Doanh nghiệp vẫn ngại đầu tư vào nông nghiệp

Hiệu quả thấp, tiềm ẩn rủi ro cao đang là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp “ngại” đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách thuế, vốn, đất chưa phù hợp cũng khiến việc thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn chồng chất

Hiện nay, quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp đa số còn nhỏ, trên 90% số DN nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng; 6% số doanh nghiệp có vốn từ 10-50 tỷ đồng và chỉ có 1% có mức trên 200 tỷ đồng.

Một trong những vướng mắc khiến các DN “ngại” đầu tư vào nông nghiệp, đó là chính sách đất đai còn nhiều bất cập. Nhiều DN “kêu” thủ tục hành chính phức tạp, quỹ đất hạn chế, trong khi giá thuê đất cao nên khó tìm được mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp. Đất đai không chỉ tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh mà còn là tài sản để các DN thế chấp vay vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Phú Hùng, Phó vụ trưởng – Phó trưởng Ban đổi mới doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có mức vốn thấp, bình quân là 200 triệu đồng/DN, bằng 1/3 số vốn bình quân của 1 DN trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh và thị trường.

“Đó là chưa kể nhiều DN không tiếp cận được các nguồn vốn vay của các ngân hàng, nhất là các DN nhỏ do phương án kinh doanh chưa khả thi, năng lực tài chính yếu không đủ điều kiện thế chấp và tín chấp đối với khoản vốn xin vay”, ông Hùng nói.

Do ít vốn nên việc tiếp cận thị trường quốc tế của DN nông nghiệp cũng còn yếu, chất lượng nông sản phẩm còn thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu, khối lượng sản phẩm sản xuất ra chưa nhiều.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp hứng chịu thiên tai dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng liên tục hoành hành. Chính vì vậy, việc đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro. Đơn cử, chỉ tính riêng đợt dịch bệnh lở mồm long móng trong thời gian qua đã làm chết khoảng 36.000 con gia súc. Trước đó, các đợt rét đậm, rét hại từ cuối năm 2010 tới tháng 3/2011 đã làm chết gần 100.000 con gia súc, hai đợt mưa lũ ở miền Trung đã làm thiệt hại gần 57.000 ha lúa và rau màu của nông dân.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao khiến giá cả các mặt hàng đầu vào trong ngành nông nghiệp tăng theo, gây nhiều khó khăn cho người dân và các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vì vậy, để phát triển đội ngũ DN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản tăng cả về số lượng cũng như quy mô hoạt động và tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần phải làm rất nhiều việc.

Đột phá bằng công nghệ

Theo Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 8.600 DN nông nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm trên 4% tổng số DN của tất cả các ngành kinh tế. Hiện có trên 98% số DN hoạt động trong ngành nông nghiệp là các DN vừa và nhỏ. Số lượng DN 100% vốn nhà nước ngày càng giảm, số lượng DN dân doanh ngày càng tăng.

Hiện nay, phần lớn máy móc và thiết bị, công nghệ sản xuất của các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có từ những năm 90 của thế kỷ 20 trở về trước. Việc chuyển giao công nghệ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 1990 đến nay chỉ chiếm trên 3% trong tổng số các hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ.

Do đó, để tạo đột phá trong phát triển DN nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, trọng tâm đầu tư phát triển là tăng cường đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất và hạ giá thành sản phẩm; nghiên cứu và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường; tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết giữa các DN và giữa các hiệp hội chuyên ngành với các DN để nâng cao sức phát triển và cạnh tranh...

Ngoài ra, “phải nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong DN để phát huy hiệu quả của công nghệ” - ông Bổng nói.

Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn như hiện nay, việc giãn nợ thuế cho các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là những DN nông nghiệp là hoàn toàn hợp lý. Riêng với việc áp dụng thuế đất, mặc dù còn nhiều vướng mắc nhưng phải có thời gian thực hiện, đảm bảo phù hợp với các cam kết của WTO...

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho số đông dân cư và quan trọng hơn đó là góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế thế giới.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN