Điều hành giá phải góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Bộ Tài chính vừa có thông báo chính thức ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ về công tác điều hành giá. Theo Bộ trưởng, từ đầu năm đến nay, công tác điều hành giá của Bộ đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Giá điện ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng chỉ đạo, cần tiếp tục theo dõi sát sao, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong công tác quản lý, điều hành giá để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc điều hành giá phải góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển và hội nhập; tiến hành rà soát lại tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước kiểm soát giá, nếu giá chưa hợp lý thì nghiên cứu biện pháp xử lý, tháo gỡ theo phương án, lộ trình phù hợp, đảm bảo giá cả vận hành theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đối với một số mặt hàng nhạy cảm như điện, xăng dầu, thì việc điều hành giá phải linh hoạt, theo thời điểm, liều lượng hợp lý để đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội. Cần rà soát, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá và công khai, minh bạch giá đối với những mặt hàng Nhà nước độc quyền, những mặt hàng nhạy cảm như điện, xăng dầu, sắt thép, dịch vụ cảng biển, giá lương thực, thuốc, sữa, học phí, viện phí…

Về vấn đề điều hành giá xăng dầu, điện, Cục Quản lý giá sẽ nghiên cứu, hoàn chỉnh các phương án, kịch bản điều hành giá các mặt hàng này. Trong các phương án về điều hành giá, phải nêu rõ nguồn số liệu được sử dụng để tính toán, Cục Quản lý giá thẩm định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu.

Đối với giá điện, khi tính toán giá điện, ngoài những yếu tố làm tăng giá thì phải lưu ý tính cả đến những yếu tố làm giảm giá như: Hao phí điện năng; kiểm soát chi phí của các đơn vị bán điện cho EVN; tiết giảm giá thành, vật tư thu hồi trong quá trình sản xuất và thanh lý tài sản của ngành điện; doanh thu cho thuê cột điện; nhượng bán, thanh lý tài sản, vật tư ngành điện; chi phí nhân công; phương pháp phân bổ chênh lệch tỷ giá… Cục Quản lý giá chủ trì nghiên cứu, đề xuất việc thanh tra các doanh nghiệp bán điện cho EVN để làm rõ các yếu tố chi phí khi đàm phán mua điện giá cao.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ Tài chính nghiên cứu, đưa nội dung thanh tra về giá (xăng dầu, điện…) vào chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2012 của Bộ Tài chính; Cục Tài chính Doanh nghiệp chủ trì, báo cáo lãnh đạo Bộ cụ thể về thông tin lãi/lỗ của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); việc ứng bù lỗ cho Petrolimex, tình hình trích lập, sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, tổng hợp kết quả báo cáo lãnh đạo Bộ.

Thùy Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN