Doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận các cơ hội xuất khẩu

Sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu được ký kết, nhiều cơ hội đã mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, đồ gỗ và thủy sản được hưởng rất nhiều ưu đãi. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận các cơ hội này như thế nào. Đây là những nội dung được thảo luận sôi nổi tại hội thảo chủ đề “Sự chuẩn bị cần thiết của doanh nghiệp trước Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu” diễn ra sáng 2/7 tại TP Hồ Chí Minh.

Ngành chế biến gỗ  được xóa bỏ hoàn toàn 65% thuế suất sau khi gia nhập hiệp định tự do


FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhtan, Armenia và Kyrgyzstan) được ký kết vào ngày 29/5 vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng như những công cụ hữu ích để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, thông qua các điều kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ… Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi thông qua các cam kết chung về cắt giảm thuế quan. Cụ thể như: dệt may có 82% dòng thuế được cắt giảm; giày dép 77%; túi xách 100%; thủy sản 95% mở cửa, lộ trình tối đa 10 năm; đồ gỗ được xoá 65%…


Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO TP Hồ Chí Minh, cho biết Liên minh kinh tế Á – Âu là một thị trường khá mạnh và phát triển, GDP khoảng 2.500 tỷ với khoảng 170 triệu dân và nhu cầu khá phù hợp với nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây cũng gần như là một thị trường truyền thống đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy khi ký kết hiệp định này chúng ta hy vọng các doanh nghiệp sẽ khai thác tốt và không gặp quá nhiều sự cạnh tranh với hàng hóa từ các nước khác.


Tuy nhiên, các đại biểu tại hội thảo cũng chỉ ra những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi hiệp định này có hiệu lực. Đó là nguy cơ bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu giá rẻ hoặc hàng hóa xuất khẩu được trợ cấp của Việt Nam. Hoặc đối với hàng hóa xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam, nếu xuất khẩu ồ ạt cũng có nguy cơ bị điều tra tự vệ, dẫn đến việc tăng thuế trở lại hoặc ngưng cắt giảm thuế. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để tận dụng tối đa những cơ hội mà hiệp định mang lại.


Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Da Giày TP Hồ Chí Minh, hiện doanh nghiệp đang có sự chuẩn bị để quay trở lại thị trường truyền thống bởi đây là thị trường rất tiềm năng. Thế nhưng, điều các doanh nghiệp nên làm là chuẩn bị đầu tư máy móc, đầu tư công nghệ, đầu tư nhà xưởng… Nhưng với tình hình kinh tế hiện nay, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi tiếp cận vốn vay, mặt bằng…. Vì thế, doanh nghiệp mong muốn nhà nước hỗ trợ về mặt bằng để các doanh nghiệp có thể đầu tư, tận dụng cơ hội này để phát triển ngành da giày.


Hiện nay các thỏa thuận FTA giữa Việt Nam với các quốc gia, khu vực khác đang tiếp tục đi đến ký kết và đưa vào thực hiện. Doanh nghiệp cần phải nắm bắt thông tin kỹ lưỡng, đánh giá đúng mặt hàng nào phù hợp và tận dụng các thị trường tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu và phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tốt đa để các doanh nghiệp có thể phát huy tốt những ưu thế của mình, đầu tư phát triển một cách bền vững.

Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN