10:19 01/10/2020

Kinh nghiệm phòng chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Chiều 1/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” với hơn 700 điểm cầu tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các điểm cầu từ tuyến quận, huyện, thị xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Hội nghị nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý điều trị COVID-19, kết quả sơ bộ thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, chia sẻ kinh nghiệm của các bệnh viện trong công tác phòng chống dịch.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã lan ra 215 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên 34 triệu người mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Việt Nam đã ghi nhận 1095 ca bệnh, trong đó đã có 1018 người được chữa khỏi; sô ca tử vong do COVID-19 là 35 ca và 4 ca tử vong sau khi điều trị khỏi.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, đối với dịch bệnh COVID-19, bên cạnh việc tích cực phòng chống dịch, kiểm soát và cách ly người có nguy cơ, người nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt những người Việt Nam, người nước ngoài đến từ vùng dịch, công tác phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng hướng dẫn là vô cùng quan trọng”.

 Sự tham gia chủ động và tích cực của Tiểu ban Điều trị, các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hồi sức, hô hấp, xét nghiệm vi sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã giúp tạo nên thành công của công tác điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tỷ lệ điều trị COVID-19 khỏi lên tới 96,4%, tỷ lệ các ca bệnh nặng, bệnh nền được chữa khỏi cao; khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

“Đặc biệt để bảo đảm an toàn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, cũng như ngăn chặn phát hiện sớm ca bệnh trước khi tới bệnh viện, Tiểu ban Điều trị đã ban hành Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo Quyết định 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ tiêu chí đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghiêm túc triển khai thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết, có 10 bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công trong công tác điều trị, phòng chống lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh thời gian qua. Đó là Việt Nam đã xây dựng kế hoạch khám chữa bệnh ứng phó với 5 tình huống cấp độ dịch bệnh; chỉ đạo cụ thể cho các tuyến, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan chỉ đạo về  bảo đảm chuyên môn, kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ,… tương ứng với từng cấp độ dịch bệnh.

Các địa phương triệt để thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và hỗ trợ chủ động, tích cực từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến Trung ương. Đồng thời tổ chức phân tuyến điều trị ca bệnh gồm tuyến xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Cả nước có tổng số 54 cơ sở khám chữa bệnh đã và đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện còn 9 bệnh viện đang điều trị cho 32 ca bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã xây dựng 4 phiên bản hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19); đồng thời thường xuyên cập nhật, đúc kết kinh nghiệm từ các vụ dịch trước, kinh nghiệm quốc tế, mở rộng phương pháp điều trị...

Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ các quy định về trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao, thiết lập hệ thống xét nghiệm ngay tại cơ sở, ra soát nhân lực chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, tăng cường đào tạo, bổ sung năng lực chuyên môn, thành lập đội cơ động và hỗ trợ thường xuyên cho địa phương. Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm hỗ trợ trực tuyến điều trị COVID-19 thường xuyên tổ chức giao ban trực tuyến với các cơ sở đang có ca bệnh điều trị; định kỳ 2-3 lần/ tuần, đã góp phần cứu thành công nhiều ca bệnh nặng, nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại y tế cơ sở.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe về kết quả triển khai thực hiện Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp; tình hình triển khai thực hiện việc xét nghiệm SARS-CoV-2 trong bệnh viện. Các địa phương như:  Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo triển khai và kết quả đánh giá thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn phòng chống COVID-19.Các Bệnh viện:  Phụ sản Trung ương, đa khoa Trung ương Huế trình bày kinh nghiệm triển khai thực hiện bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong bệnh viện, sáng kiến mô hình robot Tâm An phục vụ điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19...

Bích Thủy (TTXVN)