03:10 18/03/2011

Kinh tế thế giới trước nguy cơ bốn cú sốc

Tờ Thời báo Luân Đôn (Anh) ngày 16/3 có bài phân tích cho rằng, trong khi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi suy thoái, nền kinh tế thế giới lại phải đối mặt với 4 cú sốc với những hậu quả có thể còn lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tờ Thời báo Luân Đôn (Anh) ngày 16/3 có bài phân tích cho rằng, trong khi vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi suy thoái, nền kinh tế thế giới lại phải đối mặt với 4 cú sốc với những hậu quả có thể còn lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo bài báo trên, trong khi hai cú sốc kinh hoàng chiếm lĩnh trang nhất của mọi tờ báo là trận động đất ở Nhật Bản và cuộc xung đột ở Libi, thì tại châu Âu xuất hiện hai cú sốc khác với độ nghiêm trọng tương đương xét về hậu quả kinh tế. Thứ nhất là nguy cơ xung đột chính sách kinh tế giữa Mỹ và châu Âu.

Sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố kế hoạch tăng lãi suất cách đây 2 tuần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói rằng sẽ làm ngược lại nếu cú sốc giá dầu mỏ sau trận động đất ở Nhật Bản đe dọa nền kinh tế Mỹ. Sự mâu thuẫn này dẫn đến nguy cơ thứ hai: Một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng châu Âu, tương tự cuộc khủng hoảng cách đây 3 năm, do sự kết hợp chết người của chính sách tiền tệ thắt chặt và cách xử lý thiếu hiệu quả cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực sử dụng đồng euro.

Trong bối cảnh hiện nay, các cú sốc này đặc biệt nghiêm trọng do nền kinh tế thế giới vẫn đang hồi phục yếu ớt từ cuộc suy thoái 2008-2009, và chỉ hứng chịu một cú sốc thôi đã rất khó khăn, chưa nói đến bốn cú sốc xảy ra cùng lúc.

Với tỷ lệ thất nghiệp cao và mức lương thực tế giảm ở hầu hết các nước, với các ngân hàng đang chật vật gây dựng lại vốn sau khủng hoảng tài chính, và tình trạng nợ chính phủ vượt ngoài kiểm soát, nền kinh tế thế giới càng dễ bị tổn thương trước những hậu quả kinh tế của trận sóng thần Nhật Bản, cho dù hậu quả này chỉ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Bài học sau vụ ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ cho thấy, ngay cả khi nền thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu bị đánh sập trong một thời gian rất ngắn, nó cũng đủ để nền kinh tế thế giới bị phủ bóng đen trong nhiều năm tiếp theo.

Tình hình sẽ càng tệ hơn khi cú sốc thị trường dầu mỏ Trung Đông, thảm họa hạt nhân Nhật Bản, khủng hoảng nợ công châu Âu và xung đột chính sách tiền tệ Mỹ-EU cộng hưởng, phá vỡ các nền tảng kinh tế toàn cầu. Sự trỗi dậy của tâm lý chống hạt nhân trong giới chính trị gia và bảo vệ môi trường sau thảm họa ở Nhật Bản có thể cản trở các nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của thế giới vào năng lượng hóa thạch.
 
Bởi để có thể đáp ứng nhu cầu điện năng của thế giới trong 20 năm tới, thì năng lượng hạt nhân là sự thay thế duy nhất cho than và dầu mỏ. Nếu nhiên liệu hóa thạch "hất chỗ" nhiên liệu hạt nhân trong ngành sản xuất điện, thiệt hại cho nền kinh tế thế giới sẽ rất lớn. Các dự án tăng cường sử dụng điện trong phương tiện giao thông sẽ bị đình lại. Cùng lúc, giá dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng mạnh, song hành với sự lớn mạnh của các thể chế độc tài ở Trung Đông.

Nếu rơi vào suy thoái kép sau cuộc suy thoái 2008-2009, triển vọng dài hạn nền kinh tế thế giới sẽ càng thêm mờ mịt do tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục bị thụt lùi. Trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những thảm họa xảy ra bên ngoài và khi phải đối mặt với các khó khăn, các nước sẽ có xu hướng tự bảo vệ mình trước tiên, với việc tìm cách bảo hộ thương mại. Như vậy, sẽ có “cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa thứ hai” xuất hiện, kèm theo là làn sóng mất việc, phá sản và sụp đổ thị trường bất động sản.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)