Cách nào quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công?

"Thế giới đang chứng kiến khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, Ai Len. Khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ lan rộng sang các nước châu Âu khác. Nếu hiệu ứng khủng hoảng nợ công tiếp tục diễn ra theo hiệu ứng đôminô thì các khu vực và quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, cũng không thể tránh khỏi tác động do các mối liên hệ mật thiết về thị trường xuất nhập khẩu, tỉ giá hối đoái và quan hệ đầu tư.

Trong bối cảnh đó, việc nhận diện rõ nợ công của Việt Nam để quản lý, giám sát tốt hơn, đảm bảo an toàn phục vụ sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội Việt Nam là điều cần thiết lúc này…”, GS TS Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhận định tại Hội thảo “Tổ chức kiểm toán đối với việc quản lý và sử dụng các khoản nợ công”, diễn ra sáng 10/12 tại Hà Nội.

Nhận diện nợ công

Theo TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Học viện Tài chính, nợ công theo Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là các khoản nợ của chính phủ trung ương, các cấp chính quyền địa phương, ngân hàng trung ương và các tổ chức hoạt động do ngân sách nhà nước cấp (trên 50%) và trong trường hợp vỡ nợ thì Nhà nước phải trả nợ thay.

Theo Luật Quản lý nợ công của Việt Nam có hiệu lực từ 1/1/2010, nợ công của Việt Nam được quan niệm theo nghĩa hẹp, bao gồm các khoản: Nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền trung ương và địa phương (gọi chung là nợ chính phủ).


Biểu đồ nợ công của Việt Nam từ 2001-2009-Ảnh internet


Theo đó, nợ chính phủ là khoản nợ mà Chính phủ vay trong nước (qua phát hành trái phiếu kho bạc, trái phiếu công trình, giáo dục, y tế…), vay nước ngoài (từ các nguồn vốn ODA, phát hành trái phiếu quốc tế, vay thương mại…). Nợ được Chính phủ bảo lãnh là các khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước và nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.


Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội mới đây cho biết, riêng nợ chính phủ đang tăng cao, từ 33,8% GDP năm 2007 lên 36,2% năm 2008, 41,9% năm 2009 và dự báo lên 44,6% năm 2010. Theo con số này, Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội cảnh báo, mức nợ đã lên sát ngưỡng trần cho phép. Còn theo Bộ Tài chính, ước đến hết năm 2010, nợ công của nước ta tương đương khoảng 56,7% GDP (năm 2009 là 52,6% GDP). Nhiều ý kiến cho rằng, ngưỡng nợ công an toàn đối với một quốc gia chỉ nên ở dưới mức 60% GDP.

Theo TS Nguyễn Kim Sa, Trung tâm châu Á – Thái Bình Dương, các khoản nợ công của Việt Nam hiện nay cần phải được xem xét thận trọng bởi cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn và đang tăng nhanh, trong khi hiệu quả đầu tư lại thấp. Điều này được thể hiện qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ đầu năm 2010: Các khoản đầu tư của Nhà nước vẫn dàn trải, chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí vốn nhà nước lớn, hiệu quả đầu tư thấp!”.

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng việc xác định ngưỡng nợ công an toàn chỉ là tương đối. Trong thực tế, nợ công của quốc gia thực sự an toàn hay không phải xem xét trên nhiều khía cạnh như tốc độ tăng trưởng, tính bền vững trong phát triển, khả năng chống đỡ rủi ro, khủng hoảng, biến động bất ngờ… Thông qua việc đánh giá 5 diễn biến tài chính - kinh tế ảnh hưởng tới nợ công, TS Nghĩa cho rằng đã đến lúc không thể chủ quan!

Tăng cường hiệu quả hay giảm vay?

Theo GS TS Vương Đình Huệ, vấn đề mấu chốt không phải là tỉ lệ nợ công bao nhiêu là an toàn hay rủi ro đối với một quốc gia mà nằm ở việc vốn vay phải được sử dụng hiệu quả. Trong tương lai gần, Việt Nam vẫn cần phải vay vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng như giao thông, cảng, điện… Nếu vay vốn với lãi suất là 2 mà mức sinh lời là 4 thì không vấn đề gì. Còn vay 2 mà chỉ làm ra 1 thì dù tỉ lệ nợ có dưới 50% GDP vẫn là rủi ro.

Theo PGS TS Nguyễn Đình Hòa, KTNN, trước đây, Việt Nam còn nằm trong nhóm nước có thu nhập thấp nên được vay nợ dài hạn 30 - 40 năm với lãi suất ưu đãi. Nhưng nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình (đạt 1.160 USD/người) thì các khoản vay ưu đãi sẽ giảm dần, thay vào đó là các khoản vay thương mại với lãi suất cao hơn, thời gian ngắn hơn. Điều này đòi hỏi việc sử dụng vốn phải rất hiệu quả, nếu không áp lực trả nợ ngày càng lớn hơn và tác động ngay đến ngưỡng an toàn nợ công.

Đồng thuận quan điểm trên, TS Trịnh Tiến Dũng, chuyên gia kinh tế UNDP cho rằng, để quản lý, giám sát tốt nợ công cần minh bạch hóa tài khóa, cụ thể là mức độ tiếp cận của công chúng đối với thông tin nợ công, nhất là nợ của doanh nghiệp nhà nước.

Theo hướng dẫn quản lý nợ công của IMF (2003) cũng như cẩm nang minh bạch tài khóa (2007), thông tin về nợ công phải bao quát cả quá khứ, hiện tại và dự tính cho tương lai. Điều này hết sức cần thiết vì thông tin công khai về nợ còn nhằm tăng cường khả năng can thiệp và phòng ngừa tình huống xấu xảy ra.

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả các khoản nợ công, GS.TS Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Tài chính cần xây dựng được chiến lược nợ quốc gia, qua đó xác định được các ngưỡng an toàn trong các thời điểm, các biến động dự kiến.

Về phía KTNN cũng sẽ xây dựng chiến lược trung hạn (5 năm) đối với việc kiểm toán nợ quốc gia, nhằm quản lý, giám sát và thúc đẩy tính hiệu quả của các khoản vay, đảm bảo khả năng trả nợ và hỗ trợ kinh tế phát triển bền vững.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN