Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ với những yêu cầu ngày càng cao về đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một trong những trụ cột quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho TP Hồ Chí Minh.
Kinh tế tư nhân phát triển sẽ là động lực giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Cơ hội cho tương lai
Việc phát triển kinh tế tư nhân tại TP Hồ Chí Minh đang đứng trước một thời điểm mang tính bản lề. Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, nghị quyết tán thành việc sáp nhập TP Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh thông qua, chính là "cơ hội của tương lai". Vì vậy, Thành phố cần có chiến lược và hoàn thành quy hoạch trong tháng 5 và 6 để kịp thời đón làn sóng đầu tư mới.
Theo ông Huy Vũ, vừa qua loạt nghị quyết quan trọng vừa được Bộ Chính trị ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ. Đây là một trong 4 nghị quyết lớn mang tính chiến lược, cùng với Nghị quyết 57 về đột phá khoa học - công nghệ, Nghị quyết 66 về hoàn thiện pháp luật và Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết 68 được đánh giá có nhiều điểm đổi mới quan trọng, gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển năng động, hiệu quả và bền vững hơn.
"TP Hồ Chí Minh có đặc thù riêng với gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Vì vậy, thành phố cần đi đầu trong việc xây dựng các chương trình hành động và sáng kiến đột phá để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, biến TP Hồ Chí Minh thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước", ông Vũ đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp tư nhân không thể phát triển nếu thiếu sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Hiện nay, một số doanh nghiệp công nghệ và sản xuất tại TP Hồ Chí Minh đã dành từ 3 - 5% doanh thu cho R&D, ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)... để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khoảng cách lớn.
"Cơ cấu doanh nghiệp ở Việt Nam và TP Hồ Chí Minh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tới hơn 80% trong khi doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 2%. Điều này dẫn đến hạn chế nguồn lực dành cho đầu tư công nghệ. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn có chính sách hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước, đặc biệt là triển khai hiệu quả các nội dung trong Nghị quyết 57, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư R&D, chuyển đổi số và tăng sức cạnh tranh”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, doanh nghiệp đang kỳ vọng Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân được thực thi hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân sẽ được tháo gỡ các điểm nghẽn cố hữu như: Khó tiếp cận vốn, đất đai, thị trường và công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng tăng trưởng, không chỉ về số lượng mà cả về giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phải có tư duy đột phá
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân có thể thực sự trở thành “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế như tinh thần Nghị quyết 68, các chuyên gia cho rằng cần có tư duy và hành động đột phá.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, hiện các doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản lớn về quy mô, nguồn lực, công nghệ và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tiếp cận đất đai, vốn và cơ hội từ các chương trình quốc gia cũng còn hạn chế.
“Tư duy đột phá phải được quán triệt từ nhận thức đến hành động. Phải coi khu vực kinh tế tư nhân là trụ cột, là lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không thể tiếp tục nhìn nhận họ như một bộ phận phụ trợ”, ông Lực nhấn mạnh.
Đối với những giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, theo ông Cấn Văn Lực, cần sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phù hợp với thực tiễn; ban hành khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, kinh tế xanh; đồng thời phát triển các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực tài chính để tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp đang tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động để ổn định đời sống.
Ngoài ra, một trong những rào cản lớn hiện nay là thiếu vốn. Do đó, cần sớm thành lập các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; quỹ đầu tư mạo hiểm; quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp lên doanh nghiệp siêu nhỏ như miễn thuế trong 3 năm đầu, hỗ trợ kế toán, sổ sách, phần mềm quản trị và cải cách thủ tục hành chính.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân như một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các sở, ngành, nhất là Sở Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển, từ hoàn thiện thể chế đến cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi và công bằng.
“Chúng tôi yêu cầu triển khai ngay trong tháng 5, không đợi đến cuối năm. Đơn vị nào làm tốt sẽ được ghi nhận; đơn vị nào chưa rõ ràng, phải giải trình cụ thể. Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện để đi đầu trong việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, sáng tạo và có khả năng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên để làm được điều đó, cần một hệ sinh thái thể chế hiện đại, chính sách hỗ trợ thực chất và một tư duy điều hành cải cách mạnh mẽ, đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Võ Văn Hoan cho biết thêm.