11:05 29/11/2014

Kiên quyết xử lý lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc

Tình trạng lao động bỏ trốn ở lại sau khi hết hợp đồng đã ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của lao động xuất khẩu Việt Nam, cũng như gây thiệt hại cho những hợp đồng xuất khẩu lao động của Việt Nam với các nước

Tình trạng lao động bỏ trốn ở lại sau khi hết hợp đồng đã ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của lao động xuất khẩu Việt Nam, cũng như gây thiệt hại cho những hợp đồng xuất khẩu lao động của Việt Nam với các nước. Trong đó, nổi cộm nhất là tình trạng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Chặn đứng tình trạng lao động bỏ trốn, tạo dựng lại hình ảnh của lao động xuất khẩu Việt Nam với Hàn Quốc là quyết tâm của ngành lao động, thương binh, xã hội.

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, dù ngành đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để xử lý, ngăn chặn lao động bỏ trốn; nhưng đến thời điểm này, số lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc vẫn chiếm trên 30%. Trong khi, yêu cầu của phía Hàn Quốc là chỉ khi nào tỷ lệ này dưới 30%, thì mới tiếp tục ký thỏa thuận bình thường với Việt Nam về xuất khẩu lao động (dự kiến vào đầu tháng 12/2014). Như vậy, nhiều khả năng năm 2015, tình trạng xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn sẽ chưa được cải thiện.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: CTV


“Theo như cảnh báo sớm từ phía Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp cao gấp 2 lần tỷ lệ trung bình của 15 nước phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, vì vậy nguy cơ đóng cửa thị trường xuất khẩu lao động Việt Nam sang nước này là có thể xảy ra”, một đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đưa ra cảnh báo.

Thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc vốn là một thị trường lớn. Theo đó, thực hiện Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), từ năm 2004 đến nay, gần 80.000 lượt người lao động Việt Nam đã sang Hàn Quốc làm việc, đem lại lượng kiều hối 700 triệu USD mỗi năm cho đất nước. Tuy nhiên, đây cũng chính là thị trường có nhiều “tồn tại”, do vấn đề chi phí đi xuất khẩu quá cao, do nhận thức của người lao động còn hạn chế.

Như chia sẻ của anh Nguyễn Văn Bài (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa): “ Khi đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, tôi phải qua môi giới, nên mất 160 triệu đồng tiền phí, gấp 3 lần so với quy định của Bộ LĐTB&XH. Vì tiền môi giới cao nên nhiều lao động Việt Nam tại Hàn Quốc sau khi hết hạn đều muốn ở lại nhằm kiếm việc làm thêm, bù lại chi phí đã bỏ ra. Bên cạnh đó, việc tiền lương tại Hàn Quốc và Việt Nam chênh lệch quá lớn, cũng là một nguyên nhân khiến người lao động tìm cách trốn ở lại”.

Chính vì những nguyên nhân này, nên vào đầu năm 2012, tỷ lệ lao động Việt Nam ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã lên tới hơn 50%, cao gấp đôi so với các nước khác. Điều này khiến phía Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam từ ngày 28/8/2012 đến ngày 31/12/2013 (đúng thời điểm ký Bản Ghi nhớ đặc biệt), khiến hàng chục nghìn lao động đã đăng ký, trải qua đào tạo, phải tạm dừng không được sang Hàn Quốc làm việc.

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đơn vị trực tiếp đưa lao động xuất khẩu theo chương trình EPS: Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ lao động ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn.

Để giữ vững thị trường lao động Hàn Quốc, thời gian tới, các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện hơn nữa các giải pháp để giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống mức mà cả phía Hàn Quốc và Việt Nam có thể chấp nhận được, trên cơ sở đó, hai Bộ Lao động có thể ký lại Bản Ghi nhớ bình thường, thay cho bản Ghi nhớ đặc biệt.

Cụ thể, tiếp tục triển khai cho 100 % lao động trước khi xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng, như đã triển khai trong năm 2014. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn tại các địa phương có nhiều lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và sẽ hết hạn hợp đồng lao động trong năm 2014, với đối tượng tuyên truyền là thân nhân gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc sắp sửa hết hạn hợp đồng lao động phải về nước trong năm 2014.

“Trong năm 2014, Văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại Hàn Quốc đã phối hợp với Ban Quản lý lao động và các cơ quan liên quan của Hàn Quốc tổ chức hàng chục buổi gặp mặt, tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc chấp hành pháp luật, về nước đúng hạn. Bên cạnh tuyên truyền và việc áp dụng Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ đối với những lao động ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ sau ngày 10/3/2014, các cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt trên 300 người lao động thuộc đối tượng này. Đây là giải pháp mạnh nên tiếp tục trong năm 2015”, đại diện Bộ LĐTB&XH khẳng định.

Cũng theo đại diện này, để nâng tính hiệu quả giảm lao động Việt Nam ở lại quá hạn, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã đề nghị phía Hàn Quốc hợp tác tích cực cùng với Việt Nam, tăng cường quản lý lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, đồng thời xử phạt nghiêm các chủ sử dụng tiếp nhận lao động bất hợp pháp Việt Nam.

Xuân Minh - Thanh Thanh