11:08 21/11/2014

Kinh hoàng “công nghệ” tăng trọng gia súc, gia cầm

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, tình trạng các chủ lò mổ bơm nước vào gia súc, gia cầm để tăng trọng lượng lại tái diễn trở lại.

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, tình trạng các chủ lò mổ bơm nước vào gia súc, gia cầm để tăng trọng lượng lại tái diễn trở lại.

Thậm chí, có lò mổ còn bơm cả thuốc an thần Prozil (loại thuốc truyền mê, dùng trong phẫu thuật) vào đàn lợn nhằm “tăng trọng khẩn cấp” trước khi xẻ thịt bán ra thị trường. Lợn tiêm thuốc an thần để lâu miếng thịt vẫn tươi ngon, bắt mắt, dễ bán hơn so với thịt không tiêm thuốc. Tuy nhiên, ẩn chứa đằng sau đó là hiểm họa thật khó lường.Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng, sử dụng bừa bãi thuốc an thần là rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng. Nhóm thuốc này có thể khiến người ta ngây ngất, khó chịu, người bứt rứt, căng thẳng, bực bội, tính khí dễ bị kích động. Trường hợp bị nặng dẫn đến trầm cảm, hoang tưởng. Việc tiêm thuốc an thần vào lợn thịt sẽ nguy hiểm cho người sử dụng. Nếu người dùng nhiều và dùng trong thời gian dài thịt lợn bị tiêm thuốc an thần sẽ bị ảnh hưởng thần kinh.

Vấn đề thực phẩm bẩn tràn lan, không thể kiểm soát trên thị trường đang gây bức xúc dư luận xã hội và trở thành thách thức lớn đối với các nhà quản lý. Người tiêu dùng đang phải đối mặt nguy cơ khôn lường về sức khỏe. Thực tế cho thấy, vẫn còn quá nhiều kẽ hở trong công tác kiểm tra, kiểm định để những kẻ vô lương tâm, hám lợi có cơ hội gieo rắc tai họa lên người dân. Thực phẩm bẩn vẫn hằng ngày len lỏi vào bữa ăn của từng gia đình, từng bếp ăn tập thể của học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặc dù liên tiếp bị triệt phá, nhưng do lợi nhuận cao, nên nhiều lò thịt không an toàn vẫn tồn tại, đầu độc người tiêu dùng.

Những vụ việc bị phát hiện mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trên thực tế việc sử dụng, kinh doanh thực phẩm bẩn đang là nguy cơ có thực và hậu quả của nó thật khó lường. Theo thống kê của ngành Y tế, bình quân mỗi năm nước ta có khoảng 9 triệu người bị ảnh hưởng từ ngộ độc thực phẩm và ngân sách nhà nước phải chi khoảng 14.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Ngăn chặn thực phẩm bẩn không chỉ là trách nhiệm của các bộ chức năng (Y tế, Nông nghiệp&Phát triển nông thôn, Công Thương), mà là trách nhiệm của nhiều bộ ngành, là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý; đặc biệt cần phải có biện pháp mạnh tay đối với những chủ hàng, đầu mối vì lợi nhuận mà coi thường luật pháp, coi thường sức khỏe của cộng đồng.

Rõ ràng, cần phải tăng thêm mức phạt với những kẻ cố tình vi phạm pháp luật, bên cạnh đó phải thường xuyên tuần tra, kiểm tra, cấp giấy phép kiểm định cho các gian hàng bán thịt thì may ra người dân mới bớt được phần nào những mầm họa từ thịt heo. Với người tiêu dùng, hơn lúc nào cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận biết, phân loại thực phẩm thật giả, hàng kém chất lượng trước khi sử dụng.

Yến Nhi