Có hay không việc giấu giếm thông tin các ca lây nhiễm tại cửa hàng Vinmart, Vinmart+ ?

Sự chênh lệch giữa số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và đại diện VinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị VinMart/Vinmart+) về danh sách các cửa hàng có liên quan ca bệnh đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc chuỗi siêu thị này giấu giếm thông tin các ca lây nhiễm tại cửa hàng Vinmart, Vinmart+ ?

Chú thích ảnh
Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các cơ sở kinh doanh tổ chức nhiều điểm lưu động bán các mặt hàng thiết yếu, giảm tải cho các chợ truyền thống và siêu thị, đảm bảo giãn cách. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN. 

Vì sao số liệu "vênh" nhau?

Theo nội dung công bố tối 2/8 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, có 55 khách sạn, siêu thị, bệnh viện liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga tại 12 quận, huyện: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ và Thanh Xuân; trong đó có 39 cửa hàng thuộc hệ thống Vinmart, Vinmart+. 

Trong khi đó, chiều 2/8, đại diện Vinmart đã công cố danh sách 23 siêu thị, cửa hàng Vinmart+ được thông báo của chính quyền địa phương về việc rà soát các F liên quan F0 của nhà cung cấp Thanh Nga. Điều này đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có phải doanh nghiệp đã công bố "nhỏ giọt" hoặc “giấu giếm” thông tin. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về nội dung này, đại diện VinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị VinMart/Vinmart+) cho biết, sau khi có thông tin CDC cung cấp tối 1/8, ngày 2/8, doanh nghiệp đã  phối hợp cùng CDC Hà Nội truy vết các địa điểm VinMart/VinMart + liên quan đến các F của Công ty Thực phẩm Thanh Nga. Cùng thời điểm đó, chính quyền các phường trên địa bàn Hà Nội và Hưng Yên cũng đã vào cuộc rà soát các siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ trên địa bàn phường, quận và yêu cầu tạm dừng hoạt động một số cửa hàng để phục vụ công tác điều tra dịch tễ. 

“Thông báo lúc 13 giờ ngày 2/8 của VinCommerce nêu rõ: Xác định có 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+ đã nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc rà soát các F liên quan F0 của nhà cung cấp Thanh Nga và phối hợp các biện pháp phòng dịch phù hợp. Thông tin này đúng với tình hình thực tế tại thời điểm đó”, đại diện VinCommerce cho biết.

Ngay trong ngày 2/8, các địa điểm này đều được tổ chức xét nghiêm nhanh, khoanh vùng cách ly những người có nguy cơ và tổ chức khử khuẩn. Đến tối 2/8, sau quá trình truy vết quyết liệt, CDC Hà Nội đã ra thông báo 39 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ có các F của Công ty Thực phẩm Thanh Nga đến giao hàng. 

“Danh sách của CDC Hà Nội có một số siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ không trùng với thông báo của VCM lúc 13 giờ. Điều này đã được lý giải do có sự vào kiểm tra dịch tễ song song của CDC Hà Nội và chính quyền các phường. Đối với các siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ tại nội thành Hà Nội và Hưng Yên không nằm trong danh sách CDC Hà Nội công bố, chúng tôi đang tích cực phối hợp làm việc với chính quyền địa phương và đề nghị được cho phép mở cửa trở lại phục vụ nhân dân”, đại diện VinCommerce cho biết thêm.

Bài học cho các hệ thống siêu thị về  công tác phòng chống dịch bệnh

Trước sự kiện trên, trao đổi với PV báo Tin tức, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: 
Vấn đề hệ thống VinMart có người tiếp xúc với F0, số lượng F1, F2 là lớn và hệ thống VinMart trong trường hợp này là bị động bởi VinMart là hệ thống bán lẻ thực phẩm và được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Việc nhập hàng, bán hàng phải tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch như: Nguyên tắc 5K, phân phối hàng đều có quy trình cụ thể. F0 ở đây xuất phát từ Công ty Thực phẩm Thanh Nga và tạm xác định các F0 này là các ca cộng đồng, chưa rõ nguồn nhiễm hay ổ dịch.                        
Đặc biệt, trách nhiệm truy vết, khoanh vùng thuộc cơ quan chức năng, CDC chứ không phải VinMart. VinMart có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, cung cấp đúng thông tin, để đảm bảo việc khoanh vùng kịp thời, chính xác. Việc VinMart không xác định được hoặc xác định chưa đủ các địa điểm để công bố danh sách có thể nói cũng chưa hoàn toàn chính xác. Danh sách chính xác để chia sẻ là danh sách của cơ quan có thẩm quyền, CDC sau khi đã xác định.

Cùng với đó, Masan (doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị VinMart/Vinmart+) không phải đơn vị có thẩm quyền công bố danh sách chính xác, nên xác định Masan cố ý giấu giếm thông tin để tiếp tục bán hàng là nhận định chủ quan và chưa có căn cứ chính xác. Vấn đề liệu có xử lý hành vi đối với Masan hay VinMart hay không? Trước tiên, phải xác định có dấu hiệu vi phạm hay không trong công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng, cơ quan điều tra. Trường hợp xác định có vi phạm, sẽ xử lý theo hành vi vi phạm cụ thể, tùy tính chất mức độ, mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.              

Bài học cho các hệ thống siêu thị và cả công tác phòng chống dịch bệnh: Các hệ thống siêu thị đang hoạt động trong vùng dịch cần phải siết chặt công tác nhập, phân phối và bán hàng; tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thiết kế quy trình, thời gian nhập hàng phù hợp để hạn chế việc tiếp xúc nhiều người. Khi thấy có các biểu hiện của bệnh hoặc sức khỏe của nhân viên khác thường cần phải nhanh chóng báo cáo với cơ quan y tế của địa phương. Ngoài ra, việc lưu trữ thông tin tiếp xúc cũng cần phải rõ ràng, chi tiết để phục vụ công tác rà soát, truy vết nếu có.     

Nhóm PV/Báo Tin tức
Trưa 3/8, Hà Nội có thêm 23 ca mắc mới COVID-19, gồm 2 trường hợp liên quan đến Vinmart
Trưa 3/8, Hà Nội có thêm 23 ca mắc mới COVID-19, gồm 2 trường hợp liên quan đến Vinmart

Trưa 3/8, Sở Y tế Hà Nội thông tin, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 23 trường hợp dương tính mới với virus SARS-CoV-2, trong đó có 15 ca tại cộng đồng, 8 ca khu cách ly. Như vậy, tính đến 12 giờ ngày 3/8, Hà Nội đã ghi nhận 52 trường hợp mắc COVID-19 trong ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN