08:20 29/08/2016

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều doanh nghiệp thành lập

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, hoạt động xuất nhập khẩu phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng so với cùng kỳ, thu hút đầu tư nước ngoài tăng, nhiều doanh nghiệp mới thành lập...là những đánh giá tình hình kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016.

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt khoảng 56.904,7 tỷ đồng, giảm 1,8 % so tháng trước và tăng 8,3% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 462.546,6 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,4%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giảm 0,2% so tháng trước nhưng tăng 1,78% so cùng kỳ. Chỉ số giá bình quân 8 tháng so cùng kỳ tăng 1,22%.


Về xuất khẩu, kim ngạch trong tháng 8 ước đạt 2,64 tỷ USD, giảm 1,9% so tháng trước và tăng 0,8% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 0,8% so cùng kỳ và nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 18,4 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kì. Theo đó, thị trường xuất khẩu cũng tăng nhanh ở một số nước như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Indonesia, Netherlands… Một số mặt hàng xuất khẩu được duy trì và có mức tăng như cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…


Ở lĩnh vực công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp tháng 8 ước tăng 5,47% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2016, ước tăng 7,19% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành tăng cao như sản xuất đồ uống, sản phẩm từ khoáng phi kim loại, máy móc thiết bị... Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ước tăng 7,1% so cùng kỳ.

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ.


Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND Thành phố, cho biết kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu và chỉ số phát triển công nghiệp đều tăng cao hơn so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Điều này thể hiện sự chuẩn bị, quan tâm chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố cũng như vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh tế. 


Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng mạnh còn thể hiện ở việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp tăng ở nhiều lĩnh vực. Về vốn đầu tư trong nước, có 23.540 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 196.255 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 16,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 52,6% về vốn đăng ký. Ngoài ra, có 35.307 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Tính chung, tổng vốn đăng ký và bổ sung là 319.482 tỷ đồng, tăng 49,1% so với cùng kỳ. Theo đó, ngành nghề kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất; tiếp theo là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng...


Về đầu tư nước ngoài, có 525 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 715,5 triệu đô-la Mỹ và 102 dự án điều chỉnh tăng vốn. Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 1.121 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp với tổng vốn góp đăng ký khoảng 11,5 tỷ đô la Mỹ. Với xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính chung cả vốn FDI thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn FDI thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước 8 tháng đầu năm, thành phố thu hút được 2,21 tỷ đô-la Mỹ, tương ứng với khoảng 80% giá trị vốn đầu tư cùng kỳ năm trước.


Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 8 tháng đầu năm là 197.792,29 tỷ đồng, đạt 66,31% dự toán, tăng 9,9% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 69,6% dự toán, tăng 19,04% so cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 51,54% dự toán, giảm 42,58% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 63,22% dự toán, tăng 8,35% so cùng kỳ.

Kinh tế thành phố tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp mới được thành lập một phần nhờ vào hiệu quả của những hỗ trợ về vốn, chính sách của Thành phố 


Về những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Quyết định số 3907/QĐ- UBND về ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Quyết định số 3293/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, sinh viên, trí thức.


Nhận định về sự phát triển của kinh tế của thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết mục tiêu đến năm 2020, thành phố có 500.000 doanh nghiệp. Hiện nay, thành phố có 259.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có nhiều hộ kinh doanh cá thể có đủ điều kiện để khuyến khích họ chuyển sang doanh nghiệp. "Để đạt 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020, các ban ngành cần đề xuất cơ chế theo lộ trình để thúc đẩy sự phát triển này", ông Phong cho biết.

Hoàng Tuyết