Đẩy mạnh đầu tư vào Tây Bắc

Ngày 10/12, Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc năm 2010 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với UBND 12 tỉnh trong vùng tổ chức, đã khai mạc tại thành phố Yên Bái. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, đã chủ trì diễn đàn.


Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, phát biểu tại hội nghị.


Tại diễn đàn, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã đối thoại với đại diện các lãnh đạo địa phương về những vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm. Diễn đàn cũng gồm các phiên họp chuyên đề về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, về công nghệ chế biến nông lâm sản... Đây là dịp để các tỉnh phía bắc giới thiệu về tiềm năng thế mạnh, cũng như cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cung cấp các thông tin về các dự án đầu tư trọng điểm đang thực hiện tại khu vực.

Lợi thế vùng Tây Bắc

Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Vùng trung du, miền núi Bắc bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có tiềm năng và lợi thế phát triển phong phú, đa dạng. Đảng và Nhà nước đang thực hiện chủ trương: “Đẩy nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ cao hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước; cải thiện rõ rệt hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh; khai thác mạnh các nguồn tài nguyên, thế mạnh về đất đai, khí hậu, khoáng sản, thủy điện, lợi thế về cửa khẩu để phát triển các ngành kinh tế…”.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cho khu vực này. Đồng bào các dân tộc trong vùng đã nỗ lực triển khai công cuộc đổi mới; nhiều tổ chức kinh tế - xã hội, các địa phương trong nước đã quan tâm, hợp tác; nhiều tổ chức quốc tế đã tích cực ủng hộ. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã đạt được nhiều tiến bộ.


Đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác, liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và hộ nông dân đạt hiệu quả cao. Nhiều diện tích canh tác đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm; nhiều hộ chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy đặc sản đạt thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ đang tăng nhanh ở nhiều bản làng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện một bước. Kết cấu hạ tầng được mở rộng và nâng cấp; bộ mặt nông thôn, miền núi đã có nhiều đổi thay.

Trong con mắt các nhà đầu tư, Tây Bắc là vùng đất mới với sự giàu có về tiềm năng khoáng sản, nông-lâm sản, về du lịch và là nơi có nguồn đất đai, lao động dồi dào. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào vùng Tây Bắc không chỉ là chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước mà còn là sự lựa chọn có tính chiến lược của các nhà đầu tư…

Ông Lê Khả Đấu – Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Giao thông là lĩnh vực được quan tâm đầu tư mạnh để tạo tiền đề cho các địa phương và cả vùng bứt phá đi lên. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đặc biệt quan tâm. Các trục giao thông đường bộ huyết mạch Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Cao Bằng, Hà Nội - Hà Giang, Hà Nội - Lai Châu, Hà Nội - Điện Biên; các tuyến vành đai 279, 34, 37, 4a, b, c, d, đường tuần tra biên giới… đã được đầu tư xây dựng, tu sửa.

ngàn km đường liên huyện, đường đến trung tâm xã được mở rộng, nâng cấp, làm cho mạng lưới giao thông được cải thiện rõ nét. Điện lưới quốc gia đã vươn tới hầu hết các xã, 100% số xã có điện thoại. Hệ thống hồ chứa và kênh mương thủy lợi được đặc biệt quan tâm, xây dựng; 72,6% số xã có trạm bưu điện. Năng lực sản xuất mới và hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, đã mở đường và thúc đẩy các dịch vụ thương mại, vận tải, du lịch phát triển. Doanh thu dịch vụ hàng năm tăng bình quân 18 đến 20%, đáp ứng ngày càng tốt cho nhu cầu đời sống và sản xuất.

Cơ cấu kinh tế các địa phương trong vùng chuyển mạnh theo hướng công nghiệp hóa thông qua thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản (apatít, quặng đồng, quặng sắt, chì kẽm, hóa chất, phân bón), sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng, gạch ngói…). Năm 2010, sản phẩm công nghiệp chủ yếu đã khai thác, chế biến: Trên 1 triệu tấn quặng apatit, 800.000 tấn phân lân, 400.000 tấn phân NPK, 800.000 tấn thép cán, 10 - 11 tỷ kWh điện, 350.000 tấn giấy đế, 8.000 tấn đồng thỏi, 10.000 tấn kẽm điện phân, 5-6 triệu tấn xi măng…

Trong 26 dự án đầu tư lớn thuộc các nhóm thủy điện, khoáng sản, hóa chất - phân bón, giấy, xi măng có 7 dự án đã hoàn thành là nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, thủy điện Tuyên Quang, đồng Sin Quyền, tuyển quặng Apatít Cam Đường, xi măng Thái Nguyên, xi măng Sông Thao.

Các dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thành và đi vào hoạt động trong các năm 2010 - 2012. Nông - lâm nghiệp đã chuyển mạnh đầu tư các vùng chuyên canh lớn theo hướng hàng hóa. Vùng chè trên 86.000 ha với sản lượng trên 400.000 tấn/năm ở Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La; cây ăn quả 180.000 ha; cây cao su gần 16.000 ha, ước năm 2010 đạt khoảng 42.000 ha. Kinh tế dịch vụ có chuyển biến cơ bản, nhất là trong phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế cửa khẩu.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 ước đạt 3,9 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu như chè, dệt may, rau quả, giày dép, thủ công mỹ nghệ… Sự phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế bên cạnh nỗ lực của các địa phương có vai trò quan trọng của việc phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Năm 2010, dự kiến tổng vốn đầu tư huy động trên địa bàn trên 100.240 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình, dự án từ ngân sách Trung ương và các địa phương từ năm 2006-2010 cho phát triển nông nghiệp nông thôn đã dành hơn 4.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển vùng.

Những vấn đề đặt ra


Thu hái chè nguyên liệu tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: Để khai thác mọi lợi thế sẵn có phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vùng Tây Bắc cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của vùng là các lĩnh vực: Sản xuất, chế biến các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, khai thác chế biến khoáng sản, thủy điện và năng lượng tái tạo, công nghiệp vật liệu xây dựng, du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. 


Tuy nhiên, nhằm tăng cường thu hút FDI vào vùng Tây Bắc, một trong những điểm then chốt là nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, điện, thông tin liên lạc trong toàn vùng, nâng cấp, xây mới các tuyến quốc lộ nối các trung tâm kinh tế, văn hóa lên các vùng cao, nối giữa các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và giữa các khu vực đông dân cư trong vùng với các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. 


Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã thông qua quy chế thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức kết hợp công tư, đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng.

Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc - ông Lê Khả Đấu cho biết: “Lĩnh vực chủ yếu kêu gọi đầu tư tại diễn đàn này là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản. Với lĩnh vực này, một đồng vốn đầu tư chế biến mang lại lợi ích rất nhiều cho người dân cung cấp nguyên liệu, là cư dân bản địa. Bên cạnh đó là đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hệ thống giao thông đường bộ để tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển vùng. Cuối cùng là phát triển du lịch dịch vụ”.

Tại diễn đàn xúc tiến đầu tư lần này, các tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án với tổng số vốn đăng ký 12.224,8 tỷ đồng, tương đương 626,9 triệu USD.

Được biết, cấp ủy và chính quyền các cấp đang nỗ lực nghiên cứu, cải tiến hệ thống cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng và động lực để khắc phục trở ngại, khó khăn, huy động mạnh mẽ nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để khai thác các lợi thế của vùng, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: Đẩy mạnh trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến theo quy hoạch.

Hoàn thành việc giao đất, giao rừng trên thực địa; áp dụng các chính sách phù hợp để phát triển mạnh rừng sản xuất, đồng thời bảo đảm cho chủ rừng phòng hộ có thể phát triển bằng bảo vệ rừng, làm cho người dân gắn bó thiết thân với sự phát triển của mỗi loại rừng, sớm chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh tập trung với quy mô thích hợp. Phát huy mạnh mẽ lợi thế về chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.


Đặc biệt khuyến khích công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, gắn với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thông qua liên kết với hộ nông dân, như công nghiệp gỗ, giấy, chế biến chè, hoa quả, thịt, sữa… Huy động mạnh mẽ nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển tiểu, thủ công nghiệp, đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Tổ chức việc khai thác và chế biến sâu các loại khoáng sản, đảm bảo hiệu quả trước mắt và lâu dài. Xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất để phát huy lợi thế về tài nguyên trong vùng.

Phát triển mạnh các điểm, khu, tour du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái như Điện Biên Phủ, Pắc Bó, Tân Trào, Đền Hùng, Sa Pa, hồ Thác Bà, Ba Bể, công viên đá Hà Giang… Đẩy mạnh xây dựng và khai thác các khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển mạnh dịch vụ vận tải, ngân hàng, bưu chính viễn thông, các trung tâm thương mại và hệ thống chợ nông thôn trên các địa bàn. 


Ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là thi công tuyến cao tốc Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội; các tuyến đường vành đai, hành lang biên giới. Nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; khai thác tốt các tuyến đường sông trong vùng. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Mở rộng đào tạo nghề gắn với bố trí việc làm, nhất là cho lao động nông thôn. 


Thu hút lao động vùng đồng bằng lên làm việc ở những ngành, lĩnh vực có yêu cầu, tạo sự chuyển biến cơ bản về cơ cấu dân cư và chất lượng nguồn nhân lực cho vùng trung du miền núi Bắc bộ. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, tập trung nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm sản; xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm đến tận cơ sở.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, cần phải huy động tổng hợp nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng xã hội, các tầng lớp dân cư, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài vùng. Phải thiết lập cho được các mô hình tổ chức hợp lý, tạo điều kiện để phát huy các thế mạnh, khắc phục những mặt khiếm khuyết của các chủ thể, hình thành các cụm liên kết, vùng liên kết kinh tế hiệu quả và bền chặt. 


Trên cơ sở hệ thống các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước, các ngành, các địa phương đã và đang tích cực triển khai, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù trên mỗi lĩnh vực, mỗi địa bàn. Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc chính là một hoạt động cụ thể để thực hiện yêu cầu đó.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Dự báo xu hướng mở rộng đầu tư mới của thế giới trong thời gian tới sẽ lại bắt đầu, trước hết là các nền kinh tế châu Á, trong đó Việt Nam vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn. Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Bắc 2010 là một sự kiện hết sức có ý nghĩa đón đầu xu hướng làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thức tỉnh các nhà đầu tư tới một miền đất có rất nhiều hứa hẹn.

Ông Phạm Duy Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái:
Thông qua diễn đàn, Yên Bái muốn giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về mảnh đất đầy tiềm năng cùng con người thân thiện, mến khách, đồng thời cam kết luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tới đầu tư, kinh doanh. Yên Bái sẽ giới thiệu tới nhà đầu tư những dự án có tính khả thi cao, đặc biệt là các dự án trọng điểm mới trong các lĩnh vực đột phá của tỉnh như: Giao thông, công nghiệp chế biến, du lịch để mời gọi đầu tư. Đồng thời, tỉnh tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đã được tỉnh chấp thuận đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông - lâm sản gồm 3 dự án, công nghiệp chế biến 1 dự án và 1 dự án thủy điện.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam:
Vấn đề nhân lực tại các tỉnh Tây Bắc cũng là một bài toán nan giải. Tình trạng nhân lực thiếu đào tạo đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Bắc. Cần phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào việc đào tạo nghề nghiệp cho nguồn nhân lực của vùng.



Viết Tôn - Đức Tưởng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN