Đồng bằng Sông Cửu Long đối mặt với hạn mặn kỷ lục

Tính đến giữa tháng 2/2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 12/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng của hạn, mặn.

Bài 1: Diễn biến phức tạp, khó lường

So với đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 khiến 600.000 người dân Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt, 160.000 ha đất nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng, hạn, mặn năm nay được cho là sớm hơn 1 tháng và nguy cơ vượt ngưỡng năm 2016 là hoàn toàn có thể xảy ra.

Chú thích ảnh
Lúa vụ 3 của nông dân huyện Long Phú (Sóc Trăng) đứng trước nguy cơ mất trắng do thiếu nước tưới. Ảnh: TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ ngày 8 - 16/2, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong thời điểm lên cao theo kỳ triều cường giữa tháng 1 âm lịch. Đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay.

Thời gian tới, hạn, mặn tiếp tục tăng nhất là ở địa bàn vùng ven biển, vùng cửa sông lớn, xâm nhập mặn tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường trong tháng 3, tháng 4. Đặc biệt, hạn, mặn có thể kéo dài so với những năm trước nhất là năm nay lại là năm nhuận hai tháng Tư âm lịch.

Xâm nhập mặn đến sớm, kéo dài

Dự báo từ ngày 21 - 27/2, ranh mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào sâu cao nhất khoảng 55 - 60km; từ ngày 7 - 15/3 xâm nhập mặn ở mức rất cao, ranh mặn 4g/lít (bốn phần ngàn) sâu trong nội địa khoảng 80 km, sâu hơn 5 km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2/2020. Từ cuối tháng 3, xâm nhập mặn sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước như một số năm gần đây.

Ở khu vực dọc các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn, xâm nhập mặn tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020. Trên thực tế, trong ngày 14/2, nước mặn đã vào sâu theo sông Hậu, tới địa phận thành phố Cần Thơ, sâu hơn so với cùng kỳ của năm hạn mặn kỷ lục 2016 từ 15 - 20 km.

Nguyên nhân được các chuyên gia nhận định do năm nay mưa khu vực đầu nguồn dứt sớm nên trên lưu vực sông Mê Công năm 2019-2020 ít nước. Lưu lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục).

Điển hình, mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến nay tại trạm Kratie (thuộc Campuchia) đạt 6,67m, thấp hơn 1,43 m so với trung bình nhiều năm, thấp hơn 0,5 m so với cùng kỳ năm 2016; dung tích trữ Biển Hồ (Campuchia) đến ngày 10/2 ước khoảng 1,9 tỷ m3, giảm khoảng 35,7 tỷ m3 so với thời điểm cao nhất (ngày 1/10/2019), thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 3,6 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 gần 30 triệu m3. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019 - 2020.

Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ so sánh: Trong đợt hạn, mặn kỷ lục năm 2016, độ mặn hơn 2‰ chỉ lên tới Cần Thơ trong vòng vài tiếng vào thời điểm triều cường rồi rút dần và hết hẳn. Tuy nhiên, năm nay, mới đầu tháng Giêng, mặn đã lên tới 3,5‰, trong khi sắp tới sẽ còn một hoặc hai đợt triều cường nữa. “Nếu mặn tiếp tục tăng mạnh hơn trong những đợt triều cường đó, Cần Thơ cần phải quan tâm đến nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất”, ông Vinh nói.

Hướng xâm nhập mặn vào thành phố Cần Thơ chủ yếu theo từ sông Hậu, do thủy triều đẩy mặn từ biển cách hơn 60 km tới Cần Thơ. Mặn chủ yếu xuất hiện trong các đợt triều cường và ảnh hưởng đến những quận, huyện có vị trí địa lý nằm cặp theo sông Hậu (giáp với tỉnh Hậu Giang) như quận Cái Răng…

Dự báo, tình hình xâm nhập mặn trên sông Hậu (đoạn giáp ranh với tỉnh Hậu Giang thuộc địa bàn quận Cái Răng) vẫn duy trì ở mức cao vào các thời điểm triều cường lên cao (độ mặn dao động ở mức 3‰). Do đó, quận Cái Răng thông tin đến người dân không lấy nước vào sản xuất lúc triều lên (lúc nước lớn), chỉ lấy nước lúc nước ròng, thấp để không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Hạn, mặn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống 

Hạn, mặn đến sớm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến giữa tháng 2, tổng thiệt hại lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 đã lên tới trên 32.000 ha. Ngoài ra, khoảng 80.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong thời gian diễn ra hạn, mặn; trong đó, Sóc Trăng có 24.400 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bến Tre 12.700 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố có trên 70.000 ha lúa Đông Xuân đang thu hoạch rộ, dự kiến đến ngày 20/2 sẽ đạt 70% và dứt điểm vào đầu tháng 3. Diện tích cây ăn quả hơn 2.100 ha và gần 2.000 ha rau màu. Đến nay, địa bàn chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, dự báo, từ sau ngày 16/2, tình hình xâm nhập mặn trên sông Hậu vẫn duy trì ở mức cao, khó để lấy nước vào phục vụ sản xuất.

Xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến sớm hơn so với các địa phương khác trong vùng do tiếp giáp với biển và cửa sông Hậu, độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm. Hiện độ mặn cao nhất tại trạm Long Phú là 16,9‰; Đại Ngãi 11,3‰; An Lạc Tây 7‰ (so năm 2016 độ mặn tại Đại Ngãi tăng 0,3‰; An Lạc Tây tăng 2,2‰); xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng khoảng 40 - 55 km (so với năm 2016 tăng 10 - 15 km). Hạn, mặn đến sớm nên việc lấy nước phục vụ sản xuất ở các huyện Long Phú, Trần Đề gặp khó khăn...

Ông Trần Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết, vụ lúa Đông Xuân muộn năm nay trên địa bàn thị trấn sản xuất hơn 238 ha. Đến nay, nhiều diện tích xem như mất trắng do xâm nhập mặn đến sớm. Mặc dù Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú khuyến cáo người dân không sản xuất lúa vụ 3 nhưng nhiều nông dân vẫn chủ quan xuống giống. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.500 ha bị ảnh hưởng nặng, dự báo thời gian tới diện tích này tiếp tục tăng, thậm chí là mất trắng toàn bộ diện tích vụ lúa Đông Xuân muộn của địa phương.

Tại An Giang, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng nước mặn theo sông Cái Bé ở Kiên Giang đã xâm nhập vào địa phận huyện Thoại Sơn và Tri Tôn với mức độ thấp, khoảng 0,12 - 0,13‰. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn An Giang, hiện mực nước thượng lưu sông Mê Công tiếp tục xuống và ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô năm 2020 đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Từ đó, mực nước trên các sông, kênh xuống thấp sẽ khiến hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 tại một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra sớm hơn, sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. 

Do mực nước trên các kênh rạch xuống thấp kèm theo nắng nóng gây khô hạn, tỉnh An Giang cảnh báo khô hạn có khả năng ảnh hưởng đến 9.361 ha đất sản xuất nông nghiệp tại các địa phương như: Tri Tôn, Tịnh Biên, Phú Tân, Châu Đốc, Tân Châu. Vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên có gần 6.000 ha bị ảnh hưởng và vùng đồng bằng ở các huyện Phú Tân, Châu Đốc, Tân Châu có hơn 4.200 ha bị ảnh hưởng.

Đến giữa tháng 2/2020, tỉnh Cà Mau ghi nhận có trên 16.500 ha lúa - tôm bị thiệt hại, hơn 14.000 ha lúa mùa và hơn 10.000 ha lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng do thiếu nước. Hạn mặn khiến hơn 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sinh hoạt.

Đến thời điểm trung tuần tháng 2/2020, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang diễn biến phức tạp và khó lường. Mực nước các trạm nội đồng xuống rất thấp, ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 0,15 - 0,25m. Khô hạn đã làm một số diện tích lúa Đông Xuân của tỉnh bị thiệt hại. Cụ thể, tại huyện Vĩnh Thuận, lúa Đông Xuân bị thiệt hại do thiếu nước ngọt khoảng gần 1.500 ha, gây ảnh hưởng năng suất từ 30 -70%...

Tại Bạc Liêu, nếu mặn tiếp tục xâm nhập, việc nuôi trồng thủy sản tiểu vùng chuyển đổi sản xuất sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt bổ sung, độ mặn trên các ao nuôi tôm có khả năng tăng cao hơn 25‰, vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm trong các tháng cao điểm mùa khô. Nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa khô năm 2020 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm gây bất lợi cho tôm nuôi, khả năng có khoảng 5.000 ha tôm nuôi của người dân bị thiệt hại do thiếu nước và độ mặn quá cao…

Theo nhận định từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, với các diễn biến dòng chảy cập nhật về đồng bằng đến nay, khả năng xảy ra hạn mặn lịch sử là rất lớn. Hiện đập thủy điện tại Trung Quốc vẫn xả thấp, nguy cơ hạn mặn tiếp tục ảnh hưởng nặng trong tháng 2, tháng 3 là rất lớn. Các địa phương cần tranh thủ vận hành hệ thống công trình hợp lý; tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể và hạn chế tiêu thoát, kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, đảm bảo tích trữ nước trước khi những ảnh hưởng gia tăng từ thượng nguồn về. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với diễn biến thực tế hạn mặn đang diễn ra gay gắt từng ngày.

Bài 2: Xây dựng kịch bản ứng phó 

Nhóm PV TTXVN khu vực Nam sông Hậu
Cần giải pháp ứng phó hiệu quả lâu dài với hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Cần giải pháp ứng phó hiệu quả lâu dài với hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 3/1, tại Bến Tre, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN