09:15 24/09/2016

Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững ở Bạc Liêu

Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của các ngành, Mặt trận Tổ quôc và các tổ chức đoàn thể đối với công tác giảm nghèo bền vững; cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Theo đó, Bạc Liêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo đa chiều. Tạo sự thống nhất cao trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quôc (MTTQ), các đoàn thể và cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm, mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ chương trình giảm nghèo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở các lớp dạy nghề và giới thiệu, giải quyết việc cho lao động…

Nông dân huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) canh tác lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN

Tỉnh Bạc Liêu hiện có 30.855 hộ nghèo với 127.514 khẩu, chiếm tỷ lệ 15,55%. Nhằm triển khai kế hoạch giảm nghèo những tháng cuối năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo: Các tổ chức, đoàn thể làm chủ dự án phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục sơ kết, tổng kết và nhân rộng mô hình, điển hình tốt trong phong trào giảm nghèo thời gian qua. Phối hợp với các ngành hữu quan mở lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ và nhân dân, nhất là ở cơ sở, về phương pháp lập dự án, quản lý nguồn vốn giảm nghèo và cách thức làm ăn của hộ dân để đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đồng thời tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên lao động nghèo; tạo điều kiện cho hộ nghèo sau học nghề được vay vốn mua phương tiện, công cụ sản xuất để họ có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo...

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các cấp Hội tham gia với chính quyền địa phương khảo sát số hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, số lao động nữ thất nghiệp tại địa phương và nhu cầu của hội viên, phụ nữ để lên kế hoạch hỗ trợ. 5 năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp mở trên 700 lớp dạy nghề cho gần 25.000 lượt chị em; sau khi học nghề, 70% lao động nữ có việc làm ổn định. Thông qua nhiều hoạt động, các cấp Hội phụ nữ đã giúp hơn 15.000 lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Qua bình xét, đã có trên 9.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Bên cạnh sự trợ giúp của địa phương, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu còn phát động cán bộ, hội viên khá, giàu đỡ đầu hội viên nghèo bằng hình thức giúp vốn, phương tiện sản xuất, hỗ trợ nâng cao kiến thức áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, mỗi năm có gần 27.000 lao động nữ được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Thực hiện Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy Bạc Liêu về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động về thực hiện giảm nghèo; phát động phong trào thi đua cao điểm thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, phấn đấu trong năm 2016 giảm 3% hộ nghèo, tương đương 747 hộ. Còn ở huyện Hồng Dân, Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm, giao nhiệm vụ cho từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2 - 3%.

Năm 2016, huyện Hòa Bình có 5.198 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,02% và 842 hộ cận nghèo. Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã tạo điều kiện cho 883 hộ nghèo, cận nghèo và học sinh, sinh viên vay hơn 18,3 tỷ đồng; cấp trên 17.244 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Từ các nguồn vận động, huyện Hòa Bình đã xây dựng và bàn giao 55 căn nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chính sách, 16 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Các cấp, các ngành trong huyện cũng giúp đỡ và trao phương tiện sản xuất cho 73 hộ nghèo; vận động đóng góp quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội được trên 2,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, giúp người nghèo tiếp cận chính sách giảm nghèo, phổ biến các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, gương thoát nghèo bền vững…

Các huyện Hòa Bình và Hồng Dân đã triển khai đề án, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác giảm nghèo và từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả. Cùng với cấp ủy cơ sở, chính quyền, MTTQ, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội của huyện cũng tích cực vào cuộc, phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo nhằm đưa các hoạt động giảm nghèo đi vào cuộc sống. Nhiều phong trào đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, khơi dậy được ý chí tự lực vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng...
Cao Thăng