09:00 16/09/2011

Kinh nghiệm xử lý lũ lụt trên thế giới

Đó là mô hình hồi sinh các quận ổ chuột ở thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) sau trận lụt do nước sông Mân Giang tràn bờ, làm 30.000 gia đình phải di chuyển chỗ ở.

Trung Quốc: Hồi sinh vùng lũ thành công viên sinh thái

Đó là mô hình hồi sinh các quận ổ chuột ở thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) sau trận lụt do nước sông Mân Giang tràn bờ, làm 30.000 gia đình phải di chuyển chỗ ở.

Đập nước Tucurui trên sông Tocantins ở tỉnh Tucurui của Braxin.

Năm 1985, chính quyền thành phố lập kế hoạch tái thiết khu vực này và tiến hành trong 5 năm (từ 1993 - 1998). Kế hoạch này có một số ưu điểm, trong đó có một mục tiêu rõ ràng là giảm nguy cơ lụt bằng cách hút bùn đọng và mở rộng lòng sông. Đặc biệt hơn, các vùng xanh đã được tạo ra, giúp cải thiện môi trường đáng kể và cho phép xây dựng một khu công viên sinh thái. Công viên này đã được trao giải thưởng và hiện nay trở thành một thắng cảnh thu hút khách du lịch.

Nhật Bản: Thực hiện dự án quản lý lũ toàn diện

Vùng hạ lưu sông Tsurumi, trải dài từ thành phố Machida qua Vịnh Tokyo, là mục tiêu của các dự án quản lý lũ toàn diện trong những năm 1980 của Nhật Bản. Một phần của kế hoạch lớn này là việc xây dựng một bể lớn đa năng, có thể trữ nước lũ từ sông trong mùa lụt, còn vào những thời điểm khác trong năm lại được dùng vào các mục đích khác, trong đó có sân vận động quốc tế Yokohama. Vì độ cao của con đê ngăn sông với bể này khá thấp, nước sẽ chảy qua đê khi mùa nước lên, vì thế tránh bị trào ngược. Nước sau lũ được tháo đi bằng các cửa cống. Bản thân sân vận động được dựng trên nhiều cọc nhằm đảm bảo nó vẫn được sử dụng trong mùa lũ như các đường đi chính. Một trung tâm thông tin về lũ lụt và các bảng thông báo trong bể này tạo điều kiện cho người dân nắm được thông tin và cung cấp các cảnh báo dễ dàng. Ngoài ra, các biện pháp khác trên sông Tsurumi cũng đã được áp dụng, bao gồm nạo vét lòng sông, đắp đê, kiểm tra và điều chỉnh các hồ chứa nước.

Hệ thống đập tại Braxin

Carlos E. M. Tucci, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Nước thuộc trường Đại học Liên bang Rio Grande do Sul, đã đưa ra một ví dụ điển hình về một hệ thống đập kiểm soát lũ tại châu thổ sông Itajaí-Açu ở Santa Catarina (Braxin). Đó là hệ thống gồm ba con đập được xây dựng trong những năm 1970 - 1980, gồm đập Tây nằm ở thượng nguồn sông Itajaí-Oeste ở thành phố Taió, đập Nam ở thượng nguồn sông Itajaí do Sul tại thành phố Ituporanga và đập Ibirama trên sông Hercílio. Thiết kế của các con đập này với sức chứa lớn và cửa cống thấp cho phép xả lũ dần dần trong một thời gian dài.

Luật Nước ở Đức

Các chính sách quốc gia cũng góp phần quản lý lụt lội. Các quy định kiểm soát lũ lụt trong Luật Nước của Đức năm 2005 là một ví dụ điển hình. Đạo luật này có ba nguyên tắc cơ bản đặt ra các nghĩa vụ kiểm soát lũ nghiêm ngặt đối với chính phủ và các cá nhân nhằm quản lý nguy cơ lụt, quản lý vùng bị ngập lụt và cách thức đưa ra cảnh báo.

Dựa vào các nguyên tắc trên, chính phủ Đức đã chỉ thị tăng cường cải thiện việc khoanh vùng và vẽ bản đồ nơi bị ngập lụt. Đặc biệt, tiến trình này có sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền ban hành lệnh cấm hầu hết việc xây nhà mới trên vùng thường bị ngập lụt. Một số ít được cấp phép là những công trình được kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu thiết kế. Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định các kế hoạch bảo vệ chống lũ lụt phải có khả năng áp dụng cho thời gian 100 năm và phải tính đến những người dân sống ven sông ở cả thượng nguồn và hạ nguồn. Cuối cùng, Chính phủ quy định các bản đồ vùng lũ và có nguy cơ ngập lụt phải được nhập vào mọi bản đồ hành chính và các kế hoạch sử dụng không gian như kế hoạch sử dụng đất và kế hoạch phát triển.

Nhiều chuyên gia nhận định đạo luật trên của Đức là một sự chuyển hướng từ tâm lý “bảo vệ” sang “quản lý nguy cơ thích hợp”. Đây cũng là một kinh nghiệm đáng học hỏi đối với nhiều nước.

Bạch Dương