Bảy lý do giúp Mỹ duy trì tăng trưởng việc làm

Với 3 tháng liên tiếp khối lượng việc làm mới được tạo ra ở mức trên 200.000 việc làm/tháng, tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 2 của Mỹ tiếp tục được duy trì ở mức 8,3%. Trong khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama khẳng định tạo thêm nhiều công ăn việc làm tiếp tục là một ưu tiên của Nhà Trắng, các chuyên gia kinh tế chỉ ra 7 lý do giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới này duy trì tăng trưởng việc làm trong thời gian tới.


Một là các công ty Mỹ không thể giảm sản lượng vì thiếu nhân công. Trong và ngay sau cuộc Đại khủng hoảng 1929 - 1933, các công ty Mỹ đã phải thu hẹp lực lượng lao động do nhu cầu suy giảm. Khi nhu cầu bắt đầu gia tăng, các công ty này còn chưa muốn thuê nhân công ngay lập tức. Họ cố sản xuất nhiều hơn với số nhân công hiện có. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Nhiều công ty nhận thấy họ phải thuê thêm nhân công để tiếp tục sản xuất khi nhu cầu gia tăng.


Biểu ngữ đòi tạo việc làm được treo trước toà nhà Phòng Thương mại Mỹ ở thủ đô Oasintơn, ngày 13/12/2011. Ảnh: AFP/TTXVN


Hai là người tiêu dùng Mỹ có khả năng tài chính cao hơn. Trong cuộc suy thoái kinh tế vừa qua, các hộ gia đình Mỹ đã phải cắt giảm nợ và tăng cường tiết kiệm. Theo Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED), tiền chi trả các khoản nợ ở mức 1% thu nhập sau thuế của người Mỹ là mức thấp nhất từ năm 1994. Kinh tế gia trưởng tại tổ chức kinh doanh tài chính PNC Stuart Hoffman cho biết: "Khả năng tài chính của người tiêu dùng về cơ bản cao hơn trước". Người Mỹ cảm thấy ít lo lắng hơn về việc mất việc làm khi thị trường việc làm phục hồi. Kết quả là họ bớt hạn chế chi tiêu kể cả khi phải đối mặt với các cú sốc như giá xăng tăng thêm 29 cent trong tháng qua tới mức trung bình 3,78 USD/gallon.


Ba là căng thẳng chính trị đã dịu bớt ở Oasinhtơn. Bất đồng về trần nợ công bùng nổ hè năm ngoái giữa chính quyền Tổng thống Obama và các nghị sỹ Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã làm xói mòn niềm tin của người dân Mỹ vào giới lãnh đạo nước này. Sự kiện này nghiêm trọng tới mức Mỹ đã đối mặt với nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử do lãnh đạo nước này không đạt được một thỏa thuận về mức trần nợ công. Tuy nhiên từ đó đến nay, căng thẳng đã lắng dịu một phần do áp lực của năm bầu cử. Mới đây, các Hạ nghị sỹ Mỹ từ cả hai đảng đã ủng hộ một dự luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn về các khoản vay tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ để họ tuyển thêm nhân công và mở rộng sản xuất.


Bốn là thị trường nhà đất Mỹ đang phục hồi chậm. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản là nguồn gốc các bất ổn của nền kinh tế Mỹ. Giá nhà đất đã giảm tới 30% từ năm 2006, làm thiệt hại 7.000 tỷ USD giá trị tài sản của chủ sở hữu. Hàng triệu công nhân xây dựng bị mất việc làm. Tuy nhiên, thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi. Lĩnh vực xây dựng căn hộ đang gia tăng. Mặc dù khó có sự bùng nổ khác về nhà đất nhưng có thể chắc chắn rằng đến nay bất động sản không thu hẹp việc làm của Mỹ. Các nhà kinh tế hy vọng với số lượng bán hàng bất động sản tăng lên sẽ ngăn không cho giá giảm sâu hơn. Một khi giá nhà ổn định, nhiều người Mỹ có khả năng sẽ quyết định chọn đây là thời điểm tốt để mua nhà.


Năm là cắt giảm chi tiêu của các chính quyền cấp bang và địa phương đang chậm lại. Khủng hoảng kinh tế và sụp đổ thị trường nhà đất đã vắt kiệt nguồn thu thuế của các chính quyền cấp bang và địa phương. Tuy nhiên, việc cắt giảm này dường như đang chậm lại. Cho tới năm nay, chính quyền các bang đã tạo thêm được 10.000 việc làm.


Sáu là đe dọa từ khủng hoảng nợ châu Âu đã lắng dịu. Năm 2011, các nhà đầu tư lo ngại về khả năng vỡ nợ của Hy lạp và một số quốc gia châu Âu sẽ đẩy ngân hàng vào các khoản nợ khổng lồ và làm bùng phát khủng hoảng tín dụng toàn cầu. Lo ngại này đã làm giá trị nhiều cổ phiếu lao dốc và suy giảm niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong nửa cuối năm 2012. Tuy nhiên, niềm tin này đang phục hồi. Hy Lạp đã nhận một khoản cứu trợ trị giá 172 tỷ USD nhằm đối phó với nguy cơ vỡ nợ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cung cấp các khoản vay thời hạn 3 năm với lãi suất thấp trị giá 1300 tỷ USD cho các ngân hàng kể từ tháng 12/2011. Rõ ràng động thái này cho thấy quyết tâm của ECB không để hệ thống ngân hàng trong khu vực đổ vỡ.


Bảy là các ngân hàng Mỹ cho doanh nghiệp vay nhiều hơn. Sự sụp đổ của tập đoàn tài chính Lehman Brothers vào tháng 9/2008 đã làm rung chuyển hệ thống tài chính Mỹ. Các ngân hàng Mỹ đã cắt giảm các khoản cho vay kinh doanh năm 2009 và 2010. Khủng hoảng tín dụng càng làm cho nền kinh tế Mỹ thêm tồi tệ do nhiều công ty thiếu vốn để phát triển sản xuất và thuê lao động. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng hiện nay đã lành mạnh hơn. Đó là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Mỹ. Theo Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), các khoản cho vay kinh doanh của các ngân hàng đã tăng gần 14% năm ngoái tới mức 1350 tỷ USD. Đáng chú ý, các khoản tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ tăng lần đầu tiên vào cuối năm 2011 kể từ 2 năm qua.


Các nhà kinh tế gia hiện khá thận trọng trong việc đưa ra các dự báo về việc làm. Bất kỳ một sự kiện nào giống như vụ động đất ở Nhật Bản hay bất ổn gia tăng ở Trung Đông đều có thể đảo ngược những dự báo tích cực này. Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao cũng có thể gây ra tác động tiêu cực. Sự phục hồi hiện nay từ suy thoái năm 2007-2009 vẫn còn yếu hơn trong quá khứ. Tuy nhiên, các kinh tế gia nhận định thị trường việc làm có khả năng đã đủ động lực để tránh tái lặp suy giảm như như đã từng xảy ra hồi giữa năm 2011.


TTXVN/Tin Tức

Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 3 năm qua
Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 3 năm qua

Báo cáo về tình hình việc làm tháng 12/2011 của Mỹ cho biết, trong tháng cuối cùng của năm qua, tỷ lệ công nhân Mỹ bị thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN