05:16 07/05/2025

Kinh tế tư nhân: Mục tiêu lớn cần động lực đủ mạnh

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5 về phát triển kinh tế tư nhân đề ra mục tiêu, đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Chú thích ảnh
Dây chuyền lắp ráp của Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast. Ảnh tư liệu: Thống Nhất/TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế và bình luận từ cộng đồng doanh nghiệp, với kỳ vọng đạt được những mục tiêu to lớn, chắc chắn cần có động lực đủ mạnh mẽ, tạo nên sự bứt phá cho khu vực kinh tế tư nhân - vốn đang tồn tại không ít hạn chế và thách thức như hiện nay. Kinh tế tư nhân mà đại diện là toàn bộ các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ cần vượt qua những rào cản về tư duy, nhận thức, tiềm lực... để có tầm nhìn rộng lớn, năng lực cạnh tranh mạnh mẽ và định hướng phát triển bền vững, phù hợp xu thế thời cuộc.

Mục tiêu 5 năm tới phấn đấu đạt 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm. Ngoài ra, trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á...

Đất nước đang vươn mình trong kỷ nguyên mới, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân với khoảng 940.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP và hơn 80% tổng số lao động trên cả nước thì so sánh với mục tiêu 5 năm tới sẽ là một khoảng cách rất lớn, khó lòng đạt được nếu thiếu sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; thiếu ý chí và khát vọng vươn lên của từng cá nhân doanh nghiệp hay thiếu sự rõ ràng, chi tiết hóa về các giải pháp triển khai, các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này. 

TS. Bùi Quý Thuấn, Trưởng Ban Nghiên cứu Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho hay, với Nghị quyết 68, kinh tế tư nhân đang được coi là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tư tưởng và chủ trương này đã xóa bỏ triệt để nhận thức, quan niệm và thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam. Nghị quyết 68 đã nhấn mạnh tới cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế đảm bảo quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và đảm bảo thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; cũng như đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh. Doanh nhân cũng được yêu cầu "có đạo đức, tinh thần dân tộc, biết vươn ra toàn cầu và dám đổi mới sáng tạo"... Đó thực sự là điểm nhấn quan trọng của tinh thần cải cách về thể chế. 

Quan trọng hơn là những nhiệm vụ cụ thể mà Nghị quyết 68 đề ra đã định vị lại mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, từ “quản lý” sang “kiến tạo và phục vụ”, từ “xin - cho” sang “bình đẳng cạnh tranh”, từ “cấm đoán mặc định” sang “tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm”, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp; đặc biệt, nhấn mạnh việc không hình sự hoá quan hệ kinh tế, ưu tiên cho doanh nghiệp khắc phục hậu quả trước rồi mới xét xử tiếp tùy theo khả năng khắc phục tới đâu. Với kinh tế tư nhân, đây là tín hiệu và cam kết “gỡ trói trong thể chế và tư duy trong quản lý” không thể mạnh mẽ hơn của cơ quan quản lý Nhà nước.

"Đáng mừng hơn, Nghị quyết 68 đã thể hiện tinh thần tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao - điều mà trước đây chỉ ưu tiên cho khu vực kinh tế Nhà nước. Bên cạnh đó, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như sẵn sàng mở sandbox cho các lĩnh vực rất mới như AI, blockchain, fintech, tài sản ảo, tiền số, thương mại điện tử...", TS. Bùi Quý Thuấn đánh giá cao.

Từ góc nhìn của tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình luận, Nghị quyết 68 đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể và rõ ràng cho các bộ, các ngành và địa phương thực hiện; nhiều quan điểm tiến bộ từ những vấn đề khó, nhạy cảm như các vụ việc hình sự thì xử lý như thế nào, cho đến việc đổi mới về tư duy quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm hay đề cập giải pháp miễn thuế 3 năm đối với doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tư nhân cũng lần đầu tiên được tham gia những lĩnh vực công nghiệp an ninh, quốc phòng… Tuy nhiên, điều rất quan trọng là làm sao tinh thần của Nghị quyết phải đến được với doanh nghiệp một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất. Chính vì thế, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội, các chuyên gia cũng cần phải tăng cường giám sát cùng với Nhà nước để thúc đẩy việc xây dựng chính sách pháp luật và triển khai hiệu quả vào trong đời sống thực tiễn.  

Chia sẻ quan điểm từ doanh nghiệp, ông Trần Đức Trí Quang, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Dữ liệu FPT IS, Tập đoàn FPT đánh giá cao việc Chính phủ ban hành một loạt các hành lang chính sách nhằm định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp. Trước yêu cầu chuyển đổi kép kết hợp giữa hai xu hướng lớn là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, FPT cũng đối mặt với thách thức về thuế carbon và triển khai, ứng dụng (trí tuệ nhân tạo) AI vào chính hoạt động của mình. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào minh bạch về dữ liệu và khai thác AI sớm sẽ biến rào cản thành lợi thế cạnh tranh, mở cánh cửa vào các thị trường khó tính nhất. Thế nên, Chương trình phát triển agentic AI nội bộ đã được  tập đoàn triển khai tại một số đơn vị thành viên, mở ra nền tảng quan trọng để tiếp tục thúc đẩy trong tương lai. Đối với tập đoàn, một trong những động lực cần được tiếp tục củng cố là sự đồng thuận và kết nối giữa lãnh đạo và nhân viên các phòng ban. Có đến 70% nhân viên hào hứng ứng dụng AI vào công việc hàng ngày và 30% lãnh đạo có kỳ vọng rõ ràng và tích cực với AI. 

Từ thực tế đó, có thể thấy việc đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý cấp trung sẽ đóng vai trò then chốt, tạo lực đẩy quan trọng giúp doanh nghiệp gia tốc trên hành trình chinh phục AI, không chỉ trong nội bộ mà còn trong các giải pháp cung cấp ra thị trường. Đại diện Tập đoàn FPT, ông Trần Đức Trí Quang kiến nghị, các cấp có thẩm quyền sẽ thông qua kế hoạch hành động như thiết lập và chuẩn hóa dữ liệu phát thải để đáp ứng các yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững từ thị trường cũng như định chế tài chính; thử nghiệm AI mã nguồn mở để dự báo năng lượng, tối ưu logistics... với khả năng thu hồi vốn nhanh; sử dụng AI để giả lập MACC và định giá carbon nội bộ để chuẩn bị tham gia thị trường carbon nội địa và tận dụng chương trình đào tạo AI để nâng cấp kỹ năng nhân viên, bảo đảm lực lượng “xanh + số” thông qua liên kết viện nghiên cứu với doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng cơ bản, là động lực mạnh mẽ giúp cho tập đoàn thêm thành công và có nhiều bứt phá hơn nữa trong tương lai gần.

Để đạt được mục tiêu đặt ra đối với phát triển kinh tế tư nhân đến năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết 68, theo TS Bùi Qúy Thuấn, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo tinh thần của Nghị quyết 68, tức đến năm 2028 môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia hàng đầu ASEAN và nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án quốc gia lớn, bao gồm đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi đặc biệt lĩnh vực công nghệ cao như AI, sản xuất chips, bán dẫn hoặc tham gia các dự án cơ sở hạ tầng siêu lớn và hiện đại trong kế hoạch đầu tư công của Việt Nam đến năm 2045. Cùng với đó, thiết lập cơ chế giao tiếp hiệu quả giữa Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân để lắng nghe ý kiến và giải quyết, tháo gỡ các vấn đề trong thực tiễn của doanh nghiệp. Đặc biệt, không lạm dụng các biện pháp hành chính hoặc hình sự để can thiệp vào tranh chấp kinh tế, đồng thời chuẩn hóa thực thi pháp luật liên quan đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, như cải thiện quy trình quản lý và hướng dẫn doanh nghiệp tư nhân tuân thủ pháp luật. Để thể chế hóa Nghị quyết 68 và các đề xuất chính sách nêu trên, theo gợi ý của TS Thuấn cần sớm xây dựng và ban hành “Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân” ban hành và thực hiện ngay trong năm 2026. 

Có thể thấy, với vai trò, vị thế hết sức quan trọng, lúc này, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cần được khơi dậy, cởi bỏ các rào cản để phát triển mạnh mẽ, hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước, để đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)