09:15 01/09/2021

Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng mạnh trong quý 2 bất chấp dịch COVID-19 nghiêm trọng

Kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng tới 20,1% trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thời điểm làn sóng dịch COVID-19 thứ hai gây tác động nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Cảnh sát bên ngoài Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ ở bang Kerala ngày 31/8. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Ấn Độ kể từ khi nước này công bố Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quý từ năm 1996. Quý đầu năm nay, Ấn Độ ghi nhận kinh tế tăng trưởng 1,6%.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho biết con số tăng trưởng mới nhất này có thể gây hiểu nhầm bởi được tính toán so sánh với mức cùng kỳ của năm 2020 vốn khiêm tốn. Kinh tế Ấn Độ trong quý 2 năm 2020 suy giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước đó do tác động mạnh của dịch COVID-19 và lệnh phong tỏa kéo dài toàn quốc.

Sau đó, kinh tế Ấn Độ phục hồi bất chấp số ca mắc mới tăng trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến đầu tháng 6. Ấn Độ tránh giãn cách xã hội toàn quốc nhưng nhiều bang công nghiệp đã tái áp đặt hạn chế ở địa phương nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.

Theo các nhà kinh tế học, ngành nông nghiệp, sản xuất và xây dựng của Ấn Độ nhiều khả năng đã góp phần dẫn đến tăng trưởng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Năm tài khóa của Ấn Độ thường bắt đầu từ tháng 4.

Số ca mắc mới COVID-19 đã giảm mạnh so với đỉnh dịch hồi tháng 5 và chương trình tiêm chủng của nước này cũng đang được triển khai nhanh. Ngày 27/8, Ấn Độ ghi nhận kỷ lục tiêm 10 triệu mũi vaccine COVID-19 trong một ngày. Các chuyên gia y tế cảnh báo về làn sóng dịch COVID-19 thứ ba có thể xảy ra tại Ấn Độ nhưng nhiều nhà kinh tế nhận định rằng tác động đối với kinh tế sẽ không quá nghiêm trọng.

Nhà nghiên cứu Shuchita Shukla tại The Economist Intelligence Unit chuyên về dự báo kinh tế trực thuộc tập đoàn The Economist (Anh) dự báo: “Kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng khá trong quý từ tháng 7 đến tháng 9”.

Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và đã chịu tác động mạnh mẽ, bị chậm chân so với nhiều nền kinh tế lớn khác trong tài khóa 2020-2021 khi tăng trưởng âm 7,3% so với giai đoạn 2019-2020.

Hà Linh/Báo Tin tức