05:17 11/05/2017

Kiên quyết xử lý tình trạng tàn phá rừng ở Đắk G’Long

Đắk G’Long hiện là điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tỉnh Đắk Nông, nhiều vạt rừng đang tiếp tục bị tàn phá, lấn chiếm để lấy đất sản xuất. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, cũng như huyện Đắk Glong cần khẩn trương ngăn chặn và xử lý dứt điểm.

Phá rừng gần trạm bảo vệ rừng

Tháng 2/2016, Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Hợp Tiến được UBND tỉnh Đắk Nông cấp hơn 1.200 ha đất để thực hiện Dự án quản lý, bảo vệ rừng và đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể. Đây là diện tích đất thu hồi từ phần đất do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Quảng Sơn (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) quản lý. Vị trí phần đất này tại hai tiểu khu 1644, 1645 thuộc địa phận xã Quảng Sơn.

2 tiểu khu 1668 và 1674 (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) bị người dân vô tư tàn phá.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, trong hơn 1.200 ha đất cấp cho Hợp tác xã Hợp Tiến, có hơn 645 ha đất có rừng, còn lại là đất không có rừng và chủ yếu đang được trồng các loại cây trồng khác.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’Long, sau hơn 1 năm được giao đất cho Hợp tác xã Hợp Tiến, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện, tiếp nhận và xử lý 20 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích gần 14 ha. Trong đó, Hợp tác xã Hợp Tiến - đơn vị chủ rừng và có trách nhiệm đầu tiên trong quản lý, bảo vệ rừng chỉ báo cáo được 3 vụ với diện tích hơn 3ha, 17 vụ còn lại Hợp tác xã Hợp Tiến không phát hiện kịp thời và cũng không báo cáo.

Ngoài ra, nhiều vụ phá rừng với quy mô lớn, thời gian kéo dài cũng không được phát hiện, xử lý kịp thời. Đơn cử như vụ phá gần 3,5 ha rừng tại tiểu khu 1645 xảy ra từ tháng 7/2016 nhưng đến tháng 2/2017 mới được phát hiện, xử lý; 5 vụ phá rừng liên tiếp với diện tích gần 4,5 ha tại tiểu khu 1644 kéo dài đã lâu nhưng đến tháng 3/2017 mới được phát hiện; nhiều vụ phá rừng chỉ nằm cách trạm quản lý, bảo vệ rừng của Hợp tác xã Hợp Tiến khoảng 200 - 300 mét và nằm gần đường tuần tra, bảo vệ rừng, nhưng cũng không bị ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Nhiều vạt rừng tại các xã Đắk Ha, Quảng Sơn, Đắk R’Măng (đều thuộc huyện Đắk G’Long) cũng đang bị tàn phá, xâm lấn trong nhiều tháng qua. Tiêu biểu như vụ phá trên 46 ha rừng tại tiểu khu 1685 mà TTXVN đã phản ánh vào cuối tháng 3/2017. Tại đây, các đối tượng phá rừng đã qua mặt Trạm quản lý bảo vệ rừng liên xã Quảng Sơn để phá và đốt trụi hơn 46 ha rừng trong nhiều tháng liền. Hay vụ phá gần 13 ha rừng tại tiểu khu 1718 thuộc địa phận xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long do UBND Đắk R’Măng quản lý; vụ phá gần 7ha rừng tại tiểu khu 1696 thuộc địa phận xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long (trước đây do Xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Ha quản lý, đang chờ bàn giao về cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa)…

Cần quy trách nhiệm và xử lý nghiêm

Theo ông Lê Văn Hà, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’Long, nguyên nhân của việc phá rừng trên lâm phần do Hợp tác xã Hợp Tiến quản lý là do rừng bị đánh giá sai hiện trạng hoặc hiện trạng rừng giữa các tờ bản đồ không thống nhất. Tại bản đồ rà soát, đánh giá hiện trạng rừng và đất đai thuộc khu vực dự án quản lý, bảo vệ rừng và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp của Hợp tác xã Hợp Tiến do Trung tâm quy hoạch, khảo sát, thiết kế nông lâm nghiệp Đắk Nông (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông) thực hiện, có một số vị trí là nương rẫy và đất trống nhưng trên thực tế là rừng. Cùng với đó, Hợp tác xã Hợp Tiến chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; một số cá nhân là thành viên Hợp tác xã lợi dụng tư cách này để phá rừng lấy đất sản xuất; các cá nhân, tổ chức được giao bảo vệ rừng chưa làm hết trách nhiệm…

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng huyện, chỉ riêng tại phần đất giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến đã có 84 hộ dân xâm canh trên đất rừng với diện tích trên 110 ha. Nguyên nhân chính là đất đai màu mỡ, trong khi dân nhập cư về địa phương này ngày càng nhiều. Đây cũng là tình trạng chung đối với các đơn vị, doanh nghiệp được giao đất rừng để quản lý, bảo vệ trên địa bàn xã Quảng Sơn.

Liên quan đến tình trạng phá rừng và các sai phạm liên quan tại Hợp tác xã Hợp Tiến, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’Long đề nghị UBND huyện Đắk G’Long, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Đắk Nông thành lập đoàn liên ngành để đánh giá lại toàn bộ diện tích rừng và đất rừng đã giao cho Hợp tác xã Hợp Tiến; xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân của Trung tâm quy hoạch, khảo sát, thiết kế nông lâm nghiệp Đắk Nông trong việc đánh giá sai hiện trạng rừng trong quá trình khảo sát, thiết kế; xử lý nghiêm trách nhiệm của Hợp tác xã Hợp Tiến với tư cách là đơn vị chủ rừng.

UBND huyện Đắk G’Long đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện và phối hợp với các đơn vị của tỉnh kiểm tra, xác minh; qua kiểm tra đã xác định có gần 85 ha rừng bị tàn phá trái phép khoảng từ cuối năm 2016 đến nay. Hiện ngành chức năng đã khởi tố hai vụ gồm vụ phá gần 7 ha rừng tại tiểu khu 1696 (tháng 12/2016) và vụ phá hơn 46 ha rừng tại tiểu khu 1685 (đầu tháng 3 vừa qua); các ngành chức năng của tỉnh Đắk Nông và huyện Đắk G’Long đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tình trạng phá rừng trên quy mô lớn tại huyện Đắk G’Long cần được ngăn chặn kịp thời. Dư luận tại huyện Đắk G'Long cũng như tỉnh Đắk Nông mong muốn các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc một số cá nhân, tổ chức có nhiều sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng; điều tra, xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật, không thể để các sai phạm có hệ thống tiếp tục tồn tại như thời gian qua.

Tin, ảnh: Ngọc Minh (TTXVN)