Đổi mới để hội nhập sâu hơn

Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế như một xu thế tất yếu. Nhưng, hội nhập chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải gắn với những cải cách trong nước. Con tàu kinh tế Việt Nam mong ngóng không chỉ là những cam kết mà là những lợi ích được hiện thực hóa từ các cam kết hội nhập.

Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài sẽ vào thị trường Việt Nam theo cam kết hội nhập. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Chủ động hội nhập đa tầng nấc

Hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung trọng âm của hội nhập quốc tế và là một trong những nội dung quan trọng và xuyên suốt của công cuộc đổi mới kinh tế đất nước trong những năm qua. Trên tinh thần ấy, Việt Nam đã tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các phương diện đa phương, khu vực và song phương.

Về đa phương, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO từ năm 2007 sau 11 năm đàm phán. Về khu vực, Việt Nam đã trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và sau đó là Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

Cùng với ASEAN, Việt Nam đã tham gia các thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc - Newzeland. Về song phương, Việt Nam đã ký hàng loạt các hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại với Mỹ, Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản.

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó, 6 là hiệp định giữa ASEAN với các đối tác và 2 là hiệp định song phương với Nhật Bản, Chile. Kết thúc đàm phán FTA với Liên minh Hải quan Nga - Belarus và Kazakhstan. Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán các FTA quan trọng khác như Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, việc Việt Nam hội nhập kinh tế đa tầng nấc như trên một mặt thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong việc nắm bắt các cơ hội mới nhưng cũng mặt khác cũng đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ: “Hội nhập kinh tế với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu và đa dạng sẽ hỗ trợ

“Lợi ích và chi phí của hội nhập kinh tế quốc tế thường được phân bổ không đồng đều, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, cần có giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với những đối tượng dễ bị tác động nhiều nhất và tạo cơ hội tiếp cận công bằng cho các đối tượng trong xã hội. Chỉ có như vậy mới bảo đảm được đồng thuận xã hội, yếu tố quan trọng giúp hội nhập kinh tế quốc tế đa tầng nấc thành công”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam có được các lợi thế ở cả trong nước (cơ cấu kinh tế hợp lý hơn) và bên ngoài (điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn) để thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài”.

Nhìn nhận về cơ hội và thách thức của tiến trình hội nhập, tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng đánh giá: Khi hội nhập thì lợi thế tiếp cận thị trường sẽ tốt hơn. Chung ta cũng có điều kiện để tiếp cận kỹ thuật cao, phát triển công nghệ, thương mại điện tử, kinh tế xanh...

Cải cách trong nước là “gốc”

Mặc dù cơ hội là rất lớn nhưng những thách thức mà Việt Nam phải đối diện trong quá trình hội nhập cũng không hề đơn giản.

Từ góc độ của một chuyên gia đàm phán, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý: “Các đối tác trong các FTA thế hệ mới không chỉ yêu cầu mức độ cam kết sâu hơn đối với những nội dung đàm phán truyền thống như hàng hóa và dịch vụ mà còn yêu cầu cam kết cả những nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, lao động, thương mại điện tử...”.
Vì hội nhập sâu hơn thì cạnh tranh sẽ lớn hơn nên TS Võ Trí Thành lo ngại nhiều ngành kinh tế không có lợi thế cạnh tranh sẽ đối diện với nguy cơ đổ vỡ: “Rất nhiều ngành sẽ gặp sức ép lớn, nguy cơ suy giảm là có thật như ngành mía đường, ô tô, thép, chăn nuôi...”.

Tuy nhiên, không hội nhập thì sẽ không thể phát triển được nên theo các chuyên gia kinh tế, cần chuẩn bị một “gốc” thật chắc, đó là chú trọng cải cách trong nước để có thể hội nhập thành công. “Không hội nhập vị hội nhập mà hội nhập để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn. Giữa cải cách kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế có sự tác động qua lại nhưng cải cách trong nước luôn phải là yếu tố quyết định và là nền tảng của hội nhập kinh tế quốc tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu quan điểm.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lý giải thêm: “Không nên dùng ‘bên ngoài’ để ép ‘bên trong’ vì dễ làm phát sinh tình trạng thực thi hội nhập hình thức, làm giảm hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế và nếu tích tụ lâu ngày sẽ làm xói mòn các nỗ lực cải cách kinh tế. Do đó, cần tiếp tục đưa cải cách kinh tế đất nước đi vào chiều sâu, đặt biệt là thực hiện có hiệu quả các chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng, đầu tư công và nông nghiệp. Bởi, cải cách thành công trong những lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các cấp đội hội nhập quốc tế cao hơn”.

Ngành chăn nuôi chịu nhiều sức ép khi hội nhập. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN


TS Võ Trí Thành cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Hội nhập chỉ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải gắn với cải cách trong nước. Trong nước phải chuẩn bị tốt thì hội nhập sẽ tốt hơn”. Theo TS Võ Trí thành, ở đây, vai trò của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp là hết sức quan trọng.

Theo đó, Chính phủ cần quan tâm hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ và đồng bộ, bảm bảo minh bạch và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh. Với doanh nghiệp, đừng chỉ nghĩ đến cái lợi là mở rộng thị trường mà cần nghiên cứu sâu hơn về các luật, rào cản thương mại từ các nước.

Chẳng hạn, khi tham gia FTA với Liên minh châu Âu (EU), tuy mức thuế xuất khẩu giảm xuống nhưng hàng rào phi thuế quan lại tăng lên. Nếu doanh nghiệp không hiểu rõ về các quy định về hóa chất, môi trường... thì có thể gặp khó khăn khi bị đề nghị truy nguồn hóa chất sử dụng...

Bên cạnh các nỗ lực mở cửa, thâm nhập thị trường thế giới, có ý kiến cho rằng, cần quan tâm thỏa đáng tới việc bảo vệ thị trường nội địa, thực hiện những biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết như biện pháp chống bán phá giá, hàng rào vệ sinh dịch tễ, quy tắc xuất xứ… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Hiện nay, công việc này theo nhận định của doanh nghiệp đang là khâu rất yếu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng lưu ý: “Việt Nam có thể tận dụng nhưng không nên lạm dụng sự đối xử đặc biệt và khác biệt cho những nước đang phát triển. Việc có được một thời gian chuyển đổi dài để duy trì một biện pháp hỗ trợ thiếu hiệu quả nào đó sẽ không tốt bằng việc chủ động tái cơ cấu và thúc đẩy tính cạnh tranh. Môi trường cạnh tranh sẽ thúc đẩy nâng cao năng suất, nâng cao trình độ công nghệ và phát triển nguồn nhân lưc, những thành tố hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững trong dài hạn”.


Thu Hường



Giúp doanh nghiệp hội nhập vững vào ASEAN
Giúp doanh nghiệp hội nhập vững vào ASEAN

Đến nay, Việt Nam đã cũng với các nước ASEAN hoàn tất việc xây dựng lộ trình thuế cho đến năm 2018, bước đầu xây dựng hệ thống kết nối ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN