12:17 29/12/2012

Kinh tế Nhật Bản sẽ khởi sắc với sự trở lại của LDP? - Bài 2: Những thách thức cần vượt qua

Tình trạng bất ổn trong chính phủ trong hai thập kỷ qua là một trở ngại lớn cho việc thực hiện các cuộc cải cách mà quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi.

Thiếu vai trò lãnh đạo chính trị

 

Tình trạng bất ổn trong chính phủ trong hai thập kỷ qua là một trở ngại lớn cho việc thực hiện các cuộc cải cách mà quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi. 10 thủ tướng liên tiếp thay nhau cầm quyền trong thập kỷ 1990 và 15 thủ tướng cầm quyền từ 20 năm nay, đấy là mới chỉ tính đến đầu năm 2011. Và, đặc biệt là khi lên cầm quyền vào tháng 4/2001, ông Junichiro Koizumi đã tiến hành các cuộc cải cách theo hướng tự do mới với khẩu hiệu “phi tập trung hóa” và “tư nhân hóa”. Vào cuối nhiệm kỳ của ông năm 2006, Nhật Bản dường như bắt đầu một công cuộc hiện đại hóa thực sự, nhưng ngay sau đó, tình trạng bất ổn đã trở lại khi 3 thủ tướng bảo thủ kế tiếp nhau cầm quyền cho đến cuộc bầu cử ngày 30/8/2009, được coi là “cơn địa chấn chính trị”. Thắng lợi của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), do ông Yukio Hatoyama lãnh đạo, là áp đảo và sự chuyển đổi ấy được mọi người dân Nhật hy vọng sẽ chấm dứt được những bế tắc về chính trị.

 

Trên thực tế, kết quả này phản ánh một sự bất bình hàng loạt đối với Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đang cầm quyền lúc bấy giờ, hơn là một sự tán thành thực sự chương trình của DPJ, tập trung vào hai mục tiêu chủ yếu là trả lại cho cơ quan hành pháp và các nghị sĩ quyền đã bị chính quyền “tịch thu” trước đây và thực hiện một dự án xã hội mới hữu nghị hơn và công bằng hơn. Chương trình kinh tế của DPJ đại diện cho một kiểu cách mạng, và đây là lần đầu tiên mô hình này được đưa ra, đó là không phải dựa vào vốn đầu tư và xuất khẩu, mà là dựa vào nhu cầu của người dân, cùng với việc tiến hành những biện pháp khuyến khích sinh đẻ nhằm ngăn chặn sự suy giảm dân số. Chủ trương ưu đãi của chính phủ Hatoyama nhằm vào các mục tiêu ngắn hạn, là tài trợ cho sản xuất và giải quyết vấn đề căn cứ Futenma của Mỹ ở Okinawa và việc thiếu vai trò lãnh đạo thực sự của nhân vật này đã dẫn đến sự từ chức của ông và thay thế bằng ông Naoto Kan hồi tháng 6/2010 (việc chuyển căn cứ không quân nguy hiểm từ Futenma đến Okinawa vẫn tồn tại từ 14 năm nay. Năm 2006, sau đó là năm 2009, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí – sau các cuộc thương lượng gay gắt – về việc đóng cửa và xây dựng một căn cứ thay thế ở vịnh Henoko, thuộc Nago, tương đối ít dân và nằm ở phía ddông bắc đảo Okinawa. Tuy nhiên, sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương hiện vẫn đang ngăn cản thực hiện thỏa thuận này). Và từ đó, sự vỡ mộng của cử tri ngày càng trở nên rõ nét hơn, dẫn đến việc DPJ bị trừng phạt nặng nề trong cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7, đánh mất đa số ở thượng viện, phải liên minh với phe đối lập, và mới nhất là thất bại thảm hại của DPJ trong cuộc bầu cử hôm 16/12/2012 . Một lần nữa, các chính sách công lại là kết quả của những sự mặc cả với các đảng nhỏ, thậm chí cả phe đối lập, và các cuộc cải cách quan trọng lại có nguy cơ bị trì hoãn.

 

Nợ công

 

Một cuộc cải cách sâu sắc và toàn diện chính sách thuế khóa đang là đòi hỏi rất cấp bách đối với chính phủ mới ở Nhật Bản. Những hậu quả từ việc dân số già đi sẽ càng khó giải quyết hơn vì các khoản tài chính công đã rất tồi tệ. Với một khoản nợ công ước chừng tới 216% GDP vào năm 2010, Nhật Bản đang nắm giữ “kỷ lục” không ai muốn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đúng ra thì các khoản nợ, khấu trừ từ các phần thu tài chính, chỉ chiếm 112% GDP, nhưng vấn đề là nó đã tăng gấp 3 lần so với 1995, mà khi ấy đã ở mức”rất đáng báo động” rồi. Số nợ qua lớn này là hậu quả của nhiều kế hoạch được đẩy mạnh triển khai từ 20 năm nay, và một sự mất cân bằng về cơ cấu tài chính công. Oái oăm thay, những chi phí chủ yếu hiện không thể giảm bớt bởi vì việc tăng ngân sách xã hội là tất yếu và các cơ quan hành chính công đã rất phải chắt bóp, do chi phí công của Nhật Bản, thí dụ vào năm 2010, chỉ chiếm 40% GDP so với 56% của Pháp. Vấn đề là ở chỗ các khoản thu nhập, chủ yếu lấy từ các khoản thuế trực tiếp mà cơ sở là rất chặt chẽ và tuân theo những sự phát triển ngẫu nhiên của tình hình, trong khi thuế đánh vào tiêu dùng, gọi là thuế VAT, chỉ là 5%.

 

Sự bùng nổ khoản nợ công đặt ra hai vấn đề, đó là khả năng tái tài trợ và khả năng gánh nợ. Khác với Mỹ là nước phụ thuộc vào nước ngoài để tài trợ cho một nửa khoản nợ trong lĩnh vực công, Nhật Bản đang có số dư khả dĩ về số tiền tiết kiệm. Nhật Bản nắm giữ các tài sản quan trọng ở nước ngoài và khoản nợ được các cư dân tái tài trợ tới 93%. Trái lại, gánh nặng của các khoản lãi đã chiếm 3/4ư ngân sách mặc dù lãi suất trung bình thấp, chỉ ở mức 1,5%. Sự tăng mạnh tỷ lệ, mặc dù không thể trong thời hạn ngắn, đã có ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Và chính tình trạng “treo đầu sợi tóc” đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Nhật Bản và dự báo phải mất nhiều năm mới giải quyết được quả bom nổ chậm này, nhất là khi vào đầu năm ngoái, Standars và Poors đã giảm mức tín nhiệm của Nhật Bản từ AA xuống còn AA- do chỉ số nợ công rất tồi tệ.

 

Dân số suy giảm

 

Cùng với nợ công, sự suy giảm dân số cũng là cản trở nặng nề nhất đối với sự tăng trưởng của Nhật Bản, và đáng nói hơn là quá trình này không thể đảo ngược được, và ngày càng nghiêm trọng hơn do sự già đi nhanh chóng của dân số. Thách thức to lớn này là do hậu quả của tình trạng sinh đẻ giảm sút (mỗi phụ nữ trung bình chỉ đẻ 1,37 con so với 1,65 ở các nước thuộc OECD) và tuổi thọ cao (trung bình là 82 tuổi so với 74 tuổi ở các nước châu Âu). Đồng thời với việc giảm dân số toàn bộ bắt đầu diễn ra vào năm 2005, sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động là nổi bật nhất vì nó có thể làm giảm từ 82 triệu người vào năm 2010 xuống còn 69 triệu người vào năm 2030 và 52 triệu người vào năm 2050. Sự suy giảm dân số này còn đi kèm với tình trạng lão hóa dân số đang gia tăng mạnh mẽ, với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 23% vào năm 2008 so với 7% năm 1970, và dự báo sẽ đạt 31% vào năm 2030 và 38% vào năm 2050.

 

Đương nhiên là việc giảm dân số ở độ tuổi lao động sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, và hệ lụy tiếp theo là kéo nền kinh tế xuống. Việc tăng tiềm tàng có thể được bù vào bằng những tiến bộ trong việc chế tạo ra robot mà theo một số nghiên cứu có thể bù vào việc tổn thất 3 triệu người lao động từ nay đến năm 2025, để không vượt 1,5% mỗi năm. Ngoài ra, sự lão hóa dân số tất yếu sẽ dẫn đến sự tăng chi phí y tế và lương hưu, mà việc tài trợ dựa vào cơ sở ngày càng chật hẹp, nghĩa là ngày càng ngốn nhiều hơn ngân sách quốc gia vào việc này.

 

Phạm Phú Phúc

 

Đón đọc bài 3: Những con bài lớn