04:07 12/04/2016

Kiệt quệ hồ chứa thủy lợi, thủy điện

Đến nay, mới quá nửa chặng đường của mùa khô nhưng hàng chục hồ chứa các loại khu vực Nam Trung Bộ đã trong tình trạng kiệt quệ về nguồn nước. Nhiều hồ chứa thậm chí đã khô cạn trơ đáy cả tháng qua.

Hồ Đại Ninh sẽ về mực nước chết

Bình thường hàng năm, hồ Đại Ninh (Lâm Đồng) sẽ cung cấp cho Bình Thuận khoảng 250 triệu m3 nước trong 6 tháng đầu năm nhưng năm nay dự kiến chỉ được khoảng 100 triệu m3 nước. Đây chỉ là một trong hàng trăm hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên bị thiếu hụt nguồn nước rất nhiều so với trung bình nhiều năm.

Thực tế, đến cuối tháng 3, mực nước hồ Đại Ninh là 864 m, tương đương với dung tích hữu ích còn 33,4 triệu m3, đạt 13,4% tổng dung tích. Nhưng con số trên cũng không phải sẽ được dành hết cho Bình Thuận chống hạn.

Theo ông Đặng Văn Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh, ngoài việc chạy máy cấp nước cho hạ du tỉnh Bình Thuận, Nhà máy Đại Ninh còn phải xả nước đảm bảo dòng chảy sinh thái và môi trường hạ du sông Đồng Nai.

“Trong 33,4 triệu m3 phải chia sẻ gần 19,6 triệu m3 trả lại môi trường cho sông Đồng Nai. Như vậy chỉ còn 13,8 triệu m3 cấp nước cho Bình Thuận chống hạn trong 3 tháng 4, 5 và 6 với lưu lượng xả trung bình 1,66 m3/s”, ông Đặng Văn Cường nói.

Hồ Đại Ninh (Lâm Đồng). Ảnh: Internet

Lượng nước cứu hạn cho Bình Thuận không còn nhiều, trong khi lưu lượng nước về hồ cho đến hết mùa khô theo dự báo gần như là bằng không. Với tiến độ cung cấp nước là 1,66 m3/s thì đến cuối tháng 6, mực nước hồ Đại Ninh sẽ về mực nước chết.

Ông Đặng Văn Cường cũng cho biết, từ tháng 1 cho đến tháng 6, Thủy điện Đại Ninh đã phải tách ra khỏi thị trường điện cạnh tranh để phục vụ cho cấp nước hạ du Bình Thuận. Trong 6 tháng đầu năm, hồ Đại Ninh là hồ thủy điện nhưng bản chất lại là hồ thủy lợi.

Ngoài phụ thuộc vào hai nguồn nước lớn từ hồ thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận nhưng không còn nhiều, ông Phạm Văn Tuyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Thuận, cho biết 78 hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng chỉ còn 56 triệu m3, chỉ đạt khoảng 26% dung tích thiết kế (216 triệu m3). Với lượng nước còn lại trên, Bình Thuận không chỉ bị đình trệ trong sản xuất nông nghiệp, mà hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt đều thiếu hụt. Tất cả nguồn nước đều được lựa chọn ưu tiên phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, tưới cho diện tích cây trồng nông nghiệp vụ đông xuân 2015 - 2016 còn lại và cây thanh long.

Tại Ninh Thuận, sự căng thẳng trước tình trạng thiếu nguồn nước cho đời sống sinh hoạt, sản xuất cũng không kém gì Bình Thuận. Nguồn nước các hồ chứa ở đây hầu hết cũng đã lâm vào tình trạng gần chạm đến mực nước chết. Tổng dung tích 20 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn 45,7/192,2 triệu m3, đạt 23,8% dung tích thiết kế. Đặc biệt có 2 hồ là Ông Kinh và Tà Ranh đã không còn nước từ rất lâu, đáy hồ thậm chí đã bị khô nứt nẻ.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ

Để cơ bản giải quyết được tình trạng hạn hán ở Bình Thuận, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho rằng, Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình hồ Sông Lũy (150 triệu m3) để tạo nguồn cấp nước chống hạn cho khu vực phía Bắc tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ Ka Pét (50 triệu m3) để bổ sung nguồn nước chống hạn cho khu vực ở phía Nam tỉnh. Đồng thời, Bình Thuận cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư xây dựng hồ La Ngà 3 (430 triệu m3).

“Với hồ La Ngà 3, trước mắt cho nâng cấp đập dâng Tà Pao, mở rộng kênh chính Tà Pao tiếp nước vào hồ Biển Lạc, hỗ trợ kinh phí hoàn thiện kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân; xây dựng kênh tiếp nước Hàm Tân - Hàm Thuận nam - La Gi để phục vụ công tác chống hạn cho khu vực phía Nam của tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Phước cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Phước cũng cho biết, do thiếu các công trình trữ nước nên mùa mưa vẫn để lượng nước lớn chảy ra biển, trong khi mùa khô lại hạn hán nặng nề. Nếu có các công trình tích trữ nước Bình Thuận có khả năng phát triển nông nghiệp hàng hóa cao.

Còn tại Ninh Thuận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận đã thống nhất với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi duy trì mức xả nước đến 20/4 từ 12 - 14 m3/s; từ 21/4 đến 30/5 với mức 12 m3/s cho Ninh Thuận phục vụ sinh hoạt chăn nuôi và sản xuất vụ đông xuân.

Theo ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang chủ động điều tiết nước tưới luân phiên giữa các đập (Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm), điều tiết nước luân phiên giữa các cống lấy nước đầu kênh (kênh Tây, kênh Đông, kênh Bắc và kênh Nam). Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương duy trì thực hiện phương án điều tiết nước tưới cho sản xuất theo hướng tiết kiệm, hợp lý. Lượng nước các hồ, đập còn lại tiếp tục quản lý và ưu tiên dành nước cho sinh hoạt và nước uống cho gia súc.
Bích Hồng