Kinh tế 6 tháng: “Liều thuốc mạnh” đã phát huy hiệu quả

Kinh tế 6 tháng đầu năm nay phải chống chọi với lạm phát cao. Dù vậy, nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng khá. Theo con số chính thức do Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2010 (6,16%) và chỉ tiêu cả năm 2011 đã được Quốc hội thông qua là 7- 7,5%. Trong bức tranh kém sắc tươi này, thì điểm sáng là các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch tiếp tục đà tăng trưởng. Tin vui nữa là Việt Nam được lọt vào top 13 điểm đến của tour du lịch châu Á tốt nhất trong năm 2011 và top 50 điểm đến của tour du lịch tốt nhất thế giới.

“Bức tranh” toàn cảnh

Nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế nước ta trong năm 2011. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP với các giải pháp mạnh, trong đó chú trọng tập trung cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Quyết tâm của Chính phủ, cộng với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 11 đã tác động tích cực tới kinh tế 6 tháng qua.

Trong các chỉ số kinh tế, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh trong đó yếu tố tăng về lượng đóng vai trò chủ yếu (chiếm khoảng 2/3 tổng mức tăng kim ngạch). Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt hơn 42 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%).

Thu ngân sách tiếp tục tăng khá, bảo đảm nguồn cho chi ngân sách và góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước. Chủ trương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên đã được các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc nên đã giảm được chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước là 3.857,7 tỷ đồng. Việc rà soát, sắp xếp đầu tư công để tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hiệu quả được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. An sinh xã hội, tạo việc làm tiếp tục được quan tâm, chú trọng.

Kiểm đếm USD giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank). Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Tỷ giá và thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tâm lý thị trường ổn định nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tiền tệ và quản lý ngoại hối. Dự trữ ngoại hối đang dần được cải thiện, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua bổ sung gần 3 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Thị trường vàng cơ bản đi vào hoạt động ổn định.

Thực hiện Nghị quyết 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả theo hướng thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiềm chế lạm phát. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong suốt cả năm 2011; tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời giảm tốc độ và tỷ trọng dự nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trong tổng dư nợ xuống mức 22% đến 30/6/2011 và 16% đến 31/12/2011.

Tuy vậy, mặt bằng lãi suất còn đang ở mức cao đã tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh. Lãi suất huy động vốn bình quân tăng khoảng 3% so với cuối năm 2010 (năm 2010 bình quân khoảng 12%/năm). Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn (khoảng 3 đến 4%). Dù đã có dấu hiệu giảm nhưng mặt bằng lãi suất còn cao và đang vượt quá khả năng chịu đựng của một bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi đây lại là khu vực có đóng góp khá lớn cho tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chi phí đầu vào thời gian qua tăng cao đã làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thể hiện rõ là lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, thậm chí một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.

Nhập siêu tiếp tục ở mức cao (nếu loại trừ vàng) ước khoảng 7,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2011, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu; tương đương mức chỉ tiêu kế hoạch 2011 đã được Quốc hội thông qua không quá 18% nhưng vẫn cao hơn mức phấn đấu Nghị quyết số 11/NQ-CP đã đặt ra là không quá 16%. “Cán cân thương mại còn thâm hụt ở mức cao, nếu tình hình không được cải thiện sẽ tạo sức ép đối với tỷ giá và thị trường ngoại hối”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.

Bức tranh kinh tế chưa hết khó khăn tác động ngay tới luồng vốn từ khối doanh nghiệp nước ngoài và trong nước chảy vào nền kinh tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn đăng ký và tăng thêm) trong 6 tháng qua chỉ đạt 95% so với cùng kỳ. Tương tự, tổng số vốn đăng ký kinh doanh mới của doanh nghiệp dân doanh giảm 5,4%. Bất ổn kinh tế vĩ mô đã tác động đến thu hút đầu tư phát triển của khu vực doanh nghiệp, có thể sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Những tháng cuối năm nay và cả năm 2012, kinh tế dự kiến vẫn còn diễn biến phức tạp do cả những hạn chế nội tại của nền kinh tế và diễn biến khó lường từ bên ngoài. Lạm phát, mặt bằng lãi suất đang ở mức cao; nhập siêu còn lớn gây sức ép lên tỷ giá và cán cân thanh toán; khu vực sản xuất kinh doanh đã và đang bị ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ; an sinh xã hội, đời sống của một bộ phận người nghèo, đối tượng chính sách còn khó khăn.

Đối mặt với những áp lực này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trọng tâm chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2011 là: Tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đây cũng là nhiệm vụ không thể lơ là trong những năm tới để tạo đà phát triển bền vững trong đó kiềm chế lạm phát được coi là mục tiêu ưu tiên số 1 đồng thời cần duy trì sản xuất, tăng trưởng ở mức hợp lý.


Chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2011 đã tăng 13,29% và có xu hướng giảm dần nhưng rõ ràng mục tiêu lạm phát không quá 7% như Nghị quyết của Quốc hội đã trở thành nhiệm vụ “bất khả thi”. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, lạm phát 6 tháng cuối năm nay ở khoảng 2,5 đến 3,9%. Tính chung cả năm, lạm phát ở khoảng trên 17%; còn trong trường hợp kiểm soát lạm phát, kiềm chế lượng tiền đưa ra lưu thông tốt hơn thì mức lạm phát ở khoảng trên 16%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2011 là 5,57%. Trong 6 tháng cuối năm, cần nỗ lực phấn đấu rất cao thì mới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm để cả năm đạt mức tăng trưởng khoảng 6%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mức tăng trưởng này, nền kinh tế mới có nguồn lực để thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội và giải quyết việc làm cũng như tạo điều kiện tiền đề kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong những năm tiếp theo.

Trong 6 tháng cuối năm, tiếp tục nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Còn trong trung hạn và dài hạn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xác định mục tiêu chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền để tạo nền tảng cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Phối hợp với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cần tiếp tục được thắt chặt để giảm tổng cầu nhằm góp phần giảm sức ép lạm phát cùng với việc kiên quyết rà soát, điều chuyển, tập trung vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, đến hết tháng 6 sẽ thu hồi toàn bộ về ngân sách Trung ương số vốn mà các bộ, ngành Trung ương đã bố trí không đúng quy định.

Quảng Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN