Đang định hình một Ninh Bình văn minh, hiện đại

Nằm ở cực nam đồng bằng Bắc bộ, tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên gần 1.400 km2, phân thành 3 vùng rõ rêt: Vùng đồi núi bán sơn địa, vùng đồng chiêm trũng, vùng đồng bằng ven biển.

Một góc Nhà máy Thép Pomihoa. Ảnh: Thế Minh – Báo Ninh Bình

Ninh Bình là một vùng đất cổ, có người cư trú từ cách đây 3 vạn năm. Trải qua nhiều triều đại, đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trấn Ninh Bình - mang ý nghĩa là một vùng đất vững chãi, bình yên chính thức được đổi tên thành tỉnh Ninh Bình. Nơi đây có nhiều hang động đẹp nổi tiếng được mệnh danh là Nam thiên đệ nhị động (Bích Động), Nam thiên đệ tam động (Địch Lộng). Các động Thiên Tôn, Liên Hoa, khu hang động Tràng An, vùng đèo Ba Dội (Tam Điệp) là “gạch nối” giữa miền Bắc với miền Trung, miền Nam; là địa bàn trọng yếu của đất nuớc về quân sự, đồng thời hội tụ nhiều điều kiện để phát triển du lịch.

Vùng đất “địa linh nhân kiệt”

Đồng chí Bùi Văn Nam , Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình:

“Thời gian tới, Ninh Bình có nhiều việc phải làm nhưng quan trong nhất là phải hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội cho phù hợp. Chỉ khi nào phát huy được những lợi thế và tiềm năng sẵn có của địa phương cả về điều kiện tự nhiên lẫn con người thì Ninh Bình mới phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Thứ hai là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện lực, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thứ ba là đầu tư có hiệu quả để phát triển công nghệ “xanh” tại địa phương. Muốn như vậy thì ngoài việc củng cố, đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, Ninh Bình sẽ tập trung tăng cường dịch vụ trong nông nghiệp. Vừa qua, Chính phủ cũng đã quyết định cho Ninh Bình được xây dựng một khu công nghệ cao về nông nghiệp. Tôi cho rằng, đây là một hướng đi mới, tạo nên bước đột phá mới cho sự phát triển kinh tế Ninh Bình.

Thứ tư là thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ. Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết 15 về việc này. Tiếp tục tập trung đầu tư, bổ sung các cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ du lịch nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ tăng tốc. Phấn đấu để quần thể danh thắng Tràng An sớm được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước, đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất trong lĩnh vực dịch vụ đạt 19%/năm”.



Những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng tỉnh Ninh Bình

- Tỉnh Ninh Bình và 7/8 huyện, thị xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

- Tỉnh Ninh Bình được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ nhất năm 2007, lần thứ hai năm 2012.

- 68 tập thể, 17 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

- 8 tập thể, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

- 344 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng - 720 Huân chương các loại đã được trao tặng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhân dân Ninh Bình đã sáng tạo nên một không gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Miền đất này có gần 800 di tích lịch sử, danh thắng, trong đó có 79 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Ninh Bình còn chứa đựng một bề dày lịch sử. Kể từ khi Đinh Bộ Lĩnh, người con của quê hương Ninh Bình dẹp loạn 12 sứ quân, thành lập nước Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư, dựng nên nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, cho đến các triều đại Tiền Lê, Lý rồi nối tiếp các triều Trần, hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn,… bao giờ Ninh Bình cũng là nơi phòng thủ, tiến có thể đánh, lui có thể giữ, dẹp tan thù trong, giặc ngoài để củng cố, xây dựng đất nước.

Những thành tựu rực rỡ về kiến trúc, điêu khắc như đền thờ Vua Đinh, Vua Lê, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm, những thành tựu văn hóa gồm hát chèo có từ thời Đinh, hát ca trù, hát xẩm ở Yên Phong (huyện Yên Mô), hát văn ở Phủ Đồi, Nho Quan… còn duy trì và phát triển đến ngày nay. Nhiều danh nhân nổi tiếng như Trương Hán Siêu, Ninh Tốn, Vũ Duy Thanh, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật và các vị khoa bảng, nhà khoa học, nhà văn hóa lớn cũng đã ghi được dấu ấn của mình tại đây.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ninh Bình xứng đáng là mảnh đất anh hùng của một dân tộc anh hùng. 16 năm hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh (1976 – 1992), quân và dân Ninh Bình đã nỗ lực phấn đấu, góp phần cùng địa phương và cả nước giành nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực. Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới gồm 5 huyện và 2 thị xã. Giờ đây, Ninh Bình có 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện với dân số trên 90 vạn người.

Trưởng thành cùng năm tháng

20 năm kể từ khi tái lập, được sự giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh bạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Bình đã nêu cao truyền thống cách mạng, đoàn kết phấn đấu, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn để giành được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Nếu như thời kỳ 1992-1995, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên địa bàn tăng 13,3% so với trước thì con số này ở giai đoạn 1996-2000 là 9,6%; giai đoạn 2001-2005 tăng 13,1% và 5 năm sau (2006-2011) tăng tới 15,7%, cao nhất trong 20 năm qua. Năm 2011, GDP toàn tỉnh tăng 16,1%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.392 tỷ đồng, gấp hơn 84,8 lần so với 40 tỷ đồng đạt được năm 1992. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển, trở thành động lực chính để phát triển kinh tế với một loạt sản phẩm như quần áo may sẵn; hàng thêu; sản phẩm cói; thịt lợn, dứa, dưa chuột đông lạnh; xi măng; mì ăn liền; giày dép cao cấp có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Ninh Bình năm 2011 đạt 263,7 triệu USD, gấp 105,5 lần so với năm 1992.

Công trình Nhà máy Đạm Ninh Bình. Ảnh: Thế Minh – Báo Ninh Bình

Ninh Bình không chỉ có Cố đô Hoa Lư lịch sử mà còn chứa đựng những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu danh thắng Tràng An, khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, khu sinh thái đất ngập nước Vân Long, trung tâm thể thao sân golf hồ Yên Thắng, vườn quốc gia Cúc Phương…, tất cả đã làm nên diện mạo mới và sức hấp dẫn của du lịch, ngành “công nghiệp không khói”. Cơ sở vật chất được cải thiện, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp được mọc lên, tạo thành sức hấp dẫn thu hút 3,6 triệu lượt khách du lịch trong năm qua, mang về doanh thu hơn 730 tỷ đồng, gấp 725 lần so với năm đầu tái lập.

Phát triển kinh tế nhanh, kết hợp với giải quyết tốt các vấn đề xã hội đã làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn năm 2011 đạt gần 25 triệu đồng. Công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm và đạt thành tích nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí 2011-2015 chỉ còn 9,86%. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năm 2011, 87,5% tổ chức cơ sở Đảng được công nhận trong sạch, vững mạnh.

Chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2012

- Tăng trưởng GDP: 14,5%.
- Thu nhập bình quân: 31 triệu đồng/người/năm.
- Vốn đầu tư toàn xã hội: 18.500 tỷ đồng.
- Sản lượng lương thực có hạt: 48 vạn tấn.
- Thu ngân sách: 2.850 tỷ đồng.
- Kim ngạch xuất khẩu: 265 triệu USD.
- Khách du lịch: 4 triệu lượt người.
- Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng: 15,8%.
- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề: 34%.
 - Tỷ lệ hộ nghèo tiêu chí mới: 9,3%.
- Tỷ lệ người dân dùng nước hợp vệ sinh: Nông thôn (86%), thành thị (94%).

Định hướng phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2015

- Tăng trưởng GDP: 14%.
- Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp-Xây dựng 48%, dịch vụ 42%, nông nghiệp 10%.
- Thu nhập bình quân: 50 triệu đồng/người/năm.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 15.000 tỷ đồng/năm. - Thu ngân sách: 4.200 tỷ đồng/năm.
- Kim ngạch xuất khẩu: 300 triệu USD/năm.
- Tỷ lệ người dân dùng nước hợp vệ sinh: Nông thôn trên 90%.
- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề: 45%.
- Số người được tạo việc làm mới: 20.000/năm.
- Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí 2011-2015: Mỗi năm giảm 2,5%.

Ngày 7/2/2007, thành phố Ninh Bình trực thuộc tỉnh được thành lập. Từ một thị xã nhỏ bé, xuống cấp nghiêm trọng, thiếu điện, thiếu nước, đường sá lầy lội... hiện tại, nơi đây đã trở thành một thành phố trẻ với sức vươn mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn chiếm gần 99% cơ cấu kinh tế của thành phố, nông nghiệp chỉ chiếm 1,2%. Nguồn thu hàng năm của thành phố đã đóng góp từ 30 -40% tổng thu ngân sách của tỉnh. Phần lớn đường giao thông nội thị được bê tông hóa, trang trí điện chiếu sáng công cộng. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước máy đạt 97%. Toàn thành phố chỉ còn 3,46% số hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn mới, 32,6% hộ gia đình đã đạt mức sống khá và giàu.

Nhìn lại ta thấy, những kết quả đạt được trong 20 năm qua bắt nguồn từ truyền thống yêu nước và cách mạng, anh dũng trong đấu tranh, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất của những người con Ninh Bình.

Để đưa Ninh Bình phát triển tương xứng với tiềm năng và đáp ứng những đòi hỏi của những hoạch định chiến lược, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra phương hướng: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ tăng tốc; tập trung trí tuệ, nguồn lực, từng bước xây dựng nông thôn mới nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển mạnh mẽ văn hóa, giáo dục, không ngừng chăm lo đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng địa phương; củng cố vững chắc hệ thống chính trị. Ninh Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 thu ngân sách đạt 4.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân hàng năm đạt 14%, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm, xây dựng địa phương trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng và của cả nước.

Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, nhưng dáng vóc một Ninh Bình văn minh, hiện đại đang được khẳng định vững chắc. Rồi đây, tại thành phố Ninh Bình non trẻ sẽ mọc lên một thành phố du lịch Hoa Lư với quy mô hoành tráng. Đó là một trong những mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đang chung tay vươn tới.

Vũ Anh Minh-Khắc Cư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN