“Cảnh sát” quản lý chất lượng công trình giao thông

“Năm chất lượng công trình giao thông- 2012” thể hiện qua những công trình về đích vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng. Để tạo đà tiếp tục cho Năm chất lượng công trình giao thông 2013, Bộ GTVT sẽ kiện toàn một đơn vị có nhiệm vụ như lực lượng “cảnh sát” tiền tiêu, ngăn chặn và chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề tiến độ, chất lượng các công trình giao thông.


“Bắt mạch” chất lượng công trình giao thông


Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), bên cạnh những công trình giao thông hoàn thành, đưa vào hoạt động đúng và vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng phục vụ dân sinh trong năm 2012, thì vẫn còn không ít công trình chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng vận hành, dẫn đến tình trạng sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng xuống cấp và hư hỏng.


Thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Trong đó, các hạng mục thường xuyên xảy ra hư hỏng nhất là: Lún sụt nền đường, sạt lở taluy nền đường, lún và sụt lở hai đầu cầu, mặt đường bị rạn nứt hoặc bong bật, mố cầu bị chuyển vị, dầm cầu bị nghiêng đổ trong quá trình thi công… gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa và bảo trì.


Thực tế này thể hiện khá rõ tại một số dự án như: quốc lộ (QL)1, QL2, QL3, QL6, QL48, đường tránh Huế, QL91 (Cần Thơ), QL53 (Vĩnh Long), QL48 (Nghệ An - Dự án WB4), một số đoạn trên QL1A (Hợp phần bảo trì dự án WB4), QL27B, trải thảm nhựa dự án cầu Thăng Long, tuyến tránh Phú Yên… Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là yếu kém trong quản lý chất lượng từ khâu tư vấn thiết kế, giám sát đến thi công…


Cầu vượt nút giao Nam Hồng (Hà Nội).Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Ở hầu hết các dự án không đảm bảo chất lượng, ngoài việc không đáp ứng được nhu cầu gia tăng của lưu lượng vận tải, khiến công trình nhanh chóng xuống cấp, thì khâu cốt yếu là tư vấn thiết kế công trình bộc lộ nhiều hạn chế ngay từ bước lập dự án, thiết kế cơ sở, dẫn tới nhiều dự án phải điều chỉnh quy mô, gây mất thời gian, tốn kém kinh phí. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, việc quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn dự án. Nhiều công trình triển khai thiếu khoa học, thi công bề bộn. Bộ máy kiểm soát chất lượng và chi phí cho việc đảm bảo chất lượng của nhà thầu kém dẫn tới nguy cơ vi phạm chất lượng công trình. Thậm chí, có trường hợp, nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận bỏ giá thấp để thắng thầu. Tình trạng này rất đáng lo ngại, vì hệ lụy là tình trạng yếu kém về chất lượng trong quá trình thi công do không đủ vốn, chi phí cho công trình.

Nhà ga T2 Nội Bài đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Một thực tế đáng lo ngại đang diễn ra hiện nay là một số công trình giao thông thường được phân chia thành nhiều gói thầu và có nhiều nhà thầu tham gia, kể cả một số nhà thầu nhỏ, năng lực hạn chế. Điều này đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý chất lượng công trình. Bên cạnh đó là việc thiếu cơ chế quản lý an toàn chất lượng đối với các công trình giao thông đầu tư theo các hình thức như: Dự án sử dụng vốn ngân sách, dự án ủy quyền chủ đầu tư cho các địa phương, dự án BOT, BTO, BT, chưa kể các công trình cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng tiêu chuẩn phân cấp tải trọng xe trong thiết kế cầu đường tại các khu vực nông thôn, miền núi. Vì thế, ngay từ khâu lựa chọn nhà thầu cần đánh giá đúng năng lực, đáp ứng đủ các điều kiện quy định.


Theo các chuyên gia giao thông, muốn chất lượng công trình được nâng cao thì cần rà soát lại các khâu chính sách, nhằm quản lý chất lượng theo hướng minh bạch, chịu trách nhiệm (đơn vị nào làm sai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm). Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm của chủ thể tham gia bảo đảm chất lượng công trình, đặc biệt là khâu tư vấn giám sát, các tổ chức tham gia giám sát xây dựng; đồng thời kiện toàn mô hình các ban quản lý dự án giao thông để thống nhất tiêu chuẩn chất lượng các công trình.

Cần có… “cảnh sát”


Trước thực tế trên, tại cuộc họp cuối năm 2012 về tăng cường quản lý chất lượng các công trình giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phải có một cuộc cách mạng thực sự để nâng cao chất lượng công trình ngay từ đầu năm 2013. Vì mặc dù năm 2012, ngành GTVT đã đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình đạt tiến độ, chất lượng tốt, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số dự án, công trình chưa thực sự đảm bảo, gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói là khi các công trình xảy ra những hư hỏng, khiếm khuyết, thì việc xác định trách nhiệm chủ thể vẫn chưa rõ ràng, còn đổ lỗi cho nhau và đổ lỗi cho nhà thầu. Thực tế này hết sức bất cập và cần có sự đổi mới toàn diện về cả tiến độ, chất lượng và giá thành công trình.


Theo đó, năm 2013, Bộ GTVT sẽ kiện toàn một đơn vị có nhiệm vụ như lực lượng “cảnh sát” tiền tiêu, ngăn chặn và chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề tiến độ, chất lượng. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông sẽ giữ vai trò, chức năng kiểm soát chặt chất lượng công trình, đồng thời minh bạch hóa trong quá trình xử lý trách nhiệm, nhằm tránh tình trạng đùn đẩy, đổ lỗi trách nhiệm, ai có lỗi ở khâu nào, để xảy ra yếu kém chất lượng ở hạng mục nào sẽ làm căn cứ để Bộ GTVT xác định và triển khai các biện pháp xử lý đích đáng.


Theo Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh, thời gian qua, việc ngành GTVT để xảy ra các dự án bị chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo, khiến phải thay đổi, điều chỉnh giá thành dự án là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó có sự thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng; sự phân cấp quản lý còn thiếu khoa học và chưa thực sự phát huy hiệu quả; năng lực quản lý, điều hành của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng còn có mặt hạn chế; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng còn phức tạp... Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, trách nhiệm của ngành GTVT trước nhân dân. Do đó, Cục đang khẩn trương xây dựng đề án tổng thể để hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý và tổ chức hiệu quả tiến độ, chất lượng, giá thành các công trình xây dựng giao thông. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Bộ GTVT những định hướng then chốt trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.


Năm 2013 là thời điểm thích hợp nhất để những người làm xây dựng cơ bản giao thông chờ đợi vào một năm mới với những kết quả, thành tựu sáng sủa hơn. Vì năm 2012 được coi là năm đặc biệt khó khăn về vốn đối với công tác xây dựng cơ bản, do chính sách cắt giảm, thắt chặt đầu tư công, hàng chục công trình, dự án của ngành GTVT đã phải dừng, giãn, hoãn tiến độ với số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Tình trạng này làm cho hầu hết các nhà thầu đối mặt với nỗi lo thiếu việc làm, suy giảm sản lượng và nợ lương, nợ bảo hiểm…


Năm 2013, trước dự báo diễn biến về tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều dự án dừng, giãn, hoãn tiến độ gần như vẫn sẽ "đắp chiếu" và phải tiếp tục chờ đợi được cấp vốn sau 2015. Tuy nhiên, năm 2013 cũng được chờ đợi nhiều tín hiệu khả quan từ các dự án đường cao tốc lớn sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác như: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... và một số tuyến cao tốc khác có thể được khởi công như: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Túy Loan, nhất là dự án mở rộng QL1A đoạn Hà Tĩnh - Cần Thơ. Hy vọng, việc kiện toàn lực lượng “cảnh sát” quản lý chất lượng công trình, các dự án của ngành GTVT sẽ về đích, phục vụ hiệu quả dân sinh.


Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN