Lai Châu: Gỡ khó cho cây cao su?

Cây cao su đang được tỉnh Lai Châu coi là loại cây chiến lược, đột phá mạnh mẽ nhằm làm chuyển hướng phát triển kinh tế nông thôn, nhất là những vùng bị ảnh hưởng của các công trình thủy điện (chủ yếu tại huyện Sìn Hồ).


Tuy nhiên, kế hoạch trồng mới 2.800 ha cao su trên địa bàn Lai Châu trong năm 2010 ước chỉ đạt khoảng trên 62%. Nguyên nhân của tình trạng này là chưa cân bằng được lợi ích giữa các công ty cổ phần cao su và quyền lợi của người dân.

Để giải quyết vấn đề này, Đoàn công tác của tỉnh Lai Châu đã xuống tận cơ sở để tìm hiểu nguyên nhân và cách tháo gỡ. Nguyên nhân vướng mắc đã được làm rõ, đó là vấn đề cân bằng quyền lợi giữa nhà đầu tư và người dân có đất chưa được giải quyết. 


Công nhân đang cạo mủ cao su-Ảnh internet



Cụ thể là theo Quyết định số 23/2008 của UBND tỉnh Lai Châu thì các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất đã được giao góp 100% diện tích đất vào công ty cao su và trở thành cổ đông của công ty, giá trị góp vốn (thời điểm năm 2008) 1 ha đất là 10 triệu đồng.


Đồng thời tỉnh Lai Châu cũng qui định mức hỗ trợ 1 lần cho các hộ có đất góp vào doanh nghiệp để trồng cao su với mức: 5 triệu đồng/ha đối với đất trồng cây hằng năm, 6 triệu đồng/ha với rừng trồng bằng nguồn vốn tự có...

Tuy nhiên khi các đơn vị đi đo đạc, qui chủ và thu hồi đất để bàn giao cho doanh nghiệp đã gặp phải những vướng mắc mà cấp cơ sở không giải quyết nổi. Đó là diện tích đất qui chủ cho các hộ dân được tính bằng 100% đất có trên các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Song các công ty cao su lại chỉ chấp nhận 60 - 70% diện tích thực tế có thể trồng được cao su, trừ đi phần khe suối, đất dốc... trong khi lại muốn nhận toàn bộ phần đất đã qui chủ để có diện tích liền khoảnh, dễ bảo vệ và quản lý, vì vậy đã xảy ra sự bất đồng về lợi ích giữa bên nhận và bên giao.

Từ vướng mắc này đã dẫn đến hậu quả: Diện tích trồng mới cao su năm 2008 của tỉnh Lai Châu chỉ đạt hơn 1.700 ha/2.800 ha theo kế hoạch; tổng diện tích được bàn giao cũng chỉ đạt 4.145 ha/4.496 ha đất đã qui chủ.


Các cơ quan tài chính cũng vì thế mà lúng túng, không thể giải ngân kinh phí chuyển đổi đất và hỗ trợ phát triển cao su theo dự kiến. Diện tích đất bàn giao cho các doanh nghiệp chuẩn bị cho vụ trồng mới cao su năm 2011 vì thế cũng đã chậm so với kế hoạch.

Để giải quyết vấn đề này, đồng chí Tô Như Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và huyện Sìn Hồ phải nhanh chóng tổ chức phối hợp để tìm ra giải pháp giải quyết.


Lãnh đạo Tỉnh ủy Lai Châu cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần tính toán lại mức giá hợp đồng nhân công lao động là người địa phương hạ đường đồng mức, dọn thực bì, đào hố trồng cao su và tham gia chăm sóc cho phù hợp với thực tế.

Chu Quốc Hùng - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN