Giá cả sẽ dần hạ nhiệt

Trái với lo ngại của nhiều người về việc giá cả tiếp tục tăng sau khi lương cơ bản tăng từ 1/5, thị trường lại khá ổn định. Một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là rau, củ và thực phẩm có chiều hướng chỉ tăng nhẹ hoặc chững lại, thậm chí giảm giá. Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp thuộc Bộ Công Thương đưa ra dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 sẽ tăng chậm lại, chỉ tăng 1,2% so với mức 3,32% của tháng 4.

Giá giảm do "ngấm thuốc" chữa

Theo Tổ điều hành thị trường, trong tháng 5, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan: Giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá xăng dầu, sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu cũng như gây sức ép tăng giá trên thị trường hàng hóa. Tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã từng bước được khống chế nhưng vẫn diễn ra trên diện rộng khiến người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh. Cung ứng điện trong mùa khô có thể ảnh hưởng tới sản xuất của một số ngành. Việc tăng mức lương tối thiểu áp dụng từ 1/5 cùng với tác động của mặt bằng giá mới (nguyên nhiêu liệu) tiếp tục làm gia tăng chi phí đầu vào. Kỳ nghỉ lễ dài (30/4 - 1/5) làm gia tăng nhu cầu du lịch và ăn uống ngoài gia đình (...)

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tốc độ tăng CPI trong tháng 5 sẽ chậm lại so với tháng 4. Lý do chính được dẫn ra là giá cả tăng quá mạnh thời gian qua đã tác động đến nhu cầu tiêu dùng làm sức mua chậm hẳn lại nên để tiêu thụ được hàng, các nguồn cung cấp và hệ thống phân phối sẽ phải tìm cách khống chế việc tăng giá trong thời gian tới. Theo thống kê, tổng hợp từ Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, mặc dù giá phân bón, thức ăn chăn nuôi và một số mặt hàng thực phẩm như thịt heo, thịt gà, thủy hải sản… vẫn còn khả năng tăng nhưng xu hướng chững lại và bắt đầu giảm giá đã có thể thấy rõ ở nhiều mặt hàng từ giữa tháng 4 như gạo, đường, rau xanh, thép…

Bên cạnh đó, các giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô sau một thời gian triển khai bắt đầu phát huy tác dụng. Cụ thể, với việc thực hiện Nghị quyết 11, đến nay, thị trường ngoại hối ổn định hơn, tình trạng chênh lệch tỷ giá, khan hiếm ngoại tệ đã bước đầu được giải quyết. Thị trường vàng cũng đã ổn định hơn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, tất cả các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ phải bám sát mục tiêu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ quan điểm sử dụng các biện pháp quyết liệt để giảm tổng cầu và điều hành các lãi suất tác động vào thị trường theo đúng hướng. TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, một trong các nguyên nhân giúp thị trường bình ổn là quản lý mạnh tay của Nhà nước khiến khối lượng tín dụng đưa ra ít. Cùng với đó, các chính sách thắt chặt quản lý thị trường vàng, ngoại tệ khống chế nhập siêu cũng góp phần giúp tốc độ tăng giá giảm dần...

Hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng

Người dân TP Hồ Chí Minh mua thực phẩm trong siêu thị bình ổn giá Coopmart. Ảnh: Thế Anh - TTXVN


Tuy nhiên, việc điều hành chính sách kinh tế nhằm giảm lạm phát cũng có thể để lại những hệ lụy. Chẳng hạn, việc thắt chặt chính sách tiền tệ đột ngột có thể gây khó cho sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Công Thương, việc thực hiện chính sách chặt chẽ, thận trọng trong lĩnh vực tiền tệ và cắt giảm đầu tư công; giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng; chi phí phục vụ sản xuất tăng đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và tiêu thụ của một số ngành. Tháng 4, tăng trưởng sản xuất nhiều sản phẩm chủ yếu chậm hơn so với tháng 3 và cùng kỳ năm trước...

