03:15 31/03/2017

Kinh tế Hà Nội tiếp đà tăng trưởng mạnh

Kinh tế Hà Nội đang phát triển một cách nhanh chóng, năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 8,2%, cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Với những giải pháp mạnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, địa phương, kinh tế Thủ đô những tháng đầu năm 2017 không những khả quan mà đang có đà tăng trưởng mạnh.


Chỉ số PCI cao nhất từ trước đến nay


Trong những tháng đầu năm nay, mặc dù có thời gian nghỉ Tết dài nhưng ngay từ những ngày đầu năm thành phố đã triển khai quyết liệt các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương nên tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,06%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 9,5%; tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 7,6%; kim ngạch xuất khẩu tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xí nghiệp may xuất khẩu Yên Mỹ, thuộc Công ty Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội chuyên may hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, mỗi năm xuất hàng vạn sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đặc biệt, thành phố thực hiện chủ đề năm “trật tự, văn minh đô thị” trên mọi lĩnh vực, trong đó đổi mới mạnh cung cách làm việc phục vụ nhân dân, hướng tới chính quyền thân thiện, giảm phiền hà, rắc rối và quấy nhiễu nhân dân. Nhiều sở, ban ngành đồng loạt đổi mới trong thủ tục đầu tư, nộp thuế, đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; đã thực sự tạo được môi trường thông thoáng, thu hút nhiều dự án, nhà đầu tư tầm cỡ vào địa bàn.


Thành phố ban hành các bộ quy tắc ứng xử về văn hóa, ứng xử của cán bộ công chức, chấn chỉnh từ tác phong, lề lối, ăn mặc, trang phục, nhất là cán bộ trực tiếp làm việc với nhân dân. Hà Nội đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, giải quyết nhanh chóng thủ tục và hạn chế được các cuộc họp không cần thiết, cũng như bớt thời gian đi lại cho cán bộ cơ sở. Vì thế, môi trường đầu tư được cải thiện rõ nét, chỉ số PCI tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành (cao nhất từ trước đến nay).


Hà Nội có nền kinh tế lớn hàng đầu của cả nước, nên các chỉ số phát triển trên nhiều lĩnh vực đóng góp phần quan trọng cho nền kinh tế nói chung. Nhiều chỉ số của Hà Nội đều đồng loạt tăng, giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 0,54% so cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp- xây dựng trong quí I tăng 6,99% so cùng kỳ năm trước, riêng khối công nghiệp tăng 6,2%. Giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 7,26% so cùng kỳ năm trước.


Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, tình hình sản xuất công nghiệp nhìn chung có mức tăng trưởng nhưng không được cao so cùng kỳ. Một số công ty khai khoáng giảm mạnh do chủ trương hạn chế khai thác tài nguyên gây ảnh hưởng đến môi trường và an ninh đê điều, dòng chảy của sông. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng không cao do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn sản xuất tăng trưởng thấp như: sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, sản xuất xe có động cơ.....


Bên cạnh tín hiệu tích cực từ chỉ số tiêu thụ sản phẩm thì chỉ số tồn kho sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế tạo đứng ở mức khá cao so cùng kỳ (tăng 65,1%).


Ưu tiên tối đa cho “thu hút” và đầu tư


Có thể nói, giai đoạn gần đây Hà Nội đang đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư, cũng như đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng.


Việc phân bổ kế hoạch và điều hành ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Thành phố đã tập trung nguồn vốn cho các dự án hoàn thành trong năm, dự án dân sinh bức xúc đảm bảo hiệu quả, tránh dàn trải, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản.


Trong quý I, thành phố chỉ bố trí vốn khởi công cho các dự án thật sự cấp bách, đáp ứng đủ các điều kiện như: nằm trong quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt, đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Hà Nội đã huy động , khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng bằng các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) . Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao.


Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ đầu năm đến nay ước đạt 49.908 tỷ đồng, tăng 9,5% so cùng kỳ; trong đó, vốn nhà nước trên địa bàn đạt 18.039 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước đạt 27.205 tỷ đồng, tăng 24%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4.663 tỷ đồng, tăng 4,8%. Trong tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn, vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 5.594 tỷ đồng, tăng 2,8% so cùng kỳ.


Năm 2017, thành phố tập trung xúc tiến đầu tư vào các dự án lớn, đồng thời lập danh mục các dự án có tiềm năng để phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư, triển khai nghiên cứu thực hiện thủ tục đầu tư và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để sớm đưa dự án vào thực hiện.


Trong quý I, Hà Nội có 122 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký với số vốn đăng ký 580 triệu USD, bằng 19% kế hoạch năm và bằng 70,3% cùng kỳ năm trước; trong đó, đã tăng vốn 319,8 triệu USD của dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam. Thành phố có 5.800 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so cùng kỳ với số vốn đăng ký 39.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.


Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn cũng đang được quan tâm đẩy mạnh. Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, gồm 9 gói thầu chính, hiện nay đã thực hiện các gói thầu, riêng gói thầu số 4 - Hạ tầng kỹ thuật đề pô đang chuẩn bị hồ sơ thanh lý hợp đồng.


Hà Nội vừa khánh thành tuyến phố nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đê Tả ngạn sông Hồng, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn như giải phóng mặt bằng 470 cơ quan, nhà dân, tái định cư hơn 100 gia đình. Tuy nhiên, tuyến đường đã hoàn thành trước một năm, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tải cho đường Nguyễn Văn Cừ, đường Nguyễn Văn Linh, nút giao cắt cầu Chui, đường đê Long Biên - Bát Tràng...


Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư vừa được khởi công với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 62 ha, thuộc địa bàn hai xã Phù Đổng và xã Trung Màu huyện Gia Lâm. Dự án có hệ thống đường ống truyền dẫn nước sạch với chiều dài 76 km, với hai đoạn đi qua lòng sông Hồng, sông Đuống và nhiều đoạn đi qua đường sắt, đường bộ để cung cấp nguồn nước sạch cho 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực phía Đông Bắc và phía Nam Thành phố Hà Nội; các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179 và một số vùng phụ cận.


Thành phố cũng khánh thành cầu vượt tại nút giao giữa đường Cổ Linh và đường đầu cầu Vĩnh Tuy, là một trong tám công trình trọng điểm của thành phố nhằm đảm bảo an toàn giao thông đã được Thủ tướng phê duyệt thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và áp dụng hình thức giao thầu.


Hà Nội đang chỉ đạo các cấp chính quyền cần tập trung cao độ hơn nữa để thực hiện các kế hoạch, chỉ tiêu, nhất là sát sao thu ngân sách, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện tốt trật tự đô thị, vỉa hè, tạo cảnh quan đẹp, văn minh cho thành phố.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)