12:08 28/12/2011

Kinh tế xanh - mô hình tất yếu để phát triển bền vững

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh để triển khai thực hiện từ năm 2012. Đây là giải pháp hiệu quả nhất để đảm bảo kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh để triển khai thực hiện từ năm 2012. Đây là giải pháp hiệu quả nhất để đảm bảo kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững.

Mô hình tăng trưởng truyền thống đã “đụng trần”

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Chánh văn phòng Phát triển bền vững, Bộ KH&ĐT cho biết, trong thành tích 20 năm liên tục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (trung bình 7%/năm), mô hình tăng trưởng này đã bộc lộ các nhược điểm như chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Kiểm tra thiết bị tạo nước ngọt từ nước biển bằng năng lượng mặt trời dùng cho sinh hoạt của quân và dân hải đảo tại Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Dựa trên các số liệu đầu vào, đầu ra của các ngành, lĩnh vực, các chuyên gia kinh tế đã khẳng định, càng nỗ lực cho tăng trưởng, các chỉ tiêu về năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh... càng tụt hậu bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với cường độ cao, trong khi công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới khiến mức độ tiêu tốn các nguồn năng lượng, nước, nguyên vật liệu rất lớn.

Đơn cử trong ngành sản xuất thép, để sản xuất ra 1 tấn thép, công nghệ thế giới chỉ mất 400 – 500 kWh/tấn thì dây chuyền, công nghệ của các nhà máy thép ở Việt Nam phổ biến tiêu tốn tới 700 – 800 kWh/tấn. Hoặc trong ngành sản xuất xi măng, các nhà máy xi măng tiên tiến thế giới đều có hệ thống tận dụng nhiệt thải, khí thừa quay lại phục vụ sản xuất, giúp giảm chi phí năng lượng từ 30 – 40%, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm. Nhưng ở Việt Nam, rất hiếm nhà máy có hệ thống tận dụng nhiệt thừa, khí thải.

Theo các chuyên gia Văn phòng Tăng trưởng bền vững (TTBV), Bộ KH&ĐT, mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, năng lượng hóa thạch đã “đụng trần” bởi các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu khí, các loại khoáng sản...) đang cạn dần. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên còn làm sự đa dạng sinh học bị suy giảm, môi trường ô nhiễm, phát sinh các thảm họa thiên tai gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế xanh không xa vời

Tăng trưởng kinh tế xanh là mô hình phát triển dựa vào năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng có hiệu quả. Các hoạt động sản xuất của kinh tế xanh vừa bảo tồn tài nguyên, thiên nhiên, giảm ô nhiễm vừa tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Theo ông Johan Kieft, Cố vấn kỹ thuật “Dự án tăng cường năng lực lồng ghép Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu”, kinh tế xanh là sự lựa chọn tốt cho Việt Nam bởi nó vừa đảm bảo và thúc đẩy kinh tế quốc gia tăng trưởng ổn định, vừa ngăn chặn việc khai thách, chảy máu tài nguyên. Bên cạnh đó, kinh tế xanh sẽ có thể tạo ra nhiều việc làm hơn kinh tế nâu (kinh tế khai thác tài nguyên hóa thạch).

Ông Johan Kieft cho rằng, về phương diện việc làm, kinh tế xanh nghiên cứu các phát minh mới, sản phẩm mới như công nghệ khai thác năng lượng gió, mặt trời, bioga hay các phương tiện vận tải chạy khí, pin mặt trời... sẽ hình thành thị trường việc làm mới do quốc gia sản xuất và sử dụng các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ xanh.

Về phương diện vĩ mô, nó giúp tăng cường tính ổn định vĩ mô do giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên hóa thạch hay biến động giá tài nguyên. “Nghiên cứu của Dự án tăng cường năng lực lồng ghép PTBV và biến đổi khí hậu tại 1 nhà máy năng lượng tái tạo cho thấy rằng, khi đầu tư để tạo ra 1 kw năng lượng sạch (gió, mặt trời) công nghệ này tiếp tục tạo ra gấp đôi số lượng việc làm so với sử dụng năng lượng tái tạo (nhà máy đốt than).

Lợi thế lớn

TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường – Bộ TN&MT cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo: Năng lượng mặt trời, gió. Tiềm năng thủy điện nhỏ cho phép xây dựng hơn 600 trạm với tổng công suất hơn 1.300 MW. Bên cạnh đó là tiềm năng phát triển năng lượng sinh học, sinh khối từ gỗ, phụ phẩm nông nghiệp...

Lợi thế của Việt Nam còn được so sánh ở tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng, dựa trên các hệ sinh thái để khai thác thế mạnh của vốn tự nhiên như cảnh quan thiên nhiên của nhiều khu vực được công nhận là di sản tự nhiên của thế giới, mở ra cơ hội lớn phát triển dịch vụ du lịch sinh thái...

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương, khung Chiến lược tăng trưởng xanh đã được Bộ KH&ĐT định hình theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2011 – 2030 và giai đoạn 2030 - 2050. Theo đó giải pháp thực hiện là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ, xây dựng nếp sống xanh và tiêu dùng bền vững.

Các mục tiêu đưa ra gồm: Thứ nhất là giảm 10 - 20% lượng phát thải nhà kính trong các hoạt động năng lượng cho giai đoạn 2011 – 2020 và giảm 35 - 45% cho giai đoạn 2020 – 2030; cải thiện năng suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong các hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại; đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới; phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Thứ hai là xanh hóa sản xuất bằng việc tăng tỉ trọng sản phẩm các ngành công nghệ cao trong GDP đạt 42 - 45% trong giai đoạn 2011 - 2020 và 80% trong giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải. Thứ ba là xanh hóa đời sống thông qua việc thay đổi hành vi tiêu dùng của cả 3 khu vực tiêu dùng trong xã hội (Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư). Đối với khu vực đô thị, việc thiết kế, quy hoạch đô thị phải đảm bảo có hạ tầng bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị sinh thái. Tại khu vực nông thôn, quy hoạch sẽ theo hướng thân thiện với môi trường, tăng sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý 100% rác thải sinh hoạt.

“Bộ KH&ĐT đang xây dựng thể chế để huy động các nguồn lực tài chính thực hiện chiến lược, đào tạo và phát triển nhân lực, tăng cường nghiên cứu khoa học, ban hành các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật... Chiến lược tăng trưởng xanh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2012”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết.

Xuân Hương