Cân nhắc mức tăng trưởng tín dụng năm 2014

Tại Hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014 - 2015” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và báo Lao động tổ chức ngày 18/11, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: Giai đoạn tới, NHNN không nên đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% mà chỉ nên để ở mức khoảng 10% là hợp lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ: Tín dụng có thể tăng 13 - 15% do GDP Việt Nam năm 2014 có thể tăng trưởng cao hơn năm 2013 và lạm phát giữ ổn định khoảng 7 - 7,5%.


Quan trọng là chất lượng tín dụng


Theo ông Ánh, nếu NHNN mở rộng tăng trưởng tín dụng thì hậu quả có thể còn phức tạp hơn. Hơn nữa, nếu giảm lãi suất huy động thêm nữa cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, vì vậy, nên giữ ở mức lãi suất thực dương. Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng: Điều quan trọng nhất đối với tín dụng Việt Nam không phải là con số mà là chất lượng; tập trung vào xử lý nợ xấu, không để cho nợ xấu mới phát sinh. “Chỉ 3 tháng hoặc 6 tháng thôi, nợ xấu chúng ta sẽ tăng lên nếu nới chuẩn tín dụng”, ông Ánh nhấn mạnh. Sở dĩ ông Vũ Đình Ánh đưa ra con số tăng trưởng tín dụng năm 2014 thấp hơn năm nay vì không ít ý kiến vẫn lo ngại về khả năng không hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%.


Cùng quan điểm, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm là khó thực hiện được: “Nếu năm nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng không đạt được mức 12% thì sang năm khó có thể đạt được mục tiêu như vậy, chưa nói đến khả năng mục tiêu của năm sau còn cao hơn”.


Một bất cập trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là hiện nay, mặc dù ngân hàng đang dư vốn nhưng khả năng tiếp cận của DN khó khăn. “Hiện chỉ có 50% số DN vừa và nhỏ có khả năng đáp ứng được tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng. Do đó, để tìm được điểm chung giữa DN có khả năng hoạt động đang cần vốn và các ngân hàng thì hai bên cần ngồi lại với nhau để thẩm định khả năng trả nợ và tìm cách nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN. DN vay được vốn thì ngân hàng mới tồn tại được. Nếu khó khăn này được tháo gỡ trong hơn một tháng còn lại của năm thì đây cũng có thể là kinh nghiệm để thực hiện trong năm tiếp theo”, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết.


Theo Viện Chiến lược ngân hàng, tăng trưởng tín dụng thời gian qua có xu hướng chậm so với các năm trước nhưng hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao. Sự suy giảm được thể hiện rõ trong liên tiếp 2 năm 2011 - 2012, tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm đã giảm từ trên 30% xuống còn hơn 10%; trong 10 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ ở mức hơn 7%. Do đó, “mục tiêu đến cuối năm 2013 là tín dụng tăng 12% có thể không đạt được do ưu tiên về chất lượng tín dụng, hướng vào chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn, thay vì mục tiêu tăng số lượng, quy mô tín dụng”, bà Nguyễn Thị Hiền (Viện Chiến lược ngân hàng) nhận định.


Gắn tăng trưởng tín dụng với xử lý nợ xấu


TS Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh: “Điều cần thiết hiện nay là hệ thống ngân hàng không được tăng tốc độ mà phải đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cũng cần phải gỡ ‘nút thắt’ nợ xấu. Giải quyết được nợ xấu là một trong những giải pháp thúc đẩy sự phát triển”. Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa khuyến nghị: “Trong khả năng của mình, hệ thống ngân hàng cần xem xét những DN có dấu hiệu làm ăn tốt. Khơi thông tín dụng cho DN không những giải quyết nút thắt về vốn mà còn giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Điều này đòi hỏi trình độ và đạo đức của các cán bộ tín dụng ngành ngân hàng và cả ‘sức khỏe’ của nền kinh tế”.


Để phá được “tảng băng” tín dụng là công việc khá khó khăn. Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh: “Nếu ngân hàng giải quyết tốt nợ xấu, tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian tới có thể lên 14 - 15%.”. TS.Lê Xuân Nghĩa kiến nghị NHNN nên chú ý tới các yếu tố đang khiến nhiều người lo ngại như: Lòng tin ở mức thấp; tình trạng DN lũng đoạn ngân hàng khiến nợ xấu gia tăng... “Nếu ngân hàng không cải thiện được căn bản về chuẩn mực nợ xấu thì nay chúng ta xóa xong nợ xấu này, sau 2 - 3 năm tới sẽ lại phải đi xóa món nợ xấu khác”, TS.Lê Xuân Nghĩa nói.

Mới đây, giải trình ý kiến của một Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Tín dụng trong 10 tháng của năm 2013 tăng khoảng 7,02% so với cuối năm 2012, cải thiện hơn nhiều so với mức tăng 3,54% của cùng kỳ năm 2012 và khả năng của cả năm 2013 tín dụng tăng khoảng 11 - 12%.


Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN