04:08 03/04/2011

Kinh hoàng kinh doanh heo chết

Khoảng vài tháng trở lại đây, nhiều người đi qua cung đường này phải giật mình bởi những tấm biển “Mua heo chết” được dựng công khai trước một số quán ăn, nhà hàng…

Quốc lộ 10, kể từ khi được nâng cấp, mở rộng khiến cho việc giao thông đi lại và giao thương giữa Thái Bình với các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… được kéo gần khoảng cách, ngày càng thuận lợi, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, khoảng vài tháng trở lại đây, nhiều người đi qua cung đường này phải giật mình bởi những tấm biển “Mua heo chết” được dựng công khai trước một số quán ăn, nhà hàng…

Biển thu mua heo chết được treo cao trên tuyến quốc lộ 10.


“Bao nhiêu cũng cân tất!”

Có mặt trên cung đường “nóng bỏng” này những ngày đầu tháng ba, vào quãng thời gian từ 21giờ đêm hôm trước đến khoảng 4giờ sáng hôm sau, chúng tôi nhận thấy rất nhiều chiếc xe trọng tải lớn nhỏ chuyên chở heo từ các địa phương khác, chủ yếu từ Móng Cái (Quảng Ninh) nối đuôi nhau chạy qua đây mỗi ngày. Trên địa bàn từ ngã tư Môi (xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đến khu vực ngã ba Đọ, giáp với địa bàn huyện Đông Hưng, hàng chục địa điểm “đổ nước mui”, quán ăn cho cánh chạy xe đường dài nghỉ ngơi mọc lên. Điều bất ngờ là tại những địa điểm này đều có dịch vụ “tắm cho heo”, trước khi tiếp tục cuộc hành trình tỏa đi các tỉnh khắp trong Nam ngoài Bắc. Theo một tài xế xe tải chuyên chạy tuyến Móng Cái – Nghệ An, mỗi chuyến xe của anh chở khoảng 40- 60 con lợn đến Nghệ An để giao cho “đầu nậu” tại đây.

Theo nguồn tin từ bạn đọc, vài tháng trở lại đây, trước cửa một quán ăn tại kilômet 62 trên QL 10 từ Thái Bình đi Hải Phòng, thuộc địa bàn xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ xuất hiện một tấm bảng “Mua heo chết” khiến nhiều người đi qua giật mình.

Một buổi sáng đầu tháng ba, chúng tôi có mặt tại “Quán Quê” chuyên bán “Cơm phở- Canh cá- Thịt chó, mèo” có treo tấm biển “Mua heo chết” kèm số điện thoại 0987.xxx.xxx, chỉ có vợ chủ quán ở nhà. Quán lèo tèo dăm ba thực khách. Trong vai những người chủ trang trại có heo chết, chúng tôi tiếp cận người phụ nữ khoảng 30 tuổi. Trái với những hình dung của chúng tôi, người phụ nữ này tỏ ra khá xởi lởi, tự giới thiệu tên mình là Nhiễm, chồng là Nghĩa. Khi chúng tôi đặt vấn đề có mấy chục con heo đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra chết, qua giới thiệu nên tìm đến đây, hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đấy. Không chút hoài nghi, người phụ nữ này tỏ ra vồn vã: “Trang trại của các anh ở đâu? Lợn chết có nhiều không, khoảng bao nhiêu con? Các anh tìm đến đây là đúng chỗ rồi? Có bao nhiêu nhà em cũng cân tất! Nhiều khi còn không có mà mua…”. Chúng tôi hỏi giá cả, người phụ nữ này cho biết chỉ mua heo mới chết, giá 1 triệu đồng/con khoảng 50 kg. Cố nài thêm nhưng người phụ nữ này bảo: “Giá này là tốt lắm rồi! Nhưng nếu vừa chết xong thì để em gọi cho nhà em hỏi xem sao? Anh ấy đang đi ăn cưới ở xã bên…”. Nói rồi chị ta rút điện thoại gọi cho ai đó, xong quay qua bảo chúng tôi: “Giá đó là chốt rồi, không cao hơn được nữa! Anh cứ đi khảo giá mấy nhà trên kia, nếu hơn thì bán, không thì quay lại đây để cho em. Nhưng anh phải chịu chi phí vận chuyển…”.

Trước mặt những thực khách đang ăn sáng tại đây, người phụ nữ này cho biết bắt đầu mua heo chết từ khoảng trung tuần tháng 11/2010, và bắt đầu treo biển từ đầu tháng 12. “Mỗi ngày có hàng chục xe chở lợn từ Móng Cái (Quảng Ninh) qua đây ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, trong quá trình vận chuyển, vì nhiều lý do, lợn chết cũng kha khá. Mới đầu chúng em cũng chả để ý nhưng từ khi có người bên Hải Phòng sang đặt vấn đề, thấy có lãi nên nhà em đứng ra thu mua luôn…”.

Người phụ nữ này cho biết, chuyến đầu tiên vợ chồng chị mua được 30 con từ những xe chở lợn từ Móng Cái về. “Lần đầu mua cũng run tay lắm, của một đống tiền mà anh! Nhưng gọi điện thoại cho bên Hải Phòng người ta bảo sẽ sang ngay nên vợ chồng em liều xoay tiền gom tất. Ai ngờ chuyến đó lãi gần 2 triệu đồng. Chuyến thứ hai mua được ít hơn, có bốn con giá 3 triệu đồng. Từ đó, thấy nhiều người có lợn chết muốn bán và cũng có nhiều người thường xuyên đến hỏi mua nên vợ chồng em treo tấm biển này lên để làm ăn cho… chuyên nghiệp!? Nói chung, cứ hai, ba ngày em làm một chuyến, khoảng 20 - 30 con; cũng có ngày mua được vài chuyến. Nhưng chỉ mua lợn mới chết và người bán phải chở đến đây chứ chúng em không đi gom lẻ…”- người phụ nữ này nói.

Ngay khi chúng tôi có mặt ở đó để tìm hiểu vụ việc thì có người chở 3 con lợn chết đến bán. Ông Nguyễn Văn Đ. (Đông Hưng, Thái Bình), người có heo chết bán, cho biết đàn lợn nhà ông đang khỏe mạnh, sắp được xuất chuồng thì mấy ngày gần đây bỗng dưng có dấu hiệu biếng ăn, lờ đờ và phừng phừng đỏ như say rượu, hay thở dốc. Sau khoảng 10 ngày thì kiệt sức, đứng không nổi, nằm lăn ra và chết. “Trước đó, nhà tôi đã bán mấy con cho một người ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) nhưng giá thấp quá. Nghe nói ở đây giá cao hơn nên tôi đem đến bán…”, ông Đ. nói.

Chính quyền không biết!?

Sau khi có được số điện thoại của chủ quán mua heo chết, khoảng một tiếng sau, trong vai người bán thịt lợn ở chợ Tứ Kỳ (Hải Dương) chúng tôi gọi điện thoại cho người đàn ông tên Nghĩa số 0165.xx. xxxxx đặt vấn đề mua heo chết. Sau một hồi úp mở giá thịt tăng quá cao, muốn mua thêm thịt lợn mới chết “pha” vào mang đi tiêu thụ, chúng tôi đặt vấn đề mua thịt lợn chết nhưng không mua nội tạng và dò hỏi giá cả. Người đàn ông này lúc đầu thừa nhận có heo chết nhưng sau tỏ ra cảnh giác, hỏi chúng tôi ở đâu, mua lợn chết làm gì? Chúng tôi trình bày lại một lần nữa và tỏ ra rất cần, bao nhiêu cũng mua, sẽ trả giá hời. Người đàn ông này ậm ừ cho biết hiện trong nhà không còn heo chết nhưng nếu cần sẽ gọi.

Trưa cùng ngày, chúng tôi gọi lại vào số điện thoại nói trên thì người đàn ông này bảo không có lợn chết bán. Thỉnh thoảng có thì bán cho trang trại cá sấu ở Hải Phòng mua về cho cá sấu ăn, họ đã đặt hàng từ trước (!?).

Đem vấn đề này hỏi những chủ trang trại nuôi cá sấu, họ đều cho biết cá sấu có ăn thịt heo. Tuy nhiên, một chủ trang trại nuôi cá sấu hàng nghìn con ở Hải Phòng khẳng định vào mùa đông cá sấu không ăn mấy nên chẳng ai dại gì đi mua lợn chết! Thêm nữa, giá cá sấu hiện tại tụt thê thảm, nếu mua lợn chết với giá cao như thế cho cá sấu ăn thì sạt nghiệp. “Có khi thịt lợn còn cao hơn thịt cá sấu!”- chủ trang trại này hài hước nói.

Chúng tôi xin được làm việc với lãnh đạo xã An Lễ thì một cán bộ xã không nói tên cho biết, lãnh đạo xã đang đi vắng hết. Qua điện thoại, khi chúng tôi hỏi về vấn đề này, Chủ tịch xã này nói: “Không biết, sẽ cho kiểm tra”. Vị này còn nói: “Có khi người ta mua lợn chết cho cá sấu ăn thật” (!?). Điều đáng nói là địa điểm kinh doanh heo chết này nằm ngay đối diện với trụ sở các cơ quan công quyền xã An Lễ!

Đáng ngạc nhiên, mặc dù tình trạng các xe chuyên chở gia súc gia cầm qua đây mỗi ngày nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không hề thấy có một trạm kiểm dịch. Ngay cả cán bộ, chiến sĩ của Trạm CSGT Cầu Nghìn gần đó hầu như cũng không hề có một động thái nào!?

Khánh Linh