12:07 03/12/2019

Kinh nghiệm ở địa phương có số xã sáp nhập lớn nhất tỉnh Thanh Hóa

Tạo đồng thuận cao trong nhân dân, cán bộ, đảng viên được xem là khâu quan trọng nhất trong việc sáp nhập các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Cũng từ kinh nghiệm này, huyện Hà Trung đã thực hiện thành công việc sáp nhập 10 xã, thị trấn (chiếm 40% số xã) trên địa bàn huyện. Đây cũng là huyện có tỷ lệ tỷ lệ sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã lớn nhất và là huyện có số xã sáp nhập nhiều thứ 3 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự kỳ họp thứ nhất HĐND xã Yên Dương, huyện Hà Trung, nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 1/12/2019. Ảnh minh họa: hatrung.thanhhoa.gov.vn

Ngay từ khi có nghị quyết của Trung ương và địa phương về việc sáp nhập các xã, phường, thị trấn, Hà Trung đã tiến hành rà soát để xác định những xã nào không đủ tiêu chí về diện tích, dân số để tiến hành sáp nhập. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng xác định việc tạo đồng thuận trong nhân dân, cán bộ đang công tác tại các xã, thị trấn là khâu quan trọng nhất trong việc sáp nhập các xã.

Theo đó, Ban Thường vụ huyện ủy Hà Trung đã phân công các đồng chí phụ trách địa bàn thường xuyên nắm bắt, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, đồng thời trao đổi giải quyết những kiến nghị của người dân và cán bộ, đảng viên đang công tác tại các xã, thị trấn. Do đó khi tiến hành sáp nhập đã được sự đồng thuận cao từ cử tri (đạt 97%). Việc đặt tên cho các xã mới ở Hà Trung đa phần được lấy từ tên các thôn, xã ngày xưa, nên được sự đồng thuận rất cao từ nhân dân, như xã Hà Phú sáp nhập với xã Hà Lĩnh được lấy tên từ ngày trước thành xã Lĩnh Toại; xã Hà Ninh và xã Hà Lâm thành xã Yến Sơn; xã Hà Vân và xã Hà Thanh thành xã Hoạt Giang…

Để bố trí nhân sự chủ chốt cho các xã, đặc biệt là các xã thuộc diện sáp nhập, từ năm 2018, Hà Trung đã dừng bổ nhiệm các chức danh Phó các phòng, ban và các cán bộ chủ chốt ở các xã thuộc diện sáp nhập để tạo nguồn bố trí nhân sự mới khi sáp nhập các xã. Huyện cũng thực hiện phương án bố trí một trong 2 vị trí là Bí thư, Chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương. Cách làm này đã giải quyết được bài toán nhân sự ở các xã thuộc diện phải sáp nhập.

Theo đó đã có 95% số xã trong huyện có 1 - 2 chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng rà soát, vận động các cán bộ đang công tác tại các xã, thị trấn nghỉ hưu trước tuổi. Theo đó 14 đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, 68 đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, 25 đồng chí là trưởng các đoàn thể đã viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Huyện cũng đang tiến hành sắp xếp để giảm 83 công chức cấp xã theo lộ trình. 

Ông Trần Duy Bình, Bí thư Huyện ủy Hà Trung cho biết: Việc sáp nhập các xã tạo điều kiện để huyện Hà Trung có những bước phát triển mới. Đối với các xã sáp nhập, diện tích, quy mô còn nhỏ, dân số còn ít, khi sáp nhập sẽ có điều kiện để tích tụ tập trung đất đai, tạo thành những cánh đồng mẫu lớn để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hiệu quả của việc sáp nhập số đầu mối của các xã ít hơn nên cũng là điều kiện để các xã tập trung các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn.

Trong ngày 1/12, đồng loạt 5 đơn vị hành chính cấp xã mới sáp nhập trên địa bàn huyện Hà Trung tổ chức kỳ họp HĐND xã lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016-2021 và bầu các chức danh: Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND xã; Trưởng, Phó ban Kinh tế, xã hội của HĐND xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã; ủy viên UBND; thông qua Nghị quyết xác nhận bầu cử các chức danh và các ban của HĐND; UBND, ủy viên UBND, với tỷ lệ phiếu bầu các chức danh đạt gần 100%. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, và giải quyết tốt các vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nên tỷ lệ phiếu bầu các chức danh kể trên đạt gần 100%.

Bà Lưu Thị Nga, tân Chủ tịch HĐND xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung cho biết: Phương án sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương đúng đắn, hợp với lòng dân. Thực hiện đợt sáp nhập lần này tôi tin tưởng xã Lĩnh Toại (xã Hà Phú sáp nhập với xã Hà Lĩnh) sẽ thực hiện tốt hơn việc quy hoạch, mở mang sản xuất nông nghiệp. Xã cũng có điều kiện để kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về với địa phương nhằm phát triển kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. 

Còn anh Trịnh Quốc Đạt, thôn Độ Thôn, xã Lĩnh Toại cho biết: Việc sáp nhập 2 xã này bà con thống nhất đồng ý 100%, nhân dân chúng tôi rất phấn khởi và thấy được lợi ích của việc sáp nhập đó là giảm bớt cồng kềnh trong bộ máy chính quyền, tăng cường sự lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, xã cũng có lợi thế về việc thu hút nguồn lực phát triển kinh tế và có được nhiều nguồn lực hơn để đầu tư hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất.

Với việc hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Hà Trung trong năm 2019 sẽ là tiền đề quan trọng để ổn định về tổ chức bộ máy; ổn định công tác cán bộ và đời sống sinh hoạt của nhân dân; hướng tới tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Duy Hưng-Hoa Mai (TTXVN)