Cần chính sách phù hợp cho loại cây chiến lược

“Nhiều người cho rằng ngô, đậu tương không phải là những cây trồng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng, nếu được tổ chức sản xuất tốt, chất lượng, năng suất ngô, đậu tương của Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào”, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng chia sẻ với phóng viên Tin Tức.

 

Hiện nay, năng suất ngô, đậu tương rất thấp. Theo ông, nguyên nhân do đâu?


Hiện chúng ta có những giống ngô cho năng suất 8 -10 tấn, nhưng khi sản xuất thực tế chỉ cho năng suất trung bình 4,3 tấn/ha. Năng suất thấp, thứ nhất do 85% diện tích trồng ngô của Việt Nam không có nước tưới. Nếu chúng ta tưới nước đầy đủ thì năng suất sẽ tăng 20 - 30%. Như vậy, vấn đề là tổ chức sản xuất kém chứ không phải giống kém chất lượng. Thứ hai, phần lớn ngô Việt Nam được trồng bằng tay, không cơ giới hóa. Nếu quy hoạch vùng trồng, cơ giới hóa toàn bộ, tưới nước tập trung thì năng suất sẽ tăng lên, giá thành sẽ giảm xuống.


Nếu năng suất tăng lên 8 tấn/ha, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với ngô nước ngoài. Từ đó, dần dần hạn chế được nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.


Với cây đậu tương Việt Nam, năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, năng suất của Mỹ là 2,7 tấn, bình quân thế giới là 2,3 tấn. Nhưng mùa vụ đậu tương của Mỹ là 6 tháng, của Việt Nam chỉ có 3 tháng. Như vậy, chúng ta phải tính theo năng suất theo ngày.


Hiện nay, đậu tương thường được sản xuất cho vụ đông ở đồng bằng sông Hồng từ 25/8 hàng năm có khả năng trồng tới 1 triệu ha. Chỉ cần năng suất khoảng 2 tấn/ha, chúng ta đã có 2 triệu tấn đậu tương, giảm được một nửa số đậu tương nhập khẩu.


Trước đây, đậu tương đã có những mô hình trồng hàng nghìn ha trong vụ đông, nhưng nếu sản xuất nhỏ sẽ không hiệu quả, nông dân không làm. Như vậy, nếu tập trung vào nghiên cứu, giải quyết được việc này cũng là giải quyết được các lợi thế cho Việt Nam trong khâu thức ăn chăn nuôi.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, cây đậu tương không có lợi thế khi trồng ở Việt Nam, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?


Đừng nói đậu tương Việt Nam kém Mỹ. Đậu tương sẽ có lợi thế khi chúng ta giảm giá thành. Vừa qua, giá đậu tương chỉ có 6.500 - 6.700 đồng/kg nhưng bán để sản xuất thức ăn chăn nuôi thu được 11.000 - 13.000 đồng/kg, hoàn toàn gấp đôi. Nhưng đậu tương chỉ phát huy lợi thế với điều kiện sản xuất lớn, từ đó giảm giá thành. Chúng ta hoàn toàn làm được nhờ cơ giới hóa, giống… và vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức từ lãnh đạo xuống tới nông dân, lúc đó mới giải quyết được.


Ngô, đậu tương dù chưa cạnh tranh rõ rệt so với gạo, cà phê, điều nhưng đây là những cây trồng chiến lược để giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc vào nước ngoài. Nếu tổ chức sản xuất tốt, chúng ta sẽ dần dần tự túc được nguồn cung, đến năm 2020 có thể tự túc được 50% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.


Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ làm được, vì công nghệ chúng ta có, kỹ thuật chúng ta có. Thời gian qua, chúng ta chưa có chính sách, thể chế khuyến khích nông thôn trồng các loại cây này, hoặc chính sách toàn trên lý thuyết. Bây giờ, phải có khẩu hiệu và quyết tâm hành động. Các bên phải ngồi lại với nhau, từ nông dân tới nhà quản lý, doanh nghiệp để tìm hướng đi chung thì mới giải quyết được vấn đề này.


Xin cảm ơn ông!


Lê Nghĩa - Hữu Vinh (thực hiện)

Nghịch lý nhập khẩu ngô, đậu tương
Nghịch lý nhập khẩu ngô, đậu tương

Mặc dù là nước nông nghiệp, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 9 triệu tấn ngô, đậu tương... để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN