APEC 2017:

Đà Nẵng và những đột phá mới về đầu tư phát triển

Đà Nẵng là một địa điểm đầu tư nhiều triển vọng, một nơi lý tưởng để sống, làm việc và thư giãn ở Việt Nam.

Các phương tiện giao thông lưu thông qua hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Thực hiện chủ trương của Chính phủ là các địa phương phải xây dựng cho được môi trường kinh doanh thân thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tự do kinh doanh, phát huy tinh thần sáng tạo, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh…, trong nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng đã luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với đó là những nỗ lực không ngừng khi Đà Nẵng luôn tiên phong và dẫn đầu cả nước về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực…. Đó là lý do khiến Đà Nẵng xứng đáng được giao trọng trách đăng cai tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và Hội nghị lần thứ 25 các nhà lãnh đạo nền kinh tế APEC vào tháng 11 này.

Đánh giá chung về tình hình đầu tư của thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, Đà Nẵng là một địa điểm đầu tư nhiều triển vọng, một nơi lý tưởng để sống, làm việc và thư giãn ở Việt Nam.

Có thể kể đến cơ sở hạ tầng của thành phố Đà Nẵng được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất ở khu vực miền Trung với cảng container đạt công suất 12 triệu tấn hàng hóa. Sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận 12 triệu lượt khách và vận chuyển 50.000 tấn hàng hóa mỗi năm; 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động.

Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin của Đà Nẵng đang được đánh giá là hiện đại nhất cả nước khi liên tục trong 8 năm liền qua, thành phố luôn dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index).

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là trung tâm giáo dục – đào tạo của miền Trung với hệ thống đào tạo khá toàn diện gồm 24 trường đại học và cao đẳng, 19 trường trung học chuyên nghiệp và 59 trung tâm dạy nghề. Số lượng các trường quốc tế ở tất cả các cấp học đang ngày một gia tăng, giúp tạo thuận lợi lớn cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Nguồn nhân lực dồi dào chiếm 70% dân số, trẻ và có tay nghề cao là một lợi thế lớn của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư. 

Điều quan trọng không kém là môi trường đầu tư và kinh doanh tại Đà Nẵng đang không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch với các chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn. Với sự tín nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, thành phố Đà Nẵng còn được bình chọn là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam với 7 lần dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dẫn đầu các địa phương về Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX từ năm 2013 đến 2016, và 6 năm liền thuộc nhóm các địa phương có thứ hạng cao nhất về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011 – 2016.

"Tuy nhiên, để hướng tới sự phát triển bền vững, thành phố Đà Nẵng cần những đột phá mới về đầu tư để tạo động lực duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế ổn định, trật tự xã hội và làm tốt vai trò hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung", Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.  

Để có góc nhìn đa chiều về mô hình tăng trưởng của thành phố Đà Nẵng, theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm gần đây, thành phố Đà Nẵng luôn thuộc top các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người khá cao so với mức bình quân chung của cả nước.

Nhưng không khác với nhiều địa phương trên cả nước, Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: áp lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố không ngừng gia tăng, đặc biệt về cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, môi trường… Trong khi đó, nguồn lực đầu tư còn rất hạn hẹp; tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn tới sự quá tải của hạ tầng kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến nay còn hạn chế, hoàn toàn chưa tương xứng với lợi thế sẵn có …

Chính vì thế, để có thêm động lực và quyết tâm vươn lên tầm cao mới, hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, xứng tầm với vị thế của mình, thành phố Đà Nẵng cần có những giải pháp mang tính đột phá về tư duy phát triển với những sáng tạo và cách làm mới, với định hướng và chiến lược tổng thể trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hay việc sử dụng đất... nhằm thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Cùng có chung nhận định, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, trước thực tiễn và những khó khăn chung đặt ra không chỉ riêng đối với địa phương nào, thành phố Đà Nẵng đã xác định mục tiêu hướng tới và xây dựng các chương trình hành động; danh mục các dự án trọng điểm để thu hút đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 nhằm huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.

Trọng tâm hướng tới sẽ là phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực môi trường, xử lý chất thải rắn và cải thiện môi trường nước. Đồng thời, ưu tiên đầu tư vào khu công nghệ cao Đà Nẵng với các lĩnh vực được khuyến khích như: công nghệ sinh học, công nghệ vi điện tử, cơ điện tử và quang điện tử; công nghệ tự động hóa và cơ khí chính xác; công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng mới; công nghệ thông tin, truyền thông và phần mềm tin học; công nghệ môi trường....

Ngoài ra, do hạn chế về quỹ đất nên thành phố Đà Nẵng khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng đất. Thành phố đã quy hoạch 7 vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trồng cây dược liệu…và một Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc huyện Hoà Vang để kêu gọi đầu tư.

Ông Minh cho biết thêm, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án đầu tư đạt hiệu quả, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, y tế - giáo dục, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; được miễn toàn bộ tiền thuê đất trong suốt thời hạn hoạt động của dự án. Ngoài ra, các thủ tục đầu tư sẽ được thực hiện theo cơ chế “một cửa” tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng, được hỗ trợ về thủ tục xuất nhập cảnh, tuyển dụng lao động, vay vốn đầu tư…

Bày tỏ kỳ vọng của các nhà đầu tư, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các công ty Hoa Kỳ rất chú ý quan tâm đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và sử dụng chỉ số này để xác định các tỉnh thành và các đối tác tiềm năng triển khai hoạt động kinh doanh như thế nào.

Việc cải thiện cơ sở hạ tầng, khuyến khích đổi mới, tăng cường tham gia với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vật chất là tất cả các khuyến nghị để Đà Nẵng thu hút đầu tư của Hoa Kỳ. Đà Nẵng đã được xếp hạng thứ nhất trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong tám năm qua. Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ sẵn sàng cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam và với thành phố Đà Nẵng, bà Mary Tarnowka khẳng định.

Thạch Huê (TTXVN)
Đà Nẵng thông xe nút giao thông hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
Đà Nẵng thông xe nút giao thông hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương

Sáng 1/11, tại thành phố Đà Nẵng, nút giao thông hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương đã chính thức thông xe với buổi lễ ngắn gọn chưa đầy 30 phút. Đây là công trình cuối cùng hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ APEC 2017 của thành phố Đà Nẵng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN