Đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng trong năm 2012

Tại buổi đối thoại trực tuyến của Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 12/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định: Hệ thống ngân hàng Việt Nam trong năm 2012 sẽ tiếp tục được đảm bảo an toàn và về cơ bản vẫn đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống. Tại buổi đối thoại này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chia sẻ thẳng thắn nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Không có khủng hoảng ngân hàng

Khẳng định “Chúng ta không có khủng hoảng ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cho biết: Hiện nay chúng ta đặt vấn đề tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng không phải do hệ thống ngân hàng của chúng ta yếu kém đến mức độ không tái cấu trúc thì sẽ đổ vỡ. Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay xuất phát từ nhu cầu của đất nước trong bối cảnh thay đổi lại mô hình phát triển kinh tế. Nhu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước tiên xuất phát từ nhu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng chuyển từ kinh tế phát triển theo chiều rộng sang kinh tế phát triển có chiều sâu, theo hướng từ số lượng sang chất lượng. Đấy là nhu cầu thứ nhất và cấp bách và cũng để đáp ứng nhu cầu đó, chúng ta giải quyết những yếu kém đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 12/9 sau khi lãi suất được điều chỉnh .
Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, năm 2011, nhìn chung nợ xấu có tăng lên so với năm 2010 và đây cũng là điều dễ hiểu khi chúng ta thắt chặt lại tăng trưởng tín dụng, cùng với đó là những khó khăn kinh tế trong nước và ngoài nước.

Thống đốc cũng cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, chúng ta có bước tiến lớn trong xếp loại nợ (theo 5 nhóm), khá phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, do chuẩn mực kế toán của Việt Nam và quốc tế cũng chưa đồng nhất, khi đánh giá của kiểm toán trong nước so với quốc tế có độ vênh nhất định nên tạo ra dư luận có thể nợ xấu cao hơn. Tuy nhiên, mức nợ xấu hiện tại, dù được thống kê theo chuẩn nào, cũng chưa gây mất an toàn cho hệ thống. “Tôi xin nói rằng, nợ xấu của ngân hàng có tăng lên nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và ở mức an toàn”, Thống đốc khẳng định.

Chưa thể giảm lãi suất

Người đứng đầu ngành ngân hàng tái khẳng định lạm phát hạ nhiệt trong thời gian qua chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để giảm lãi suất, bên cạnh những khó khăn về thanh khoản. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cùng hệ thống các ngân hàng thương mại đang tìm nhiều giải pháp để từng bước hạ lãi suất trong hệ thống ngân hàng ở mức độ hợp lý vừa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo mức thanh khoản và tính ổn định của hệ thống ngân hàng.

Khách hàng làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại NHTM cổ phần Kỹ Thương Việt Nam. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Thừa nhận giảm chi phí vay là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nhưng theo Thống đốc, bản thân doanh nghiệp cũng cần xem lại cơ cấu vốn và kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, do quá phụ thuộc vào vốn vay, hoạt động tài chính thiếu lành mạnh nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tăng cao. “Với một doanh nghiệp thông thường, cơ cấu tài chính ổn định, họ có thể quay vòng vốn 3-4 lần một năm. Khi đó thì lãi suất ngân hàng có là 25% thì doanh nghiệp vẫn có thể chịu đựng được”, Thống đốc nhận định.

Về vấn đề trần lãi suất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận, hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng lách trần lãi suất hết sức tinh vi, không dễ gì phát hiện ngay được. “Chúng tôi cũng đang chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng nghiên cứu kỹ để có thể sớm phát hiện những trường hợp như thế này”, Thống đốc khẳng định.
Liên quan đến thị trường bất động sản, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Hệ thống ngân hàng cũng cần góp phần quan trọng lành mạnh hóa thị trường này. Trong năm qua, chúng ta có một số biện pháp hạn chế nhất định để “giảm nhiệt” sự tăng trưởng nóng, hay giá quá cao của thị trường bất động sản để đưa nó về mức độ hợp lý. Trước ý kiến cho rằng làm như vậy có nguy cơ khiến thị trường sụp đổ thì tôi khẳng định rằng không thể làm nó sụp đổ được, chúng ta chỉ đưa thị trường về mức độ phát triển hợp lý hơn”.

Đỗ Huyền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN