03:14 18/03/2014

Kinh tế Nga bên bờ khủng hoảng

Chứng khoán mất điểm, đồng nội tệ bị đe dọa, nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy là cái giá mà Nga đang phải đương đầu sau khi Mỹ và châu Âu công bố các biện pháp trừng phạt vì căng thẳng tại Ukraine.

Từ nhiều tuần nay, giới chức Nga đã tuyên bố vấn đề giữa họ và phương Tây quanh vấn đề Ukraine sẽ "gây áp lực lên nền kinh tế", do những lời đe dọa trừng phạt kinh tế và đóng băng tài sản. Dù không trực tiếp nói về ảnh hưởng từ xung đột này, hôm qua, Thứ trưởng Kinh tế Nga – ông Sergei Belyakov vẫn cho biết trong một diễn đàn doanh nghiệp rằng nền kinh tế đang gặp rắc rối. "Tình hình có nhiều dấu hiệu rõ ràng của một cuộc khủng hoảng", ông nói.

Giới chức châu Âu hôm qua tuyên bố sẽ trừng phạt 21 quan chức Nga và Ukraine, trong đó có đóng băng tài sản và cấm đi lại. Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt tương tự với 11 quan chức chính phủ và nhà lập pháp cấp cao của Nga và Ukraine.

"Trừng phạt là điều đáng sợ nhất. Vấn đề được quan tâm là họ sẽ bị trừng phạt thế nào, quy mô ra sao và việc này sẽ có ảnh hưởng gì lên hệ thống tài chính Nga, nền kinh tế, các thị trường và cả doanh nghiệp lớn", Konstantin Chernyshev - Giám đốc bộ phận phân tích tại Uralsib cho biết.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán Nga sẽ suy thoái và đa phần đã giảm dự báo tăng trưởng của nước này. "Nhu cầu nội địa được sẽ bị đình trệ do biến động từ bên ngoài và tài chính bị thắt chặt. Việc này có khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái trong quý II và quý III năm nay. Chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng của Nga năm nay xuống 0% và rủi ro suy giảm vẫn còn hiện diện, nếu bất ổn leo thang trong thời gian dài và các lệnh trừng phạt nghiêm khắc được áp dụng", Vladimir Kolychev và Daria Isakova - nhà phân tích tại VTB Capital cho biết trên Reuters.

Theo ước tính gần đây nhất của Bộ Kinh tế nước này, trước khi căng thẳng tại Ukraine leo thang, Nga có thể tăng trưởng 2% năm nay. Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo Nga có thể phải trả giá đắt cho quyết định của mình, sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố can thiệp quân sự vào Ukraine để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga tại đây.

Kinh tế Nga được dự đoán suy giảm trong quý II và quý III/2014. Ảnh: Bloomberg


Tổng thống Putin hôm qua cũng tuyên bố Nga sẽ tôn trọng ý kiến người dân Crimea và Quốc hội nước này cũng cho biết sẽ xúc tiến việc thông qua sáp nhập nhanh nhất có thể. Hôm nay, ông sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội về vấn đề này.

Giá trị vốn hóa các cổ phiếu trong chỉ số MICEX đã mất hơn 66 tỷ USD từ đầu tháng. Ngân hàng trung ương Nga cũng đã chi hơn 16 tỷ USD dự trữ ngoại tệ để bảo vệ đồng ruble. Chỉ riêng tuần trước, chỉ số MICEX đã mất 7,6% và RTS cũng mất hơn 8%. Trong vài tuần, Nga từ một thị trường được nhận định là khởi sắc trong nhóm nước mới nổi biến thành một trong những quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương nhất.

"Kinh tế Nga đang rất chật vật trước căng thẳng địa chính trị quanh vấn đề Ukraine và các số liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt về kinh tế có thể áp dụng lên Nga cũng làm tăng nguy cơ bất ổn", Alexander Morozov - kinh tế trưởng tại HSBC cho biết.

Từ đầu năm, dòng vốn chảy khỏi Nga đã lên tới hàng tỷ USD. Cựu Bộ trưởng Tài chính - Alexei Kudrin và nhiều nhà kinh tế cho rằng con số này vào khoảng 50 tỷ USD trong quý I, gần bằng 63 tỷ USD cả năm 2013. Đồng ruble Nga cũng giảm 11% so với USD năm nay xuống thấp kỷ lục.

Cuối tuần trước, Ngân hàng trung ương Nga đã bỏ phiếu thông qua các phương án bình ổn thị trường tài chính, sau khi bất ngờ nâng lãi suất cơ bản thêm 1,5% hồi đầu tháng để ngăn vốn bị rút ra. Cơ quan này hiện tích trữ số vàng và ngoại tệ nhiều thứ ba thế giới, với 494 tỷ USD. Vì vậy, họ vẫn còn nguồn lực để hành động. Tuy nhiên, nếu căng thẳng tại Ukraine leo thang, số dự trữ này có thể cạn kiệt nhanh chóng.


Hà Thu
(Theo vnexpress)