12:16 11/12/2015

Kinh tế Hà Nội tăng trưởng cao nhất trong 4 năm qua

Kinh tế Thủ đô Hà Nội chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 9,24%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Xí nghiệp may xuất khẩu Yên Mỹ, thuộc Công ty Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội chuyên may hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, mỗi năm xuất hàng vạn sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Ngày 11/12, UBND thành phố Hà Nội phát động phong trào thi đua năm 2016.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, dựa trên những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, các đơn vị, ban, ngành, quận, huyện cần năng động, sáng tạo, tập trung cao độ hơn nữa để hoàn thành công việc được giao. Thành phố khuyến khích, ghi nhận những đóng góp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc và vượt chỉ tiêu đề ra. Thành phố tập trung cao độ để đổi mới các thủ tục hành chính nhằm giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, ngày càng thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư và giảm thiệt hại về vật chất, thời gian đi lại cho nhân dân.

UBND thành phố đã quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2016. Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 8,5 – 9,0%. Thu nhập bình quân đầu người 85-87 triệu đồng.

Năm 2015 mặc dù có nhiều khó khăn nhưng kinh tế Thủ đô vẫn chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 9,24%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các chỉ tiêu như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 146 ngàn tỷ đồng, đạt 103,5% dự toán năm... Có được kết quả này thành phố đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh đầu tư. Chú trọng công tác quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đô thị, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị.

UBND thành phố Hà Nội đánh giá, năm 2015 là năm có nhiều ngày lễ lớn, diễn ra nhiều hoạt động nên khối lượng công việc của các cấp, ban, ngành, địa phương lớn hơn nhiều, đòi hỏi các đơn vị phải huy động và tập trung nguồn lực nhiều hơn để hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Thành phố cũng nhìn nhận khách quan những mặt còn hạn chế, yếu kém, trong đó lĩnh vực xuất khẩu mặc dù đã phục hồi nhưng chuyển biến chậm, ước cả năm không đạt kế hoạch. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng so với năm trước. Tiến độ một số công trình trọng điểm chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Thi công xây dựng ở một số dự án chưa đảm bảo an toàn lao động. Việc phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng ở một số địa phương chưa kịp thời.

Nhân dịp này, nhiều tổ chức, cá nhân được tặng cờ và bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua của thành phố.

Lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng cao

Từ đầu năm đến nay, khách quốc tế đến Hà Nội đạt gần 3 triệu lượt người, tăng 14% và khách nội địa đạt gần 14,5 triệu lượt người, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Thông tin này được Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, tại buổi tọa đàm về công tác truyền thông, quảng bá du lịch do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 11/12.

Theo ông Hồng, Hà Nội đón khách từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường: Tây Âu, Đông Bắc Á, Australia, Bắc Mỹ và nhiều thị trường khác. Như vậy, giai đoạn 2010 – 2015 dù gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Thủ đô có tốc độ tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trung bình đạt trên 10%, chiếm tỷ trọng 40% so với cả nước.

Thời gian qua, ngành du lịch Hà Nội không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, có chất lượng và sức cạnh tranh như: Du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, du lịch mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch lễ hội, du lịch hội nghị hội thảo… Hoạt động hợp tác cũng đi vào chiều sâu nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch. Bên cạnh đó, Sở Du lịch còn quan tâm đến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Hà Nội.

Hiện Hà Nội đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; nâng cao tính chuyên nghiệp; có sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh, nhằm đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp, xứng đáng là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.

TTXVN/Tin Tức