An toàn hồ, đập - Bài cuối: Khắc phục những tồn tại trong quản lý 

Thực tế một số hồ đập trong nước và quốc tế đã xảy ra sự cố thời gian qua, việc đảm bảo an toàn, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước quy mô lớn, tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại trong quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trở lên cấp bách.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh đập chính Thủy điện Lai Châu. Ảnh: Hiếu Hùng

Theo ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, các đập lớn đã được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhìn chung không có nhiều quan ngại, lo lắng. Các hồ đập nhỏ có quá nhiều, chủ yếu là đập đất, mức an toàn của nó có nhiều điều đáng lo ngại. Việc cần quan tâm thường xuyên là đánh giá chất lượng các hồ đập và đây là việc không thể coi nhẹ. 

Từ những sự cố trong năm vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đánh giá, tác động của biến đổi khí hậu cùng với những tác động khác cho chúng ta thấy nguy cơ mất an toàn hồ đập có thể xảy ra ở mọi nơi, kể cả những hồ đập có chất lượng tốt. Vì mưa có cường độ cực đoan trên thực tiễn đã diễn ra gần đây, nhất là ở miền núi phía Bắc và những đập có chất lượng tốt cũng có khả năng mất an toàn. Do đó, quan trọng là phải tăng cường tất cả các giải pháp quản lý để có thể kịp thời ứng phó với các trường hợp có thể xảy ra. 

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, các đơn vị quản lý cần nâng cao năng lực dự báo mưa, đánh giá khả năng lũ đến hồ chứa để xây dựng các kịch bản vận hành hồ chứa. Các hồ chứa phải được các xây dựng kịch bản ứng phó. Các đơn vị tập trung vào quản lý vận hành các đập, hồ chứa, đảm bảo sẵn sàng cả về trang thiết bị và con người. Những hồ chứa xuống cấp, chất lượng thấp thì không được chứa nước.

An toàn đập, hồ chứa phải chú ý đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du. Do đó, đơn vị quản lý phải đánh giá được vùng hạ du có thể bị ảnh hưởng với các kịch bản và thông tin đến người dân biết được tình hình của hồ chứa, những vấn đề có thể xảy ra. Truyền thông tốt đến người dân những giải pháp ứng phó. 

Về phân cấp quản lý, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu, nguyên tắc phải dựa vào năng lực, nếu không đủ năng lực thì không phân cấp quản lý. Cùng với đó là ứng dụng những khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới về an toàn hồ đập để áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiều hồ đập đã được nâng cấp, nhưng vấn đề kiểm định, “khám bệnh”, quan sát, theo dõi nó hàng năm vẫn phải đặt ra, đặc biệt là hồ đập lớn, kể cả hồ đập thủy lợi và thủy điện. 

“Việt Nam mong muốn hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ quốc tế để nâng cao năng lực đánh giá, khả năng “khám chữa bệnh” các đập và hệ thống đê, từ đó có bức tranh đầy đủ để có giải pháp ứng phó kịp thời”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói. 

Hiện một số quy định về quản lý an toàn đập trong Nghị định 72/2007/NĐ-CP chưa quy định hết trách nhiệm của các chủ thể quản lý đập hoặc khó khả thi, như: chưa phân rõ trách nhiệm cấp kinh phí trong các hoạt động quản lý an toàn đập; số lượng hồ chứa nhỏ rất lớn tuy nhiên phải thực hiện tất cả các quy định về quản lý an toàn đập là khó thực hiện… 

Luật Thủy lợi đã có hiệu lực từ 1/7/2018 và theo đó, sẽ có Nghị định về quản lý an toàn đập thay thế Nghị định 72/2007/NĐ-CP và được kỳ vọng sẽ khắc phục những vướng mắc trên. Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, nghị định mới này sẽ hướng dẫn theo tinh thần mới của Luật Thủy lợi. Tinh thần mới đó là làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong an toàn đập, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, chủ hồ đập...  Nghị định cũng làm rõ các yêu cầu về kỹ thuật trong quản lý như kiểm tra đánh giá hàng năm, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất… 

Để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước quy mô lớn, tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại trong quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao thành lập ngay các đoàn công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra các đập, hồ chứa nước có quy mô lớn, các đập có nguy cơ mất an toàn, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách để bảo đảm an toàn, đồng thời chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du. 

Bên cạnh đó, củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đặc biệt là đối với các đập, hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ, các đập, hồ chứa thủy điện do tư nhân đầu tư, quản lý; thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa. 

Các đơn vị rà soát, chấn chỉnh việc kê khai đăng ký an toàn đập; lập, phê duyệt và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước; lắp đặt thiết bị quan trắc công trình, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du… 

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg, ngày 10/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tại các địa phương từ ngày 13/8.

Bích Hồng  (TTXVN)
An toàn hồ, đập - Bài 2: Nâng cao an toàn trong xây dựng và vận hành thủy điện 
An toàn hồ, đập - Bài 2: Nâng cao an toàn trong xây dựng và vận hành thủy điện 

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã đưa vào khai thác sử dụng 385 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 18.564 MW, đang xây dựng 143 dự án với tổng công suất 1.848 MW...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN