12:06 02/12/2014

Kinh tế không có biểu hiện giảm phát

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2014 giảm 0,27% so với tháng trước nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 tổ chức hôm qua (1/12) tại Hà Nội, kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, không có biểu hiện của giảm phát.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2014 giảm 0,27% so với tháng trước nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 tổ chức hôm qua (1/12) tại Hà Nội, kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng khá và không có biểu hiện của giảm phát.

Lạm phát thấp, doanh nghiệp giảm chi phí

Theo phân tích và đánh giá về diễn biến CPI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI tháng 11 giảm chủ yếu do giảm mạnh giá xăng dầu, giá gas trong nước theo giá thế giới. Cụ thể, cuối tháng 10 và đầu tháng 11, giá xăng, dầu trong nước đã có hai đợt giảm giá tác động đến chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh (-2,75%), giá gas trong nước cũng giảm mạnh theo giá gas thế giới. Giá các mặt hàng tiêu dùng khác trong nước vẫn cơ bản ổn định.

So với tháng 12/2013, CPI tháng 11/2014 tăng 2,08%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11/2014 tăng 2,6%; bình quân 11 tháng tăng 4,3%. Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng nêu trên là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp để giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm… qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Về vấn đề kinh tế không có dấu hiệu giảm phát được Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chứng minh qua số liệu về tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 11 tháng vẫn tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước. Theo đó, tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ ước tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,5%, cao hơn mức 5,5% của cùng kỳ năm trước. Kinh tế tăng trưởng khá còn thể hiện qua sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất khẩu tăng trưởng cao...

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công khai kết luận về một số sai phạm của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc khi có dư luận về vấn đề tài sản, nhà đất của ông Trần Văn Truyền và kết luận đưa ra là rất cụ thể, rõ ràng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng giao các cơ quan quản lý có thẩm quyền tiến hành kiểm điểm tất cả các tổ chức cá nhân có liên quan xung quanh những sai phạm đã được chỉ rõ của ông Truyền. 

“Trước hết, việc đó thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với một cán bộ về hưu thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Ban Bí thư đã chỉ đạo làm rõ sự việc để công khai minh bạch với công luận. Đối với một cán bộ, dù đương chức hay đã về hưu thì đều có quy định nghiêm khắc như nhau, không có ngoại lệ. Được biết, hiện tại, các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bến Tre đã tổ chức kiểm điểm và tôi tin sau kiểm điểm chúng ta sẽ có thông tin rõ ràng hơn về việc xử lý trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói. 

"Vụ việc ông Truyền đã thể hiện sự kiên quyết, tinh thần trách nhiệm cao, công khai, minh bạch, đúng theo các quy định của Đảng. Nếu các trường hợp khác có vi phạm, chắc chắn cũng sẽ thực hiện như vậy", ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong tháng 11 đã có dấu hiệu tích cực là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, trong khi số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ. “Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế là đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa để phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trên phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lạm phát thấp thì có giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết. Vừa qua đã giảm lãi suất mạnh và mặt bằng lãi suất hiện nay so với 2005 và 2006 đã ngang bằng và thấp hơn. Lãi suất không phải là lý do cản trở dòng tín dụng. Tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng trở lại phù hợp với sức cầu của nền kinh tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của lạm phát để có điều hành mặt bằng lãi suất cho phù hợp.

Giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu

Tại Họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, sau khi giá xăng dầu liên tục giảm, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, yêu cầu doanh nghiệp kê khai giảm giá cước vận tải ô tô phù hợp với việc giảm chi phí nhiên liệu. Đồng thời, Liên bộ cũng thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc tại một số địa phương về nội dung trên.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp vận tải ô tô đã giảm giá cước vận tải và kê khai lại giá với Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải địa phương. Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, tại Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2- 10%; kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8- 10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4- 3,9%. Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9% (tùy cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá 2- 11,33%.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, qua theo dõi cho thấy đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô chưa thực hiện kê khai giảm cước trong khi giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu thêm 2 đợt trong tháng 11/2014.

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải ô tô phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và các yếu tố đầu vào trong giá thành vận tải, Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính, phối hợp với các sở Giao thông Vận tải tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải ô tô phù hợp với giảm giá xăng dầu.

“Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá (trong đó chú trọng kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá), kết hợp với thanh tra chấp hành pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp vận tải ô tô trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

Thu Hường