ USD (13,7%) so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực doanh nghiệp (DN) 100% vốn trong nước ước đạt 44,8 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 85,4 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bốc dỡ hàng hóa nhập khẩu tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Đóng góp nhiều nhất cho kim ngạch xuất khẩu chung là nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm 73,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu). Qua 11 tháng, nhóm này đem về gần 100,1 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trên 20% gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 37,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 20,9%; hóa chất 60,5%; túi xách, vali, mũ, ô dù 33,4%; giầy dép các loại 23%; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận 35,4%...

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong 11 tháng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, như dệt may đạt 19,2 tỷ USD, tăng 18,2%; giày dép đạt 9,2 tỷ USD, tăng 23%; thủy sản đạt 7,3 tỷ USD, tăng 20,2%...

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn đứng ở vị trí đầu tiên với mức tăng 21,3%; tiếp theo là EU tăng 11,4%; ASEAN tăng 2,9%; Nhật Bản tăng 9,9% và Trung Quốc tăng 13,1%.

Xuất khẩu của khối DN trong nước đạt mức tăng trưởng khá (13%), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,1% của 11 tháng năm 2013. Đây là tín hiệu cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, xuất khẩu của các DN trong nước.

Như vậy, qua 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu chỉ còn thiếu khoảng 10 tỷ USD sẽ hoàn thành kế hoạch năm nay (147 tỷ USD). Từ đầu năm đến nay, mức xuất khẩu trung bình mỗi tháng đạt khoảng 11,5 tỷ USD nên việc xuất khẩu sẽ về đích hoàn thành chỉ tiêu được nhận định hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 giảm 6,2% so với tháng 10 do nhu cầu nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến của Việt Nam tại một số thị trường châu Á, Mỹ, Phi giảm. Một số mặt hàng trong nhóm nông lâm thủy sản giảm do yếu tố thời vụ... Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tính cả 11 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng.

Biểu đồ Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2014 theo thị trường.Ảnh: Nguồn: Bộ Công Thương


Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo xuất khẩu năm 2014 đạt khoảng 150 tỷ USD, nhập khẩu đạt 148,5 tỷ USD, do đó xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD. Đây là điều đáng mừng đối với kinh tế Việt Nam khi 3 năm liên tiếp xuất siêu.

Tuy vậy, về dài hạn, năm 2015, Việt Nam được dự báo sẽ nhập siêu trở lại ở mức khoảng 6 - 8 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối DN FDI tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Một số mặt hàng như nông sản, nguyên liệu dược phẩm... có mức tăng khá lớn do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất của các DN.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc Việt Nam duy trì được xuất siêu thời gian qua là kết quả của quá trình kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó có các DN lớn như Samsung và một phần đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử như dệt may, từ một ngành bình thường, bây giờ trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất cả nước với con số 25 tỷ USD. Tuy nhiên, cơ cấu xuất siêu rơi nhiều vào khối DN FDI, trong khi các DN Nhà nước (DNNN) vẫn duy trì tình trạng nhập siêu.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nhiệm vụ của DNNN rất đặc thù, đó là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, vừa tham gia sản xuất. Trong khi các DN FDI chỉ tập trung sản xuất tìm kiếm lợi nhuận, không phải nhường lợi nhuận, giảm sản xuất để đầu tư vào an sinh xã hội như DNNN. Vì vậy, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu DNNN để tách bạch việc này.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, năm 2015, hàng loạt nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động nên sẽ phải tính tới việc nhập khẩu than hoặc nhập khẩu dầu thô làm nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề làm tăng gánh nặng nhập siêu. “Nhập siêu là vấn đề lớn với nền kinh tế. Theo tính toán, phải đến năm 2020, Việt Nam ta mới cân bằng được cán cân thương mại ổn định”, ông Hải cho biết.

Hoàng Dương

Dự báo năm nay xuất siêu 1,5 tỷ USD
Dự báo năm nay xuất siêu 1,5 tỷ USD

Tháng cuối năm các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất nên dự báo năm 2014 xuất siêu của cả nước sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN