09:00 22/09/2011

Kinh tế trang trại - đòn bẩy xây dựng nông thôn mới

Là một trong 11 xã được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Thanh Hóa, đến nay xã Quý Lộc, huyện Yên Định đã gần "cán đích" các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM.

Là một trong 11 xã được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Thanh Hóa, đến nay xã Quý Lộc, huyện Yên Định đã gần "cán đích" các tiêu chí của chương trình xây dựng NTM. Một trong những yếu tố tạo nên kết quả này là xã đã lựa chọn được hướng đi đúng, lấy phát triển kinh tế trang trại làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội, từ đó làm bước đệm vững chắc để xây dựng NTM.
Từ hướng đi vững chắc


Xuất phát điểm là một xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tìm hướng đi mới để cải thiện đời sống nhân dân là trăn trở lớn và luôn được cấp ủy chính quyền Quý Lộc đặt lên hàng đầu.

Từ những mô hình chăn nuôi gà thả vườn của một số hộ gia đình ở địa phương, lãnh đạo xã Quý Lộc đã chủ động tìm cách làm mới đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính để phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi khảo sát đánh giá thực tế, xã đã thống nhất tiến hành xây dựng quy hoạch các khu trang trại tập trung, cụ thể cho từng loại hình trang trại. Để việc phát triển trang trại được thuận lợi, xã đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch phát triển kinh tế trang trại tập trung, trong đó ưu tiên cấp đất công ích, đổi đất canh tác của các hộ để dồn thành thửa lớn tạo quỹ đất để làm trang trại ổn định lâu dài để nông dân yên tâm đầu tư. Việc tham gia phát triển kinh tế trang trại, xây dựng cơ chế chính sách kích cầu hỗ trợ đầu tư phát triển... đều được công khai dân chủ để nhân dân bàn bạc thảo luận. Bên cạnh đó, xã còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tham gia phát triển trang trại về thủ tục hành chính, hướng đầu tư, hỗ trợ xây dựng điện - đường khu quy hoạch trang trại. Xã còn huy động nhiều nguồn vốn cho các hộ vay vốn không lãi để mua giống và đầu tư xây dựng trang trại, hỗ trợ xây dựng hầm bioga, hệ thống tiêu nước thải và xử lý môi trường...

Một mô hình trang trại trồng cây ăn quả trồng xen các loại cây rau màu tại huyện Kim Động, Hưng Yên . Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Đặc biệt, để việc phát triển trang trại thực sự có hiệu quả, xã Quý Lộc đã quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật thú y để phục vụ chăn nuôi phát triển. Xã đã liên kết với các đơn vị liên quan mở lớp trung cấp chăn nuôi thú y tại xã cho 50 người, chủ động tiếp nhận 1 cán bộ đại học, 3 cán bộ cao đẳng thú y được đào tạo chính quy là người địa phương về xã công tác. Ngoài ra, các hộ tham gia phát triển trang trại đều được đào tạo 3 tháng về kỹ thuật thú y, kiến thức quản lý trang trại và cấp chứng chỉ cho các chủ trang trại. Đồng thời xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan, trao đổi kinh nghiệm với các chủ trang trại chăn nuôi lớn, điển hình trong và ngoài tỉnh cho các chủ trang trại của xã để họ học cách làm ăn, nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Cấp ủy, chính quyền xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện thành lập hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi cung ứng giống con nuôi, tập huấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo sự đồng thuận, tham gia rộng rãi của nhân dân trong xã...

Đến nay toàn xã Quý Lộc có 169 trang trại, trong đó có 87 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh phí đầu tư cho phát triển trang trại lên tới hàng chục tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các trang trại đạt từ 80 - 110 triệu đồng/năm. Các trang trại đã giải quyết việc làm cho trên 300 lao động với mức lương bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Ông Trịnh Đăng Quê, Bí thư Đảng ủy xã Quý Lộc, cho biết: Chọn hướng phát triển kinh tế trang trại để "bứt phá" đã và đang là giải pháp đúng và trên thực tế kinh tế trang trại đã và đang đưa Quý Lộc hướng tới mô hình xã NTM.

Đến xã điểm NTM

Phát triển kinh tế trang trại đã thực sự trở thành đòn bẩy để Quý Lộc tiếp tục vươn lên về mọi mặt. Trước hết kinh tế trang trại đã tác động trực tiếp đến sản xuất, chăn nuôi của địa phương: Tổng đàn gia súc, gia cầm của xã hiện có 4.000 con trâu bò, 20.000 con lợn và 300.000 con gia cầm. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn phát triển các con nuôi đặc sản như dê, ba ba, nhím... Hiện nay, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 56% trong nông nghiệp. Các loại hình dịch vụ, một số nghề tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt là sản xuất trồng trọt theo đà phát triển của kinh tế trang trại cũng tăng trưởng khá. Chính phát triển kinh tế trang trại đã tạo ra thị trường trong khu vực cho nông dân tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đồng thời thu hút đầu tư của ngân hàng, các chủ doanh nghiệp vào khu vực nông thôn, giảm lao động nông nghiệp...

Hơn 200 hộ nông dân xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trồng cây đu đủ, mướp đắng, bí xanh… mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha . Ảnh : Vũ Công Điền - TTXVN.


Đến nay, tại xã Quý Lộc, GDP tăng bình quân 16% năm, lương thực bình quân đầu người đạt 960kg/người/năm; giá trị thu nhập tính trên 1 ha đạt trên 82 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đạt 15,375 triệu đồng/người/năm... Kinh tế phát triển, Quý Lộc đã khai thác có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cho xây dựng các công trình phúc lợi và phục vụ sản xuất. Từ năm 2000 đến nay, xã đã đầu tư xây dựng mới 5 ngôi trường kiên cố với 47 phòng học khang trang đạt quy chuẩn, 9 nhà văn hóa thôn, 12 km mương nội đồng, 37km đường bê tông liên thôn... Tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn xã đạt hơn 250 tỷ đồng.

Là địa phương được tỉnh Thanh Hóa chọn làm xã điểm xây dựng NTM, Quý Lộc đã và đang phát huy những kết quả đã đạt được để sớm trở thành xã NTM vào năm 2012. Hơn 1 năm qua, Quý Lộc đã nỗ lực huy động các nguồn vốn đạt trên 22,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 14 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này xã đã tập trung xây dựng được 4,3 km kênh mương nội đồng; 6 phòng học và nhà hiệu bộ trường mầm non; chỉnh trang khu công sở, dân cư và công trình tôn giáo; xây dựng 2,43 km đường dân cư vành đai thôn; xây dựng, nâng cấp đường điện, thiết bị điện...

Đến thời điểm này xã Quý Lộc đã đạt 11/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí chuẩn quốc gia NTM. Xã phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thành thêm 2 tiêu chí về giao thông và thủy lợi. Xã cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, phát triển trang trại gắn sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp dịch vụ, điều chỉnh lao động kết hợp tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Mai Hương