TS Cao Sỹ Kiêm cho biết, vì tốc độ tăng trưởng tín dụng đang từ 38%/năm của những năm trước nay giảm xuống chỉ còn 18% khiến nguồn vốn ít hơn, lãi suất cao hơn, gây khó khăn cho cả khả năng tiếp cận và sử dụng vốn của doanh nghiệp (DN). Vì vậy, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng "không nên thắt chặt thêm tiền tệ vì lãi suất đã quá cao. Trong suốt thời kỳ tăng trưởng GDP trên 7%/năm, chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán dưới 16%. Nếu thắt chặt tiền tệ hơn nữa, lãi suất cao sẽ đẩy chi phí DN lên và như vậy, lạm phát sẽ cao hơn". Tại thời điểm này, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết mặt bằng lãi suất cho vay đối với sản xuất đang đứng quanh mức bình quân 18 - 20%/năm, lãi suất cho vay tiêu dùng đã vọt lên 24 - 25%/năm. Với mức này, người vay sợ không làm ra đủ lợi nhuận để trả lãi, ngân hàng (NH) cũng ngại cho vay vì nguy cơ nợ xấu cao. Việc cho vay khó khăn đến mức, một số NH đang lo ngại không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm dưới 20% như mục tiêu của NH Nhà nước.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, việc kiềm chế lạm phát không chỉ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ. Khi chính sách tiền tệ đã hết dư địa, cần tăng cường các giải pháp đồng bộ khác: "Giảm đầu tư công chưa được bao nhiêu, bội chi ngân sách vẫn lớn, nhập siêu chưa giảm, đặc biệt là hàng xa xỉ vẫn nhập nhiều, công tác quản lý về giá cả chưa có nhiều chuyển biến. Nếu các giải pháp này không được triển khai tốt, gây sức ép thắt chặt tiền tệ quá giới hạn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất”. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, do phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng. Theo đó mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2011 được điều chỉnh từ mức 7 - 7,5% (theo kế hoạch từ đầu năm) xuống mức 6,5% để bảo đảm phát triển bền vững.

Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, việc chống lạm phát không nên chỉ áp dụng với những giải pháp có tính chất tình thế. Để giải bài toán lạm phát, phải kết hợp giải quyết những vấn đề dài hạn, nền tảng – đó là mô hình tăng trưởng hiệu quả, có chiều sâu, cơ cấu kinh tế phù hợp, có hàm lượng chất xám cao... Lạm phát ở nước ta thường cao hơn các nước khác chính bởi những khiếm khuyết nội tại của nền kinh tế: Bội chi, nhập siêu cao liên tục trong nhiều năm. Ngoài ra, mô hình tăng trưởng cũng có vấn đề do chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thiếu chiều sâu, cơ cấu kinh tế không hợp lý, nông nghiệp quảng canh, chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, không có mũi nhọn...

Kiểm soát dần lạm phát
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:
Tôi tin rằng với những giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP, trong tháng 5 và tháng 6 tới, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm dần. Trước tình hình giá lương thực ngày càng tăng cao đang là mối quan tâm lo lắng của người dân, Chính phủ vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát. Mặc dù mức lạm phát trong những tháng qua ở mức cao nhưng những giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP sẽ mang lại hiệu quả dần dần chứ không thể đạt được tức thì.

Điều chỉnh tăng giá ở mức độ có kiềm chế
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo số 46/BC-BTC về công tác điều hành giá năm 2011, trong đó trình Thủ tướng Chính phủ điều hành giá đối với các mặt hàng quan trọng: Điện, xăng dầu, than bán cho sản xuất điện theo nguyên tắc điều chỉnh tăng ở mức độ có kiềm chế, tránh đảo lộn kinh tế vĩ mô, giảm một bước bao cấp qua giá, không đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên quá cao. Đồng thời Bộ cũng có công văn số 2987/BTC-QLG ngày 7/3/2011 về việc tăng cường quản lý giá, bình ổn giá năm 2011 đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trên địa bàn như tiếp tục triển khai thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào; kiểm soát chặt các kênh chi tiêu từ ngân sách nhà nước; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí. Ngoài ra, Bộ cũng đã có Thông báo số 128/BTC-QLG ngày 24/3 về việc điều hành giá xăng dầu, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước cho đến khi có thông báo mới của Bộ Tài chính.

Phải hướng tới giải pháp trung và dài hạn
Ông Naoyuki Shinohara, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF):
Chúng tôi đánh giá cao những chính sách Việt Nam đã thực hiện nhằm duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục đưa nền kinh tế tăng trưởng cao hơn. Những giải pháp như tăng tỷ lệ lãi suất, thắt chặt tiền tệ và những nỗ lực giảm thiểu thâm hụt ngân sách đã thể hiện những nỗ lực lớn của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì không chỉ với những giải pháp chống lạm phát ngắn hạn mà còn phải hướng tới những giải pháp trung và dài hạn. Một khi Chính phủ sử dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ thì điều mà thị trường cần là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về việc tiếp tục nỗ lực để kiềm chế lạm phát. Tôi cho rằng: Quyết định gần đây của Chính phủ chú trọng vào việc ổn định hệ thống tiền tệ và nền kinh tế vĩ mô là hướng đi đúng đắn. Nó cũng giúp tăng lòng tin vào đồng nội tệ. Và, Chính phủ cần thực hiện cam kết, giữ ổn định cho nền kinh tế.


Thu Hường - Minh Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN