Doanh nghiệp FDI hiến kế xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững

“Thành phố mong nhà đầu tư đến với TP Hồ Chí Minh bằng khối óc và trái tim để cùng thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững TP Hồ Chí Minh ngày nay và tương lai”, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, được tổ chức vào sáng ngày 21/4.

Hỗ trợ xây dựng thành phố thông minh


Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, thành phố triển khai Đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, với 4 mục tiêu là: đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục tốt; người dân được chính quyền phục vụ tốt; người dân và tổ chức xã hội tham gia quản lý và giám sát. 

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp FDI.

Phát biểu tại hội nghị, ông John Rockhold, Giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng thành phố thông minh. Amcham phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin Truyền thông và các tỉnh, thành Việt Nam đã thành lập Hiệp hội Công nghiệp thành phố thông minh Hoa Kỳ - Việt Nam, hiện có 30 doanh nghiệp thành viên có các giải pháp và chuyên môn, gồm: quy hoạch đô thị, phần mềm, phần cứng, năng lượng và công nghệ xử lý nước thải.


Hiệp hội đã có một số kết quả hoạt động, như tại Khánh Hòa (ký bản thỏa thuận ghi nhớ với Microsoft Việt Nam về xây dựng thí điểm mô hình thành phố thông minh Nha Trang) và tại Đà Nẵng (đã hoàn thành giai đoạn dự án chính quyền điện tử vào năm 2013). Sắp tới, Amcham sẵn sàng phối hợp với TP Hồ Chí Minh để xây dựng thành công thành phố thông minh.


Tương tự, ông Michele D'Erocole, Chủ tịch Phòng Thương mại Ý (Icham) đánh giá cao dự án xây dựng thành phố thông minh của TP Hồ Chí Minh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của Ý tại thành phố Milan và cảng Genoa. “Các doanh nghiệp, lãnh đạo Việt Nam có thể triển lãm Tuần lễ thành phố thông minh hàng năm tại thành phố Trento. Đến đây các bạn có thể học hỏi tầm nhìn tương lai cũng như các thách thức gặp phải trong xây dựng thành phố thông minh. Ngoài ra, chính quyền thành phố khi lựa chọn phương án xây dựng phát triển đô thị thông minh cần xem xét nhu cầu hiện tại cũng như tương lai của người dân".


Với góc độ là nước có nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) cho biết Hàn Quốc hiện có 6.610 dự án, tổng vốn 58.1 tỷ USD tại Việt Nam; trong đó tại TP Hồ Chí Minh có 1.200 dự án. Kim ngạch thương mại hai nước dự kiến 100 tỷ USD vào năm 2020. Điều này cho thấy tình hình giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất tích cực. Thành quả trên nhờ vào Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian vừa qua và tác động của hiệu lực Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam – Hàn Quốc.


Ông Kim Heung Soo đề xuất Việt Nam cần làm rõ lợi ích bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài; phát triển ngành logistic, giảm chi phí logistic để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển; các lĩnh vực thuế, hải quan cần ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, số hóa trong tất cả vùng, miền của Việt Nam.


Tiếp tục đổi mới cơ chế


Được biết, năm 2017 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của TP Hồ Chí Minh như Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và thành phố đang đẩy mạnh triển khai để đưa Nghị quyết số 54 đi vào cuộc sống; thành phố đã thông qua Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”…

Các doanh nghiệp FDI mong muốn được hỗ trợ TP Hồ Chí Minh xây dựng thành thành phố thông minh.

Năm vừa qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 8,25%, gấp 1,25 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước và giúp thành phố giữ được tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế cả nước ở mức khoảng 22%. Lần đầu tiên, quy mô nền kinh tế thành phố vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. 


Cũng trong năm 2017, về thu hút đầu tư, đã có 41.629 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký thành lập mới là 603.900 tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 118.107 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng hơn 324.423 tỷ đồng.


Phát huy những thắng lợi đó, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục đề nghị lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh có những chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ngành nghiên cứu những nội dung phát biểu, hiến kế của các doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh, gắn bó lâu dài với thành phố. Tập trung chú trọng trao đổi, phản hồi kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật trong giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp. Hy vọng sắp tới, các doanh nghiệp đến với TP Hồ Chí Minh bằng khối óc, tức là công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức là chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp để cùng với thành phố thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.


Trong năm 2018, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo. Thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế xây dựng một khu đô thị sáng tạo của thành phố, tích hợp 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với 12 trường đại học, trên 1.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 70.000 sinh viên, dân số gần 1 triệu người làm hạt nhân trong việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp tục ưu tiên lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo sự phát triển và hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính công. Tiếp tục tập trung đổi mới cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút đầu tư nước ngoài...


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Xét xử sơ thẩm vụ nhà báo 'cưỡng đoạt tài sản' doanh nghiệp tại Yên Bái
Xét xử sơ thẩm vụ nhà báo 'cưỡng đoạt tài sản' doanh nghiệp tại Yên Bái

Sáng 20/4, Tòa án Nhân dân thành phố Yên Bái đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự bị cáo Lê Duy Phong, nguyên Trưởng Ban Bạn đọc, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN