06:13 10/06/2014

Kinh tế Ukraine không chịu nổi gánh nặng chiến tranh

Nhật báo Phố Wall cho rằng tân Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko không chỉ thừa hưởng sự bất ổn chính trị ở nước này mà cả một nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng.

Nhật báo Phố Wall cho rằng tân Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko không chỉ thừa hưởng sự bất ổn chính trị ở nước này mà cả một nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng.

Tờ báo viết: "GDP Ukraine dự kiến sẽ giảm từ 5-7% trong năm nay. Giới chuyên gia cảnh báo sẽ còn tồi tệ hơn nếu tình trạng nổi dậy tại các tỉnh Donetsk và Lugansk tiếp tục tăng lên, do các tỉnh bất ổn này là trái tim của ngành công nghiệp nặng và khai khoáng Ukraine, chiếm khoảng 16% GDP cả nước".

Ngoài cuộc xung đột ở miền Đông Nam còn có thêm những vấn đề nghiêm trọng khác. Kiev vẫn bất đồng với Nga về giá mua khí đốt tự nhiên. Các chính trị gia châu Âu đang nỗ lực giúp 2 bên đạt được thỏa thuận vì họ biết bất cứ sự vi phạm cung cấp khí đốt nào có thể tiếp tục hủy hoại nền kinh tế vốn đã tồn tại khó khăn của Ukraine, như đã xảy ra sau các cuộc đàm phán thất bại năm 2009.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.


Nga chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ukraine. Hàng hóa xuất sang Nga chủ yếu là sản phẩm công nghiệp, như toa xe và các sản phẩm quân sự. Moskva sẵn sàng cấm nhập khẩu hàng hóa Ukraine do nguyên nhân kỹ thuật trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 nước, chẳng hạn như thương hiệu bánh kẹo Roshen do "đế chế chocolate" của ông Poroshenko sản xuất. Không loại trừ khả năng Nga có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Ukraine.

Bài báo viết: "Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin có quan điểm tích cực với tân lãnh đạo Ukraine và có kế hoạch hợp tác với ông, nhà lãnh đạo Nga vẫn ám chỉ có thể có sự không dễ chịu trên mặt trận thương mại".

Để cứu nền kinh tế quốc gia, Ukraine trông đợi vào khoản hỗ trợ tài chính 17 tỷ USD của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và 15 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU) và các nhà tài trợ khác. Tuy nhiên quyết định cuối cùng vẫn thuộc về chính quyền Ukraine.

Ngân hàng Nhà nước Ukraine đang can thiệp vào thị trường ngoại hối để nâng đỡ đồng nội tệ hryvnia. Chính phủ đã quyết định giảm trợ cấp năng lượng, vốn giúp người dân có thể sử dụng khí đốt và sưởi với giá rẻ hơn song tạo gánh nặng cho ngân sách. Từ đầu năm, đồng hryvnia đã mất giá khoảng 1/3. Lạm phát tăng lên mức hơn 10%. Giá khí đốt trung bình của hộ gia đình Ukraine từ đầu tháng 5 tăng hơn một nửa. Dự kiến giá sưởi của hộ gia đình trong tháng 7 sẽ tăng tiếp, trung bình 40%.

Người đứng đầu phòng phân tích của công ty đầu tư SP Advisors ở Kiev, Vitaly Vavrischuk được báo trên dẫn lời nói: "Dường như người dân sẵn sàng chấp nhận cuộc sống tồi tệ hơn này... Song sự kiên nhẫn của họ chỉ có hạn, rốt cuộc họ vẫn trông đợi tình hình kinh tế cải thiện hơn".

Ukraine sẽ tiếp tục thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách. Chính phủ dự kiến sẽ thay đổi một loạt các ưu đãi về thuế, tăng thuế rượu và thuốc lá, và có kế hoạch đóng băng lương dành cho quan chức chính phủ cũng như công chức.

Trong tình hình này việc xung đột tiếp tục diễn ra tại đông nam Ukraine sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách. Tháng 5, tại tỉnh Donetsk chỉ thu được 88% thuế dự kiến, tại Lugansk chỉ là 75%. Tình hình có thể còn xấu hơn do xung đột.

Tờ báo Mỹ kết luận rằng sự hỗ trợ của quốc tế chỉ có thể có ích nếu đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.


Duy Trinh