Đổi mới mô hình tăng trưởng xuất khẩu

Trong những năm qua, tăng trưởng xuất khẩu (XK) của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế sẵn có về tài nguyên và lao động rẻ. Vì vậy, phát biểu tại Hội thảo “Chính sách thương mại nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020” được Bộ Công Thương tổ chức ngày hôm qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho rằng, cần phải nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng XK trong thời gian tới.

Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường

XK của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào việc khai thác tài nguyên không tái tạo như than đá và dầu thô. Trong khi đó, nhu cầu nội địa về hai mặt hàng này lại đang có chiều hướng gia tăng nhằm phục vụ cho sản xuất điện, lọc và chế biến dầu. Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu than để cung cấp cho các nhà máy điện mới ở miền Trung và miền Nam. Theo tính toán của Viện Kinh tế Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam sẽ khai thác cạn kiệt than trong nước và sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu.

May sản phẩm xuất khẩu ở Công ty Dệt May Gia Định (TP.HCM). Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Do đó, để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong tương lai đòi hỏi chính sách XK phải theo hướng hạn chế XK thô và dần đi tới cấm XK các mặt hàng tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như dầu thô và than đá. “Các nước xung quanh như Ôxtrâylia, Trung Quốc và nhiều nước khác đã có những biện pháp hạn chế XK những mặt hàng chiến lược như dầu thô và than đá bằng cách tăng thuế XK, giảm hoàn thuế XK... Việt Nam cũng cần có những biện pháp tương tự để cải thiện tình trạng “bán tháo” tài nguyên, thậm chí có thể tiến tới cấm XK tài nguyên chiến lược. Ngay cả việc XK các mặt hàng sử dụng nhiều tài nguyên cũng cần được hạn chế”, TS Nguyễn Chiến Thắng của Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất.

Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta nhưng các mặt hàng nông sản XK được sản xuất ra còn sử dụng các loại phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật không đúng cách và quá mức, gây ô nhiễm môi trường đất, nước nghiêm trọng. Theo Thạc sỹ Hoàng Thị Vân Anh (Viện Nghiên cứu thương mại), để sản xuất mỗi tấn lúa, người nông dân sử dụng đến 73 kg phân bón và 0,45 kg thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất lúa tăng lên song chưa đi kèm tương ứng với các hoạt động phổ biến kỹ thuật sản xuất để người nông dân biết cách sản xuất an toàn, hiệu quả. Điều đó đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng, dịch hại xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là tại đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ sở chế biến hàng XK cũng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là các cơ sở chế biến thủy hải sản, nông sản, hàng dệt may, giày da, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ...

Đổi mới mô hình tăng trưởng XK

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng trưởng XK dựa trên lợi thế khai thác các nguồn lợi tự nhiên và sử dụng ngày càng nhiều thêm vào các yếu tố đầu vào là áp lực gia tăng ô nhiễm. Nếu không có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu XK sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao thì thiệt hại kinh tế từ việc suy thoái môi trường sẽ ngày càng lớn.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng tăng trưởng XK cần phải nhanh chóng thay đổi mô hình tăng trưởng XK: “Trong những năm qua, tăng trưởng XK của Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có về tài nguyên và lao động giá rẻ. Lợi thế nói trên hiện tại và trong một vài năm tới vẫn phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nguồn lực tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Lợi thế lao động giá rẻ cũng ngày càng giảm dần trong bối cảnh chênh lệch tiền lương lao động của nước ta và các nước khác giảm dần. Do đó, dựa vào mô hình tăng trưởng XK theo chiều rộng dựa trên những lợi thế so sánh sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực giá rẻ thì XK của Việt Nam khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cũng là áp lực để Việt nam phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng XK. Mô hình tăng trưởng mới phải theo chiều sâu, dựa trên việc khai thác lợi thế cạnh tranh động là cải cách thể chế, sử dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam vẫn tập trung phát triển XK những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và lao động giá rẻ như thủy sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình. Tuy nhiên, cần chuẩn bị điều kiện để gia tăng tỷ trọng XK hàng chế biến. Giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ và chất xám cao trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và ngoài nước vào các ngành định hướng XK, những ngành chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao. Việt Nam cũng sẽ chuyển dịch cơ cấu hàng XK theo hướng giảm dần XK hàng thô, nông sản, thủy sản, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp XK. Việt Nam cũng chú trọng tới XK các mặt hàng thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng năng lượng và tài nguyên.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN